+Aa-
    Zalo

    Vụ nam sinh lớp 6 hứng 231 cái tát: Nữ giáo viên có thể bị khởi tố hình sự

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo ý kiến từ luật sư, hành động của cô giáo chủ nhiệm bắt học sinh tát bạn 231 cái hoàn toàn có thể bị khởi tố hình sự vì tội cố ý gây thương tích.

    Theo ý kiến từ luật sư, hành động của cô giáo chủ nhiệm bắt học sinh tát bạn 231 cái không chỉ vi phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân mà hoàn toàn có thể bị khởi tố hình sự vì tội cố ý gây thương tích.

    "Danh dự của nhà trường" bị đánh sập bởi 231 cái tát

    Chiều 19/11, cháu H.L.N. học sinh lớp 6.2 trường THCS xã Duy Ninh có nói tục ngoài sân trường, bị đội cờ đỏ ghi sổ. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy đã đưa ra hình thức bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp N. Tổng số học sinh 27 cháu, có 3 cháu quên vở bài tập, phải về nhà nên không tham gia “phạt” tát với N. Còn 23 cháu, mỗi cháu phải tát N. đủ 10 cái.

    Theo các học sinh phản ánh, nếu bạn nào tát nhẹ, người bị phạt sẽ tát ngược lại 10 cái nên N. bị tát rất mạnh. Khi bị tát cái cuối cùng, N. vừa khóc vừa đau buột miệng nói tục, cô Thủy đứng cạnh đã vung thêm 1 cái tát, tổng số N. bị tát 231 cái khiến em nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Dinh Mười của huyện Quảng Ninh, trong tình trạng 2 má thâm đen, sưng tấy, khó nhai nuốt.

    Nguyên nhân nữ giáo viên cho học sinh tát bạn 231 cái được cho là xuất phát từ áp lực thi đua trong trường. Ảnh: Một thế giới

    Trao đổi với Saostar, cháu N. cho biết, “Cô Thủy bắt mỗi bạn phải tát vào má em 10 cái, bạn nào đánh nhẹ cô bắt phải đánh lại. Lúc đó đau quá, em có nói “em ghét cô” nên cô Thủy tát em thêm một cái nữa”.

    Trước vụ việc đau lòng trên, cô giáo Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh thừa nhận toàn bộ sự việc và xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Nếu không, toàn bộ công sức của tập thể nhà trường đổ xuống sông, xuống biển chỉ vì hành động sai trái của một cá nhân.

    Còn cô Nguyễn Thị Phương Thủy, khi lý giải về hành động của mình, nữ giáo viên cho rằng: Do nhà trường xây dựng chuẩn mức độ II, các tiêu chí thi đua rất ngặt nghèo, trong khi lớp 6.2 của cô chủ nhiệm thường xuyên bị xếp chót bảng nên rất áp lực.

    Hiện em N. đã được xuất viện, tình trạng sức khỏe cũng ổn định nhưng sợ lại cô giáo, không dám đi học lại. Trong khi đó, nguyện vọng của gia đình học sinh là mong muốn chuyển cô Thủy đi trường khác, nếu không cháu sẽ bị ảnh hưởng tâm lí mỗi khi nhìn thấy cô giáo chủ nhiệm.

    Hành động của nữ giáo viên gây bức xúc cho cả xã hội

    Liên quan đến sự việc học sinh H.L.N ở Quảng Bình phải nhập viện vì bị cô giáo cùng các bạn trong lớp tát 231 cái, sáng 24/11, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, sau khi nắm được thông tin sự việc xảy ra ở Quảng Bình, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT kiểm tra và có báo cáo. Theo đó, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình sẽ có cuộc họp vào chiều nay và thông tin cụ thể sẽ làm báo cáo gửi về Bộ.

    Về quan điểm của Bộ GD&ĐT về vụ việc trên, bà Nghĩa cho rằng, việc cô giáo phạt học sinh như trên là sai và hoàn toàn không chấp nhận được.

    “Dù nguyên nhân là gì, nhà trường cũng phải xử lý nghiêm vì cách xử phạt học sinh của giáo viên như vậy là hoàn toàn không được. Sáng nay, Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu Sở GD&ĐT Quảng Bình có chỉ đạo xử nghiêm” – bà Nghĩa nói.

    Nam sinh lớp 6 bị hoảng loạn tinh thần sau khi hứng chịu 231 cái tát từ cô giáo và các bạn. Ảnh: Người Đưa Tin

    Cũng tỏ ra bức xúc trước cách "giáo dục phi giáo dục" của nữ giáo viên, chia sẻ với PV Gia Đình Mới ngày 24/11, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT tỏ ra vô cùng lo lắng.

    "Đây là một hình thức xử phạt dã man và phản giáo dục. Điều này gây ra mối hận thù giữa những người bạn với nhau", PGS Nhĩ bình luận. 

    PGS Nhĩ cho hay, các hình thức bắt học sinh tự tát, học sinh tát lẫn nhau đều là hình thức xử phạt sai.  

    "Trước đó, chúng ta biết đã có vụ việc cô giáo bắt học sinh tự tát mình đã bị cả xã hội lên tiếng mạnh mẽ như thế nào. Tại sao cô giáo ấy không nhìn vào những điều như vậy để rút kinh nghiệm cho bản thân mình mà lại có hành động sai như vậy?

    Tôi cho rằng, xã hội phải lên án hành động này. Cô giáo cần phải xử phạt nặng, không thể để trong giáo dục tồn tại một sự việc như vậy. Cho dù học sinh có sai như thế nào thì giáo viên cũng chỉ nên dùng lời lẽ của mình để thuyết phục, khuyên răn các em chứ không thể dùng hình thức bạo lực được", PGS Nhĩ đưa ý kiến. 

    Nữ giáo viên có thể bị khởi tố hình sự

    Luật sư Đặng Văn Cường – trưởng đoàn Luật sư Chính pháp (Hà Nội) bất bình: Nữ giáo viên này đang trừng trị học sinh chứ không phải giáo dục học sinh.

    Trong trường hợp này, ngoài việc làm đơn đề nghị với BGH trường THCS Duy Ninh, gia đình học sinh có thể làm đơn trình báo với công an về nữ giáo viên có hành vi cố ý gây thương tích và làm nhục người khác.

    Luật sư Cường cũng cho rằng, nữ giáo viên này sẽ đối diện với 2 hình thức chế tài: xem xét, kỷ luật theo Luật công chức, viên chức.

    Theo luật sư Đặng Văn Cường, nữ giáo viên có thể bị khởi tố hình sự về tội cố ý gây thương tích. Ảnh: Gia Đình Mới

    Thứ 2, trong trường hợp học sinh H.L.N bị tỷ lệ thương tích từ 11% trở lên, sẽ bị khởi tố hình sự vì tội cố ý gây thương tích. Nếu tỷ lệ thương tích dưới mức 11%, sẽ vẫn có khả năng bị xem xét hành vi làm nhục người khác. Pháp luật không cho phép giáo viên trực tiếp đánh hoặc chỉ đạo người khác đánh học sinh.

    Hành vi của nữ giáo viên như vậy đã vi phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của học sinh.

    Luật sư Cường nêu quan điểm: Giáo viên đến trường để truyền dạy kiến thức cho học sinh. Mọi phương pháp, cách thức của giáo viên đều phải nhằm mục đích giáo dục, uốn nắn để các em trưởng thành. Giáo viên không bao giờ được phép tự đề ra những hình phạt, hình thức kỷ luật mang tính bạo lực, xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của học sinh.

    Việc chỉ đạo học sinh trong lớp tát 1 học sinh tới 231 cái, thực sự là một hình phạt khủng khiếp, sẽ khiến tất cả học sinh trong lớp 6.2 và bản thân nam học sinh bị sợ hãi, ám ảnh về cách giáo dục của giáo viên. Các em đến trường để học tập, chỉ trao đổi kiến thức chứ không phải để chứng kiến và hứng chịu những hành vi bạo lực như thế.

    Trong khi cộng đồng, các nhà chức trách, các cơ quan ban ngành đoàn thể các cấp đều đang ngăn chặn những hành vi bạo lực, thì nữ giáo viên – một đại diện của ngành giáo dục lại lấy lý do “nóng tính”, rồi “áp lực thi đua” để “Gieo mầm bạo lực” cho những đứa trẻ mới 11 tuổi. Điều đó thực sự nguy hiểm.

    Do đó, với trường hợp này, đề nghị nhà trường, ngành giáo dục huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) cần xem xét nghiêm túc, xử lý nghiêm khắc để kịp thời trấn an phụ huynh học sinh và chính những học sinh lớp 6.2 nói riêng, trường THCS Duy Ninh nói chung.

    Nguyễn Phượng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-nam-sinh-lop-6-hung-231-cai-tat-nu-giao-vien-co-the-bi-khoi-to-hinh-su-a252512.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan