+Aa-
    Zalo

    Viêm họng cấp lúc chuyển mùa: Triệu chứng và cách phòng ngừa, điều trị

    (ĐS&PL) - Viêm họng là tình trạng sưng, đau rát, vướng trong cổ họng. Hầu hết các cơn đau họng là do nhiễm virus và vi khuẩn. Viêm họng là căn bệnh dễ mắc vào lúc giao mùa hoặc khi thời tiết hay môi trường lạnh.

    Tổng quan bệnh viêm họng cấp

    Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, viêm họng là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong cộng đồng. Họng (hầu) là một thành phần của đường dẫn khí, gồm ba phần như hình vẽ (từ trên xuống dưới: tỵ hầu, khẩu hầu, thanh hầu). Viêm họng cấp là một trong các bệnh thường gặp nhất tại các phòng khám.

    Nguyên nhân gây viêm họng khi thời tiết chuyển mùa

    Viêm họng là vấn đề thường gặp và xảy ra do nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân chủ yếu là:

    Do các loại virus, vi khuẩn

    Khoảng 80% các loại virus có khả năng cao gây viêm họng như: virus cúm A và virus cúm B, coronavirus và parainfluenza virus,…

    Ngoài ra một số loại vi khuẩn như: phế cầu, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu khuẩn β tan huyết trong nhóm A gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

    can lam gi khi bi viem hong cap luc chuyen mua loi khuyen cua bac si 2
    Viêm họng cấp lúc chuyển mùa: Triệu chứng và cách phòng ngừa, điều trị.

    Do các yếu tố bên ngoài khác:

    - Chất kích thích hoặc chất gây dị ứng như: khói bụi, thuốc lá, rượu bia, thuốc xịt chứa hóa chất, đồ ăn cay nóng,… làm cháy lớp lót ở niêm mạc họng dẫn đến viêm.

    - Thời tiết thay đổi, mưa, lạnh hay nóng bức khiến cơ thể không thích nghi kịp, nên dễ gây viêm họng.

    Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

    Do axit dạ dày trào ngược lên thực quản nên khi bị bệnh này, cổ họng sẽ luôn cảm thấy nóng rát.

    Nhiễm HIV

    Những người bị nhiễm HIV thường có hệ thống miễn dịch suy yếu. Do đó, họ dễ bị vi khuẩn tấn công và gây viêm họng mãn tính hoặc tái phát do nhiễm trùng.

    Khối u

    Các khối u ở vùng họng xuất hiện nhiều ngày không khỏi cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm loét họng.

    Bệnh viêm họng xảy ra do nhiều yếu tố, thông thường bệnh phát sinh nhiều nhất khi vào lạnh, thời tiết thay đổi hoặc hanh khô…

    Biểu hiện của viêm họng

    Viêm họng cấp tính thường xảy ra đột ngột, gây ra các triệu chứng:

    - Đau rát họng, nhất là khi nuốt.

    - Cảm giác đau nhói lên tai khi nói, nuốt, ho.

    - Ho từng cơn, ho khan hoặc ho có đờm.

    - Sốt vừa hoặc sốt cao.

    - Ớn lạnh.

    - Nhức đầu.

    - Đau nhức người.

    - Mệt mỏi.

    - Chán ăn.

    - Có hạch góc hàm, ấn vào di động, hơi đau.

    Viêm họng mạn tính thường hay tái phát khi bị cảm lạnh, cúm… với các triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau rát họng. Các triệu chứng khác là:

    - Khô họng.

    - Mắt đau, ngứa.

    - Triệu chứng nặng hơn vào buổi sáng.

    - Cảm giác vướng và đau khi nuốt.

    - Ho khạc dai dẳng để làm long đờm.

    - Giọng nói có thể bị khàn nhẹ.

    - Nóng rát vùng ngực (trong trường hợp có bệnh trào ngược dạ dày thực quản).

    can lam gi khi bi viem hong cap luc chuyen mua loi khuyen cua bac si 1
    Viêm họng cấp lúc chuyển mùa: Triệu chứng và cách phòng ngừa, điều trị.

    Biến chứng có thể gặp của viêm họng

    Đa phần các trường hợp viêm họng do virus là bệnh nhẹ, các triệu chứng sẽ giảm dần sau 3-5 ngày. Các trường hợp viêm họng nặng thường là do bội nhiễm vi khuẩn, nhất là liên cầu tan huyết, khiến bệnh kéo dài và cần điều trị thích hợp.

    Nếu không điều trị, viêm họng có thể gây ra các biến chứng:

    - Biến chứng tại chỗ: Viêm tấy hoặc áp xe quanh amidan, vùng họng, thành sau họng. Hiếm gặp nhưng nguy hiểm là viêm tấy hoại tử vùng cổ.

    - Biến chứng lân cận: Viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp, viêm mũi viêm xoang cấp.

    - Biến chứng xa: Viêm thận, viêm khớp, viêm tim, choáng nhiễm độc liên cầu, thậm chí là nhiễm trùng huyết.

    Với viêm họng mạn tính nếu không điều trị thích hợp, bệnh sẽ dai dẳng và dễ tái phát.

    Trên thực tế ghi nhận tại phòng khám rất nhiều trẻ viêm họng có biến chứng viêm tai giữa, viêm phế quản gây ho dai dẳng, sốt cao, mệt mỏi, bỏ bú, bỏ ăn mới được gia đình đưa tới bệnh viện. Cũng nhiều người trưởng thành đến bệnh viện khi tình trạng bệnh đã chuyển thành mạn tính do viêm họng lâu ngày không được điều trị dứt điểm.

    Việc điều trị các biến chứng này thường phức tạp, phải điều trị thuốc kháng sinh, kháng viêm dài ngày, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và gây tốn kém cho người bệnh.

    Cần làm gì khi viêm họng cấp

    Đa phần các trường hợp viêm họng do virus là bệnh nhẹ, các triệu chứng sẽ giảm dần sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng diễn biến lành tính mà còn có những trường hợp khá nguy hiểm. Các trường hợp viêm họng nặng thường là do bội nhiễm vi khuẩn, nhất là liên cầu tan huyết, khiến bệnh kéo dài và cần điều trị thích hợp. Nếu không điều trị, viêm họng có thể gây ra các biến chứng:

    - Biến chứng tại chỗ: Viêm tấy hoặc áp xe quanh amidan, vùng họng, thành sau họng. Hiếm gặp nhưng nguy hiểm là viêm tấy hoại tử vùng cổ.

    - Biến chứng lân cận: Viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp, viêm mũi viêm xoang cấp.

    - Biến chứng xa: Viêm thận, viêm khớp, viêm tim, choáng nhiễm độc liên cầu, thậm chí là nhiễm trùng huyết.

    Do đó, khi thấy có những biểu hiện của viêm họng cấp như đau họng, sốt, mệt mỏi, ho, sưng đau hạch cổ, hạch góc hàm,… cần đến ngay cơ sở y tế có uy tín để được bác sĩ thăm khám và đánh giá đầy đủ, từ đó đưa ra chẩn đoán và điều trị thích hợp, giúp điều trị bệnh một cách hiệu quả cũng như phòng tránh các biến chứng không đáng có.

    Ngoài việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, có thể thực hiện một số việc sau nhằm giảm nhẹ các triệu chứng của viêm họng cấp:

    - Nghỉ ngơi.

    - Uống nhiều nước ấm.

    - Tránh các tác nhân gây kích thích như rượu, bia, thuốc lá, các loại thức ăn chua, cay, đồ tanh…

    - Ăn thức ăn mềm.

    can lam gi khi bi viem hong cap luc chuyen mua loi khuyen cua bac si 4
    Viêm họng cấp lúc chuyển mùa: Triệu chứng và cách phòng ngừa, điều trị.

    Cách phòng tránh viêm họng cấp

    - Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt là sau khi ho hoặc hắt hơi, sau khi đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị đồ ăn, trước khi ăn cơm.

    - Vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Xúc miệng và họng sát khuẩn hàng ngày.

    - Giữ ấm vùng cổ-họng.

    - Không ăn/uống quá nhiều đồ lạnh như kem hoặc nước đá.

    - Bỏ thuốc lá hoặc tránh xa nơi có khói thuốc lá.

    - Đeo khẩu trang đầy đủ khi ra đường.

    Lời khuyên của bác sĩ

    Chia sẻ trên báo Sức khỏe và đời sống, BS. CKII. Nguyễn Thị Thông Tuyết, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện quân y 354 cho biết.

    Viêm họng do rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân đơn giản và chỉ 3-5 ngày là bệnh tự khỏi, có những nguyên nhân phức tạp hoặc nguy hiểm, bệnh kéo dài ngày hơn và đòi hỏi một sự điều trị kháng sinh có hệ thống để tránh các biến chứng. 

    Người bệnh cần theo dõi triệu chứng, có thái độ tích cực thăm khám sớm để được can thiệp sớm, giữ an toàn cho sức khỏe của chính mình.

    Như Quỳnh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viem-hong-cap-luc-chuyen-mua-trieu-chung-va-cach-phong-ngua-dieu-tri-a606383.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan