+Aa-
    Zalo

    Vuột mất cơ hội vì dịch Covid-19, “chàng trai Vàng” mong trở thành bác sĩ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lần đầu tiên tham dự kỳ thi quốc tế với nhiều hứa hẹn, cậu học trò lớp 12 vô cùng háo hức vì sắp được khám phá vùng trời mới.

    Lần đầu tiên tham dự kỳ thi quốc tế với nhiều hứa hẹn, cậu học trò lớp 12 vô cùng háo hức vì sắp được khám phá vùng trời mới. Nhưng dịch Covid- 19 đã khiến cậu vuột mất cơ hội đó, ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi càng được thôi thúc nhiều hơn.

    Cảm hứng từ những trang sách bỏ quên

    Nghe cậu học trò đến từ thành phố Hoa phượng đỏ vừa đoạt huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2020 tiết lộ nơi khơi nguồn cảm hứng với môn học này, chắc hẳn nhiều người sẽ không giấu nổi sự ngạc nhiên. Cậu học trò Lý Hải Đăng (SN 2002, lớp 12 chuyên Hóa, trường THPT chuyên Trần Phú - Hải Phòng) đã có cuộc gặp gỡ bất ngờ với những kiến thức Hóa học khiến cậu đem lòng say mê ngay từ bậc THCS.

    Vốn lanh lợi, Hải Đăng có niềm yêu thích với các môn học tự nhiên từ rất sớm. Trong chương trình học ở bậc THCS, học sinh lớp 8 mới bắt đầu tiếp cận với môn Hóa học, nhưng Hải Đăng may mắn bắt gặp những cuốn sách bổ ích khi vừa bước chân vào lớp 6.

    “Chiều hôm đó, em vô tình nhìn thấy những cuốn sách Hóa học của các anh chị lớp trên học buổi sáng để quên trong ngăn bàn. Em tò mò mở ra đọc, thấy những kiến thức trong đó thực sự mới lạ và thu hút. Ngay từ giây phút ấy, em đã quyết định dành tình yêu của mình cho môn Hóa”, Hải Đăng nhớ lại.

    Hải Đăng và cô Thúy - Ảnh: NVCC

    Thời điểm ban đầu mới theo đuổi Hóa học, cậu học trò lớp 6 chỉ có thể tự mình mượn sách của các anh chị lớp trên, tìm kiếm tài liệu ở thư viện hoặc trên mạng để thỏa mãn tò mò. Đăng chia sẻ: “Hồi đó, do chương trình học trên lớp cũng chưa có môn Hóa học nên em chỉ có thể tự mày mò, tự nghiên cứu. Thỉnh thoảng, em cũng gặp những kiến thức khó, không thể tìm hiểu được trên mạng, mà cũng không quen với thầy cô nào dạy bộ môn này để hỏi”.

    Tự đọc, tự nghiên cứu là hành trình bất tận của cậu học trò Lý Hải Đăng. Khi lên lớp 8, Đăng bắt đầu “làm quen” với những giờ Hóa học đầu tiên ở trường. Thầy cô bộ môn biết cậu học trò yêu thích môn Hóa nên cũng cố gắng tạo điều kiện tối đa. Tuy nhiên, Đăng chia sẻ: “Học cùng thầy cô ở trên lớp có rất ít thời gian, số học sinh lại đông nên em cũng không hỏi được nhiều. Đa phần, em thích tự mình tìm kiếm thông tin, tự học hỏi, tự nghiên cứu. Như vậy vừa có nhiều thời gian nghiền ngẫm, vừa có không gian yên tĩnh để suy luận, hiệu quả thu được sẽ cao hơn”.

    Để thỏa mãn niềm đam mê, có bao nhiêu tiền tiết kiệm, Đăng đều dành mua các dụng cụ thí nghiệm hóa học, mua sách của những cấp học cao hơn để tự học, tự nghiên cứu. Tất cả những điều đó đã đưa cậu trò nhỏ ham học hỏi đến với lựa chọn học chuyên Hóa khi bước vào lớp 10.

    Ước mơ trở thành bác sĩ của cậu học trò không đi học thêm

    Vì có tình yêu đặc biệt cho môn Hóa nên Hải Đăng dành đến 8 tiếng mỗi ngày để tìm hiểu những kiến thức của môn học này. Có những ngày, Đăng cặm cụi làm thí nghiệm đến 1h sáng mới chịu đi ngủ. Sau một vài lần thực hiện thí nghiệm tại nhà không thành công, Đăng đã xin phép thầy cô được lên phòng thí nghiệm để nghiên cứu tốt hơn.

    “Không ít lần em làm thí nghiệm thất bại. Có những thí nghiệm, em thực hiện đến cả chục lần đều bị đổ... Mỗi lần như vậy, không tránh khỏi sự thất vọng, nhưng em chỉ cho phép mình hụt hẫng trong khoảng vài phút, sau đó, phải tiếp tục kiên trì tìm ra điểm sai mấu chốt để không lặp lại trong lần thí nghiệm tiếp theo. Cứ như vậy, đến khi thí nghiệm thành công, cảm giác vui sướng không có gì đổi lại được...”, Hải Đăng bật cười khi nhắc đến những khoảnh khắc đáng nhớ.

    Là một chàng trai vốn thông minh lại ham học hỏi, Hải Đăng cũng không quên nhắc đến “người mẹ thứ hai” khi đã xuất sắc đoạt huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2020, với thành tích cao nhất trong đoàn Việt Nam, đạt 97/100 điểm. “Người mẹ” ấy chính là cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thanh Thúy, cũng là người bắc những nhịp cầu đầu tiên cho Hải Đăng từ những ngày ở ngưỡng cửa THPT.

    Nhắc đến cô Thúy, Đăng nhớ nhất những giờ giảng thú vị: “Cô Thúy giống như một người kể chuyện, nhưng lại kể chuyện bằng Hóa học. Mỗi giờ học của cô trở nên hấp dẫn hơn bởi những câu chuyện, dường như, với bất kỳ kiến thức Hóa học nào, cô cũng có thể gắn với một câu chuyện để chia sẻ. Chính vì thế, giờ học trở nên gần gũi, kiến thức có khô cứng đến đâu cũng sẽ trở nên thật dễ hiểu.

    Có lẽ đó là bí quyết mà cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy đã gieo mầm kiến thức một cách hấp dẫn suốt 20 năm qua, và cũng là cách truyền thêm cảm hứng cho Hải Đăng ngày càng yêu thích môn học đã lựa chọn.

    Cô giáo Thúy vẫn còn nhớ như in cảm xúc khi nghe Hải Đăng đoạt huy chương Vàng: “Tôi cùng mẹ Đăng theo dõi diễn biến lễ bế mạc qua màn hình laptop, ở ngoài trời, một góc nhỏ của trường đại học Sư phạm Hà Nội, do năm nay có dịch Covid-19. Khi những cái tên của đoàn Việt Nam được xướng lên, chúng tôi đã không thể ngồi được nữa, nhất là khi tên Hải Đăng lại nằm trong top cao nhất, tôi bỏ luôn laptop trên bàn, chạy lang thang khắp sân khu hiệu bộ trường đại học Sư phạm Hà Nội. Cảm xúc khi đó thực sự khó nói thành lời...”.

    Năm nay, kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 52 dự kiến được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên lần đầu tiên trong lịch sử, kỳ thi đã diễn ra với hình thức trực tuyến. Điều đó để lại những tiếc nuối trong lòng Hải Đăng: “Vì em vốn chưa từng được ra nước ngoài, nên em đã rất hy vọng được bay sang Thổ Nhĩ Kỳ nhân chuyến tham dự kỳ thi. Chẳng ngờ, dịch bệnh phức tạp, nên em đành bỏ lỡ chuyến đi”.

    Đó cũng là một phần lý do khiến “chàng trai Vàng” càng tha thiết mong muốn trở thành bác sĩ. “Em muốn trở thành bác sĩ, giống như bà ngoại, để có thể chữa bệnh cho nhiều người. Đặc biệt, sau này, khi xuất hiện những dịch bệnh nguy hiểm, em có thể đóng góp một phần sức lực để bảo vệ cộng đồng, bảo vệ những người thân yêu. Càng nhìn những hệ lụy của dịch Covid-19 trong thời gian qua, suy nghĩ ấy trong em càng thêm mãnh liệt”, Đăng tâm sự.

    “Hóa học giúp em phản bác quan niệm mì chính gây hại”

    “Điều thú vị đầu tiên khi em tìm hiểu Hóa học chính là môn học này mang đến cho em kiến thức để phản bác quan niệm: “Mì chính gây hại”. Không những vậy, em còn có thể giải thích cho mọi người xung quanh nhận thấy, đó là một chất cần thiết cho cơ thể”, Hải Đăng hào hứng chia sẻ.

    Cẩm Mịch

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (133)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vuot-mat-co-hoi-vi-dich-covid-19-chang-trai-vang-mong-tro-thanh-bac-si-a335972.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan