+Aa-
    Zalo

    Vụ phân xác phi tang ở Bình Dương: Làm sao giải thoát khỏi "ác quỷ" trong con người khi ghen tuông?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những sai lầm bộc phát từ sự ghen tuông, đố kỵ trong tình yêu, hôn nhân thật đáng sợ. Thứ đó có thể giết chết phần 'người' và làm trỗi dậy phần 'con' của một người.

    Những sai lầm bộc phát từ sự ghen tuông, đố kỵ trong tình yêu, hôn nhân thật đáng sợ. Thứ đó có thể giết chết phần 'người' và làm trỗi dậy phần 'con' của một người. Vụ án mạng xảy ra tại Bình Dương trong những ngày gần đây đã khiến nhiều người phải giật mình, thót tim vì không thể nào tưởng tượng nổi việc con người có thể vung tay giết người một cách dã man đến vậy.

    Cho đến ngày hôm nay, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước thông tin vụ việc vợ giết chồng phi tang ở Bình Dương. Dẫu biết, cặp vợ chồng nào trong hôn nhân cũng có lúc xảy ra mâu thuẫn, bát đũa còn có lúc xô, vợ chồng cũng khó tránh khỏi đôi lần cãi vã. Thế nhưng, khi hay tin nghi hung thủ trong vụ 'phát hiện đầu người trong balo' lại chính là chị vợ, không ai có thể nghĩ rằng mạng người lại rẻ đến vậy, giết người lại dễ dàng đến vậy. Một người phụ nữ chân yếu tay mềm lại có thể nhẫn tâm ra tay sát hại chồng - người đã cùng mình đầu ấp vai kề suốt nhiều năm.

    Việc ghen tuông mù quáng trong tình yêu, trong hôn nhân khiến con người ta mất đi lý trí, không kiểm soát nổi bản thân, khiến phần 'con' lấn át phần 'người' không phải bây giờ mới diễn ra. Nếu như năm 2010, dư luận căm phẫn với Nguyễn Đức Nghĩa bao nhiêu khi ra tay sát hại người yêu cũ rồi phi tang thì đến ngày hôm nay sau 7 năm, trường hợp tương tự lại xảy ra, khi sự việc vợ giết chồng phi tang ở Bình Dương được phanh phui.

    Theo đó, nghi phạm vụ án là người vợ 32 tuổi. Chị ta thú nhận chính mình đã sát hại, phanh thây chồng mình sau một cuộc cãi vã, nghi anh này có bồ nhí.

    Nghi phạm tại cơ quan điều tra.

    Nếu đây là sự thật, không biết trong lúc làm cái việc vô nhân tính ấy, người đàn bà 32 tuổi đã ghen đến độ nào. Nhưng sự xuống tay tàn độc, với người chồng đầu gối tay ấp, cha của 2 đứa con mình, thì tôi cho rằng chị ta mang đã thật quá tay. Bởi con người, nếu không còn yêu thương nhau thì có muôn vàn lối thoát. Sao phải ác, phải tàn nhẫn đến tận cùng như vậy?

    Dư luận có người chép miệng, nguyên cớ cũng do anh chồng ngoại tình mà ra. Cuộc sống công nhân bức bách, thêm áp lực công việc, tiền bạc. Quá nhiều dồn nén khiến chị vợ mất lý trí. Theo tôi, không thể nguỵ biện cho cái ác. Thử hỏi ở đời có bao nhiêu người trong hoàn cảnh ấy. Cũng nghèo khổ, thậm chí oan ức, bị phản bội. Chả nhẽ cứ bị thế là được "điên", được hành xử như thời Trung cổ?

    Cái ác sẽ bị trừng trị. Nhưng sự việc kinh hoàng ở Bình Dương mấy ngày qua khiến chúng ta có cảm giác bất an. Cái ác, tàn độc, linh hồn quỷ dữ chế ngự tâm tính một bộ phận nhỏ con người... làm rúng động xã hội. Kẻ ác nhân cứ ngỡ nó chỉ có ở những kẻ có mối thâm thù ghê gớm, không đội trời chung. Vậy mà nó hiện diện ngay trong mái ấm, ngay trên giường ngủ. Để rồi bất chợt bùng ra bất chấp luân thường đạo lý, xuống tay tàn độc với người từng yêu thương nhất...

    Người vợ vô nhân tính giết chồng, chặt xác phi tang sẽ bị trừng phạt thích đáng bởi pháp luật và cao hơn nữa bản án lương tâm nhưng nỗi đau của những đứa trẻ ai gánh? Hai đứa con vô tội phải chia lìa bố, thiếu vòng tay ấm của mẹ. Sau những mất mát tột cùng, hai đứa trẻ còn phải chịu những ánh mắt xoi mói của nhiều người mỗi khi bước chân ra ngoài.

    Có lẽ, điểm chung của những vụ giết người dã man này đều xuất phát từ sự ghen tuông mù quáng, hay đôi khi là vì tiền bạc, lòng tham nổi dậy.

    Chính vì thế, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, trong hôn nhân, tình yêu cả hai cần phải kiềm chế cái tôi, phải biết cách tháo bỏ nút thắt trước khi sự việc đi quá giới hạn như vụ Nguyễn Đức Nghĩa, hay ngay chính bản thân vụ vuệc ở Bình Dương những ngày này.

    Theo Ths. Nguyễn Cao Cường (Giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội), trong đời sống tình ái không thể tránh khỏi những tình huống dở khóc dở cười, dẫn đến sự ghen tuông, nghi kỵ về lòng chung thủy. Chẳng hạn như việc có những tin nhắn mùi mẫn gửi tới điện thoại của người yêu hay bạn đời, bị bắt gặp đi với người lạ, có dư luận về các quan hệ…. Rơi vào tình huống ấy, nhiều người hành xử thụ động, bản năng, không biết phải làm gì để thoát khỏi nỗi "oan". Bên cạnh đó, người đang bị cơn ghen hành hạ cũng không biết phải làm thế nào để giải tỏa nỗi ngờ vực, cũng như ứng xử thế nào cho thỏa đáng.

    Ông Cường tư vấn: "Đây là tình huống hiểu lầm thường xảy ra trong đời sống. Lúc này cần cố gắng bình tĩnh, không bị cuốn theo cảm xúc của bạn tình, mà hãy đánh giá tình huống, xác định họ đang bị sự ngờ vực giày vò và hãy dành mọi nỗ lực để giải tỏa cơn nghi kỵ, ghen tuông đó. Thiếu ứng xử tế nhị, sẽ không kịp thời ngăn chặn những cơn giận nhất thời bùng phát, dẫn đến hậu quả khôn lường như vụ Nguyễn Đức Nghĩa.

    Trước tiên, hãy cố gắng bình tĩnh, nói chuyện nhẹ nhàng và giải thích cho bạn tình hiểu rõ tình huống và vấn đề, theo phương châm "lạt mềm buộc chặt". Hãy kiểm soát cảm xúc, bình tĩnh sẽ không làm họ nổi giận. Nên nhớ tuyệt đối không đôi co, cãi vã hay đáp trả mạnh mẽ như kiểu "đoạn tình" dứt khoát … dễ đẩy họ vào trạng thái mất kiểm soát, dẫn đến những hành động nguy hiểm.

    Có thể mời bạn tình cùng mình làm rõ chuyện hiểu lầm, bằng cách trước mặt đối tác hãy liên lạc với số máy đã nhắn tin đến, nội dung khẳng định đã có người yêu, đừng nhắn tin ỡm ờ gây hiểu lầm, làm phiền mình. Cảnh báo nếu tiếp tục quấy rối sẽ chặn số, hoặc gặp tay ba nói chuyện nghiêm túc…

    Bên cạnh đó, có thể xoa dịu nỗi ngờ vực, bằng những động tác âu yếm, lời nói khẳng định vị trí của bạn tình trong mình, đưa ra những lời khen dành cho bạn tình, để phá bỏ tâm lý tự ty, mặc cảm của họ. Hãy để người yêu nhận thấy rằng mình mới là số một trong mắt bạn.

    Nên nhớ rằng không gì giúp bạn tình nâng cao tính tự tin bằng những lời khen ngợi ngọt ngào và chân thành. Lời khen chân thành chính là cách tốt nhất để giải tỏa sự đa nghi. Cả hai phải cùng nhau xây dựng niềm tin, dựa trên sự đồng điệu từ tâm hồn đến thể xác, biết làm nóng tình cảm và hạn chế đến mức tối thiểu những hiểu lầm, nghi kỵ về nhau".

    Thực tế này cũng được PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học cảnh sát (Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an) chỉ rõ: Hành vi bộc phát dẫn tới những vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm trong sinh hoạt gia đình không chỉ là biểu hiện nhất thời mà đã tích tụ trong một thời gian dài. Bên cạnh đó có vấn đề đạo đức xuống cấp, việc giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống không được đề cao dẫn tới khi xảy ra xung đột, dù là xung đột nhỏ nhưng hậu quả họ gây ra lại rất lớn.

    Dưới góc độ tâm lý học, Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý (Hội Tâm lý giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), phân tích, ghen là một trạng thái tâm lý xuất phát từ suy nghĩ nhận thức rồi dẫn tới hành động. Khi ghen, người ta sẽ dễ dàng bị chuyển đổi từ trạng thái tâm lý giận dữ sang hành động bạo lực mù quáng. Nếu người đó nhận thức và đạo đức kém, việc họ sẵn sàng cướp đi sinh mạng của người họ yêu, người cùng chung sống với họ rất dễ xảy ra.

    Một số chuyên gia cho rằng, những vụ án giết người do ghen tuông thường bộc phát nên rất khó phát hiện. Để đấu tranh có hiệu quả, hạn chế loại tội phạm này, quan trọng là phải đẩy mạnh giáo dục đạo đức và tuyên truyền pháp luật cho mọi đối tượng. Cái ác xuất phát từ tâm, tâm ác dẫn đến hành vi thủ ác. Cái ác sẽ không có chỗ đứng nếu con người định hướng cho mình lối sống nhân văn. Bên cạnh việc giáo dục hướng thiện, cần đề cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc phát hiện, xử lý, hóa giải các mâu thuẫn từ cơ sở.

    Luật sư Lê Luân tội phạm giết người do ghen tuông là bộc phát, nhưng cũng là hệ quả của mâu thuẫn tích tụ từ trước. Do đó, gia đình, các tổ chức đoàn thể, chính quyền tiếp tục phát hiện, giúp hóa giải, sẽ giúp họ tránh được việc sử dụng bạo lực để giải quyết.

    Luật sư Lê Luân cũng nhấn mạnh đến việc song song với tăng cường giáo dục pháp luật là việc thực thi luật một cách nghiêm minh, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, như vậy con người ta sẽ phải tìm một cách hành xử phù hợp, chuẩn mực hơn. Việc cải cách hoạt động của các hội đoàn, đoàn thể cũng rất quan trọng để những mâu thuẫn tưởng như chỉ là chuyện nội bộ gia đình, cũng được tiếp nhận giải quyết thích đáng, như vậy sẽ góp phần hạn chế được những hành vi tiêu cực.

    Nhiều đối tượng sau khi gây án lúc bình tâm lại mới thấy được tội ác mình gây ra quá tàn độc. Tìm một biện pháp để phòng ngừa những vụ án mạng xuất phát từ những nguyên nhân xã hội là rất khó. Nếu có cũng rất khó để áp dụng bởi đã mang tính bộc phát thì không có biện pháp nào là chuẩn. Việc mọi người tự rút ra cho mình một bài học để tự kiềm chế, ứng xử đúng mực tránh rơi vào trạng thái bộc phát, gây ra những hậu quả khôn lường cho người khác cũng như cho chính bản thân mình.

    Mỹ An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-phan-xac-phi-tang-o-binh-duong-lam-sao-giai-thoat-khoi-ac-quy-trong-con-nguoi-khi-ghen-tuong-a213422.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan