+Aa-
    Zalo

    Vì sao cửa thoát hiểm chống cháy ở các tòa nhà cao tầng luôn phải đóng kín?

    (ĐS&PL) - Thiết kế các khu chung cư, nhà cao tầng không bao giờ được thiếu lối thoát hiểm để mọi người có thể chạy thoát khi hỏa hoạn xảy ra. Vậy bạn có thắc mắc vì sao cửa thoát hiểm luôn đóng và chỉ có thể mở theo một chiều?

    Thông thường, cửa thoát hiểm được làm bằng những tấm thép không gỉ, được bao phủ bởi lớp sơn tĩnh điện, bên trong là vật liệu chống cháy.

    vi sao cua thoat hiem chong chay o cac toa nha cao tang luon phai dong kin 1
    Thiết kế các khu chung cư, nhà cao tầng không bao giờ được thiếu lối thoát hiểm để mọi người có thể chạy thoát khi hỏa hoạn xảy ra. Ảnh minh họa.

    Khi không may xảy ra sự cố cháy nổ, người trong tòa nhà sẽ chạy ra hàng lang của mỗi tầng, sau đó di chuyển thật nhanh và thoát ra ngoài qua lối thoát hiểm. Trừ những lúc đó, cửa thoát hiểm chung cư luôn phải đóng, và chúng cũng được thiết kế để chỉ có thể mở theo một chiều.

    Lý do cửa thoát hiểm ở các tòa nhà cao tầng luôn phải đóng kín?

    Cửa thoát hiểm của chung cư luôn phải đóng kín để đảm bảo trường hợp có hỏa hoạn xảy ra, khói độc sẽ không lan vào lối thoát hiểm. Khi xảy ra cháy, người dân có thể đi qua hành lang, mở cửa thoát hiểm và đi theo lối thoát hiểm để ra ngoài. Cửa thoát hiểm được thiết kế để có thể chặn khói và khí độc, giúp người dân có thời gian di chuyển đến vị trí an toàn.

    Theo quy định về phòng cháy, chữa cháy dành cho các tòa nhà chung cư, cửa thoát hiểm của các tầng luôn phải đóng. Cửa thoát hiểm tại hàng lang tầng, không gian chung, phòng chờ, sảnh, buồng thang bộ không được có chốt khóa để có thể mở từ bên trong. Ngoài ra, các tòa nhà có chiều cao trên 15 mét thì cánh cửa thoát hiểm phải có thiết kế là cửa đặc hoặc với kính cường lực.

    vi sao cua thoat hiem chong chay o cac toa nha cao tang luon phai dong kin 12
    Cửa thoát hiểm của chung cư luôn phải đóng kín để đảm bảo trường hợp có hỏa hoạn xảy ra, khói độc sẽ không lan vào lối thoát hiểm. Ảnh minh họa.

    Bên cạnh đó, cũng theo quy định phòng cháy, chữa cháy, đối với buồng thang bộ, cửa ra vào phải là loại có cơ cấu tự đóng, khe cửa được chèn khít. Các cửa trong buồng thang bộ mở trực tiếp ra ngoài thì không có cơ cấu tự đóng và không cần chèn kít ke cửa.

    Cửa của lối thoát nạn từ các phòng hay hành lang cũng được yêu cầu thiết kế là cửa đặc, có cơ cấu tự đóng và khe cửa được chèn khít.

    Tuy nhiên, một số người dân không hiểu rõ nguyên tắc hoạt động của cửa thoát hiểm, cố tình mở cửa hay sử dụng vật nặng để chèn lại và giữ chúng mở để tạo thông gió. Điều này vô tình trở thành mối nguy hiểm và có thể gây mất cơ hội sống cho nhiều người trong tòa nhà trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Khi cửa thoát hiểm chống cháy của tòa nhà cao tầng đang mở, nếu có đám cháy, khói sẽ lan vào lối thoát hiểm và lan sang các tầng khác. Điều này sẽ khiến người dân không có lối đi an toàn để thoát ra.

    Cùng với đó, việc cố tình mở cửa thoát hiểm có thể gây hỏng phần khóa của cửa và làm móp méo hệ khung. Việc dùng vật cản để giữ cửa mở trong thời gian dài cũng có thể làm yếu bản lề và làm lệch cửa , khiến nó không đóng kín được theo tiêu chuẩn.

    Trong trường hợp không cần thiết, nếu cửa thoát hiểm được mở quá lâu, phần thủy lực của cửa có thể bị hỏng, khiến nó không thể đóng lại một cách an toàn. Điều này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho con người và tài sản trong trường hợp xảy ra cháy nổ.

    Lý do cửa thoát hiểm chỉ mở một chiều

    Theo quy định, tất cả các cửa thoát hiểm chỉ cho phép mọi người mở theo một chiều bởi 2 lý do sau.

    Giúp thoát hiểm nhanh chóng

    vi sao cua thoat hiem chong chay o cac toa nha cao tang luon phai dong kin 13
    Việu cửa thoát hiểm mở được 2 chiều sẽ dẫn đến tình trạng liên tục có người ra - vào theo hai chiều ngược nhau, dẫn đến va chạm, ùn tắc và làm chậm trễ quá trình thoát hiểm. Ảnh minh họa.

    Con người rất dễ hoảng loạn khi đám cháy xảy ra. Việu cửa thoát hiểm mở được 2 chiều sẽ dẫn đến tình trạng liên tục có người ra - vào theo hai chiều ngược nhau, dẫn đến va chạm, ùn tắc và làm chậm trễ quá trình thoát hiểm, thậm chí có thể tạo ra tình huống giằng co, không ai đi thoát. Vì thế, cửa này được thiết kế để đảm bảo lối thoát hiểm chỉ lưu thông một chiều, giúp công tác thoát hiểm trở nên nhanh chóng, hiệu quả hơn.

    Ngoài ra, những cửa mở một chiều này sẽ tự động đóng lại nhờ tay co thủy lực, giúp cách ly ngọn lửa, ngăn đám cháy lây lan, không cho lửa và khói bụi xâm nhập lối thoát hiểm.

    Đảm bảo an ninh cho tòa nhà

    Lối thoát hiểm thường sẽ dẫn từ các tầng xuống sảnh chính hoặc tầng hầm. Vì thế, cửa thoát hiểm chỉ được phép mở một chiều nhằm ngăn chặn bọn trộm cướp hay kẻ xấu nói chung theo lối thoát hiểm đột nhập các tầng.

    Thùy Dung(T/h)

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-cua-thoat-hiem-chong-chay-o-cac-toa-nha-cao-tang-luon-phai-dong-kin-a590999.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan