Dự án Masteri Parkland: Chưa xong móng đã nhận tiền "đặt cọc giữ chỗ"?


Chủ nhật, 24/03/2019 | 01:43


Vừa qua, có nhiều thông tin phản ánh dự án căn hộ Masteri Parkland của Công ty CP Đầu tư Thảo Điền mặc dù chưa xây xong phần móng nhưng đã "huy động vốn" trái pháp luật?

Vừa qua, có nhiều thông tin phản ánh dự án căn hộ Masteri Parkland của Công ty CP Đầu tư Thảo Điền mặc dù chưa xây xong phần móng nhưng đã "huy động vốn" không đúng quy định pháp luật(?).

Phối cảnh dự án Masteri Parkland

Công ty TNHH Gia Phát Investment tiến hành quảng cáo về dự án rất rầm rộ về dự án Masteri Parkland có vị trí đẹp, tiện lợi, nhiều dịch vụ tiện ích, liền kề khu đô thị An Phú và khu dân cư Thảo Điền và các dự án như Masteri An Phú, Masteri Thảo Điền. 

Đội ngũ nhân viên sẵn sàng tư vấn cho khách hàng có nhu cầu và thuyết phục khách "đặt cọc giữ chỗ".

Thế nhưng theo thông tin người dân phản ánh, PV đã tới ghi nhận thực tế tại khu vực dự án và thấy nhiều dấu hiệu bất thường.

Khu vực dự án Masteri Parkland tọa lạc tại 2 mặt tiền Xa lộ Hà Nội và Võ Trường Toản, số 628A, phường An Phú, quận 2, TP.HCM, lối vào không hề có biển hiệu ghi tên dự án, còn phía trong công trường thì ngổn ngang vật liệu, nhưng lại không có dấu hiệu thi công. 

Cảnh thực tế bên trong khu dự án:

Xã hội - Dự án Masteri Parkland: Chưa xong móng đã nhận tiền 'đặt cọc giữ chỗ'? (Hình 2).Xã hội - Dự án Masteri Parkland: Chưa xong móng đã nhận tiền 'đặt cọc giữ chỗ'? (Hình 3).

Khi tìm hiểu sâu hơn về dự án, PV được một nhân viên tư vấn thuộc Công ty Gia Phát Investment cho biết hiện tại CĐT đang cho "đặt cọc giữ chỗ" với nhiều hỗ trợ như Techcombank cho vay vốn tới 70% giá trị căn hộ, tiến độ thanh toán có thể giãn rộng để khách yên tâm về tài chính, nếu khách không ưng thì có thể được hoàn tiền... Tuy nhiên khi được hỏi về vấn đề pháp lý, nhân viên này cho biết ngày công bố dự án phải qua quý 2/2019 (?), và khi đó sẽ có đầy đủ. Đồng thời liên tục thuyết phục PV chỉ cần cọc trước 100 triệu là có căn hộ như ý.


Tình trạng các chủ đầu tư "bán lúa non" như thế này không phải là hiếm gặp, theo các chuyên gia bất động sản cho biết. Dù các chủ đầu tư biết sai nhưng không ít khách hàng nghe lời tư vấn đường mật lại sẵn sàng xuống tiền chỉ vì lợi ích trước mắt mà "làm liều". 

Theo khoản 1 điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 quy định về bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh thì phải thỏa mãn các điều kiện sau “Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó”.

Ngoài điều kiện quy định đối với dự án, tại khoản 2 điều 55 và khoản 1 điều 56 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 cũng quy định điều kiện đối với chủ đầu tư “Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua” và “…phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng”.

Ngoài ra, tại Khoản 3 điều 69 Luật Nhà ở 2014 cho phép chủ đầu tư nhà ở hình thành trong tương lai được huy động vốn từ các nguồn tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê, nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua. Nhưng phải đáp ứng được quy định điều kiện mà pháp kinh doanh bất động sản quy định. Các trường hợp huy động vốn không đúng hình thức và không đáp ứng đủ các điều kiện đối với từng loại nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì không có giá trị pháp lý.

Trong trường hợp, chủ đầu tư tiến hành huy động vốn bằng hình thức nhận tiền đặt cọc, nhận tiền giữ chỗ đối với các dự án chưa đủ điều kiện để được huy động vốn, trường hợp này được xem là hình thức huy động vốn không phù hợp với quy định của pháp luật. 

Các chuyên gia cho biết nếu chủ đầu tư có tiềm lực, và uy tín, khách hàng sẽ không gặp vấn đề gì, nhưng thực tế cho thấy nhiều nhà đầu tư để xoay vòng vốn tiếp tục đầu tư dự án khác, hoặc gặp khó khăn trong công tác triển khai dự án mà khiến khách hàng gặp "rủi ro", đã nộp tiền nhưng không biết khi nào dự án hoàn thành, được bàn giao căn hộ như hứa hẹn. Trường hợp xấu nhất là có nhà đầu tư ôm tiền dự án rồi "mất tích" khiến người dân hoang mang không biết phải kêu ai. Cho dù có khởi kiện thì cũng hao tổn rất nhiều tiền bạc, thời gian mà chưa biết kết quả ra sao.

Vì vậy, các chuyên gia cũng khuyên người dân nên cẩn trọng trước khi "xuống tiền" mà hãy nhìn vào độ uy tín của chủ đầu tư, tham khảo đầy đủ tài liệu pháp lý liên quan, xin tư vấn từ nhưng người có kinh nghiệm hay rủ nhau cùng đi để tránh bị ảnh hưởng quá bởi những lời tư vấn đường mật từ nhân viên của dự án.

Nhóm PV

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-an-masteri-parkland-chua-xong-mong-da-nhan-tien-dat-coc-giu-cho-a267872.html