+Aa-
    Zalo

    Vốn hoá công ty sở hữu rượu Mao Đài đạt 6,2 triệu tỷ, chỉ đứng sau ngân hàng Công thương Trung Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lý do Mao Đài trở thành một loại rượu nổi tiếng là bởi lịch sử lâu đời, công nghệ sản xuất độc đáo gắn liền với bản sắc văn hóa của người Trung Quốc.

    Lý do Mao Đài trở thành một loại rượu nổi tiếng là bởi lịch sử lâu đời, công nghệ sản xuất độc đáo gắn liền với bản sắc văn hóa của người Trung Quốc.

    Rượu Mao Đài là biểu tượng văn hóa, lịch sử cho đến kinh tế, chính trị của Trung Quốc. Ảnh minh hoạ

    Mao Đài là một loại rượu đặc sản truyền thống ở Trung Quốc. Đây là một trong ba loại rượu được chưng cất chính trên thế giới, ngang tầm với rượu whisky Scotch và rượu Cognac của Pháp.

    Mao Đài đồng thời cũng là một trong ba loại rượu nổi tiếng nhất Trung Quốc, cùng với Ngũ Lương Dịch và Kiếm Nam Xuân hợp thành tam đại danh tửu "Mao Ngũ Kiếm".

    Tờ Eastday cho biết, lịch sử của rượu Mao Đài có thể bắt nguồn từ hơn 2.000 năm trước vào triều đại nhà Hán với tên gọi là rượu Câu Tương. Đến thời nhà Thanh, loại rượu này được bắt đầu được đưa vào sản xuất dây chuyền, với sản lượng 170 tấn/năm.

    Được gọi là Mao Đài là bởi, hương vị đặc trưng của loại rượu này chỉ có thể nấu được ở thị trấn Mao Đài, một thị trấn nhỏ trong khe núi Dục Để bên bờ sông Xích Thủy, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.

    Theo trang tin Zhihu, khí hậu của thị trấn Mao Đài tương đối đặc biệt: mùa đông không quá lạnh, mùa hè nóng, ít gió và lượng mưa thấp nhưng độ ẩm cao. Chính điều kiện địa lý như vậy đã tạo nên mùi thơm đặc trưng cho rượu Mao Đài và nếu được nấu ở nơi khác, rượu sẽ không thể có hương vị đặc trưng như vậy.

    Ngoài ra, đặc điểm của rượu Mao Đài là trong vắt và có độ cồn cao, với nồng độ truyền thống là khoảng 65%. Tuy nhiên, sản phẩm chủ đạo là loại Mao Đài Phi Thiên là 53% độ cồn. Song gần đây, vì muốn đánh vào nhiều phân khúc trong thị trường, mà có nhiều loại Mao Đài giá thành thấp chỉ từ 35 đến 47% độ cồn.

    Quay trở lại thời điểm trước khi Trung Quốc được giải phóng, tại hội chợ triển lãm quốc tế Panama năm 1915, rượu Mao Đài đã được trao giải "Sản phẩm Vàng", kể từ đó mà nổi danh trên toàn thế giới. 

    Sau khi Trung Quốc được giải phóng, nước này rất coi trọng sự phát triển và sản xuất loại rượu Mao Đài. Sau hơn hơn 30 năm gây dựng, đến năm 1987, sản lượng rượu Mao Đài ở Trung Quốc đạt tới 1.700 tấn/năm. Ngoài phục vụ thị trường trong nước, Mao Đài còn được đưa đến nhiều quốc gia trên thế giới.

    Vào những năm thập niên 1970, cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai từng muốn đặt mục tiêu nâng sản lượng rượu Mao Đài bằng cách thí điểm sản xuất loại rượu này ở nhiều thành thị khác nhau. Kết quả, cùng một phương pháp nấu, nhưng rượu sản xuất từ các nơi khác hoàn toàn không đạt chuẩn hương vị chính hiệu như rượu được nấu ở thị trấn Mao Đài.

    Trong các sự kiện lịch sử chính trị như đàm phán hòa bình và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ, rượu Mao Đài đã trở thành một "công cụ" đặc biệt để làm tan mối quan hệ "băng giá" trong lịch sử.

    Tại hội nghị thượng đỉnh năm 1972, ông Chu Ân Lai đã dùng rượu Mao Đài để tiếp đãi cựuTổng thống Mỹ Richard Nixon, cùng lời tuyên bố: "Đây là rượu Mao Đài, nếu chúng ta uống tới, tôi nghĩ chúng ta có thể giải quyết được mọi vấn đề".

    Có thể nói rượu Mao Đài không chỉ là biểu tượng lịch sử văn hóa Trung Quốc, mà còn gắn liền với chính trị và nền kinh tế của nước này. Do đó, loại rượu này được coi là "quốc gia chi bảo" của Trung Quốc.

    Năm 1996,  kỹ thuật nấu rượu Mao Đài được Trung Quốc xác định là bí mật quốc gia cần bảo vệ. Năm 2000, rượu Mao Đài được viện bảo tàng Lịch sử Trung Quốc thu thập làm nhân chứng lịch sử và biểu tượng văn hóa. Năm 2006, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã phê chuẩn việc đưa "Quy trình sản xuất rượu truyền thống Mao Đài" vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

    Nhà máy sản xuất rượu Mao Đài nổi tiếng nhất Trung Quốc là công ty TNHH Kweichou Moutai thuộc tập đoàn Kweichou Moutai, nằm trên sườn dốc của một thung lũng nhỏ, nơi mà du khách sẽ nhìn thấy đầu tiên trước đi muốn đến thị trấn Mao Đài.

    Trên trang chủ của công ty Kweichou Moutai giới thiệu rượu Mao Đài là là "biểu tượng của sự xuất sắc và sang trọng".

    Để tạo ra rượu Mao Đài cần phải trải qua đầy đủ quy trình "9 lần chưng cất, 8 lần lọc, 7 lần lên men". Ngay cả những loại rượu Mao Đài cơ bản nhất cũng cần đến 5 năm để thực hiện, ngoài ra còn có loại mất 15, 30, 50 năm, và loại đặc biệt nhất được tích trữ lên tới 80 năm.

    Hồi tháng 7/2018, một chai Mao Đài 80 tuổi được bán đấu giá ở Hàng Châu với giá 245.000 USD (gần 5,7 tỷ đồng). Tuy nhiên, con số này khiến không ít người trong ngành thất vọng. Bởi trong năm 2011, một chai Mao Đài phiên bản giới hạn sản xuất năm 1960 đã bán được với giá gấp 6 lần.

    Công ty Kweichou Moutai được thành lập vào ngày 20/11/1999, với vốn đăng ký khoảng 1,25 tỷ NDT (khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng).

    Theo Sohu, vào năm 2017, tổng giá trị thị trường của Kweichou Moutai đã vượt mốc 500 tỷ NDT, với giá niêm yết 398,28 tệ/cổ phiểu (khoảng 1,3 triệu đồng).

    Cách đây khoảng 20 năm, doanh thu của công ty là khoảng 900 triệu tệ (khoảng 3,1 nghìn tỷ đồng), đến 2017 là khoảng 73,3 tỷ NDT (hơn 253.000 tỷ đồng) và đến năm 2019 là 88,5 tỷ NDT (hơn 305.000 tỷ đồng).

    Mới đây, trong phiên giao dịch ngày 19/6/2020, giá cổ phiếu Kweichou Moutai tăng lên mức cao kỷ lục 1.439,8 NDT (khoảng 4,9 triệu đồng), nâng giá trị vốn hóa của công ty này lên khoảng 1.800 tỷ NDT (khoảng 6,2 triệu tỷ đồng).

    Hiện giá trị vốn hóa của Kweichou Moutai chỉ kém một chút so với Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), nhà băng lớn nhất thế giới xét về quy mô tài sản.

    Với độ nối tiếng và quý hiếm của rượu Mao Đài, nên công ty Kweichou Moutai và cả chính quyền Trung Quốc đang tìm đủ mọi cách để ngăn chặn vấn nạn rượu giả, hàng nhái, gây ảnh hướng tới uy tín của sản phẩm. 

    Hơn nữa, mục tiêu của Kweichou Moutai và Trung Quốc là truyền bá "biểu tượng văn hóa" phổ biến rộng rãi ra khắp thế giới, nhưng họ còn phải đối mặt với rất nhiều trở ngại, mà trước hết cũng chính là từ sự khác biệt văn hóa. 

    Những người phương Tây thường khá dè dặt trước văn hóa uống rượu của người châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng, bởi trên bàn rượu, mọi người thường "đã nâng lên là phải hết cả cốc".

    Hoa Anh Thịnh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/von-hoa-cong-ty-so-huu-ruou-mao-dai-dat-62-trieu-ty-chi-dung-sau-ngan-hang-cong-thuong-trung-quoc-a328058.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan