Tái bổ nhiệm nữ GĐ "trẻ hơn tuổi": “Làm xiếc” với pháp luật


Thứ 5, 18/12/2014 | 09:46


(ĐSPL) - Dư luận cả nước đang xôn xao trước việc bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau triển khai quyết định của Giám đốc sở Y tế tỉnh về việc tái bổ nhiệm bác sỹ Đặng Bé Nam - Giám đốc bệnh viện.

(ĐSPL) - Dư luận cả nước đang xôn xao trước việc bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau triển khai quyết định của Giám đốc sở Y tế tỉnh về việc tái bổ nhiệm bác sỹ Đặng Bé Nam - Giám đốc bệnh viện.

Tính đến ngày 1/6/2015, bà Nam sẽ đủ tuổi hưu và theo quy định phải nghỉ trước 6 tháng, nhưng kỳ lạ thay bà vẫn ung dung tại vị, thậm chí còn được kéo dài tuổi hưu thêm 3 năm. Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp của bà Nam liệu có là cá biệt?

Việc bà Đặng Bé Nam đến tuổi nghỉ hưu vẫn được tái bổ nhiệm vì lý do còn trẻ so với tuổi thật là không thuyết phục.

Những cuộc bổ nhiệm "thần kỳ"

Có một điều lạ, những lùm xùm liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ dường như đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Câu chuyện nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền "hốt cú chót" bằng việc bổ nhiệm 60 cán bộ cấp vụ (và tương đương) trước khi "hạ cánh an toàn" được coi là minh chứng kinh điển nhất. Sau đó, đến vụ trước khi nghỉ hưu, Giám đốc sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Thành Rum cũng có hành động tương tự như ông Truyền và để lại không ít điều tiếng cho công tác cán bộ. Hay mới đây nhất là trường hợp bác sỹ tại Cà Mau đến tuổi nghỉ hưu vẫn ung dung tại vị vì một lý do rất dễ "thông cảm"... bà ấy "trẻ hơn tuổi".

Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện của bác sỹ Nam khiến dư luận đất Mũi xôn xao suốt những ngày qua. ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau thừa nhận với báo giới, "việc tái bổ nhiệm là ngoại lệ, chưa từng có nhưng cần thiết và có lợi cho địa phương". Nhưng ông Việt cũng không ngừng đưa ra những lý lẽ để chứng minh cho lựa chọn của mình là "thấu tình đạt lý". Trong đó có một lý do rất tế nhị mà ông này quàng cả một vị lãnh đạo của Bộ Y tế vào.

Lý giải của ông Việt với báo giới rằng, từ gợi ý của vị lãnh đạo Bộ Y tế mà Sở Y tế Cà Mau đã gửi công văn xin ý kiến Bộ và UBND tỉnh. Hai cơ quan này có văn bản chấp thuận, nhưng đề nghị làm đúng quy định hiện hành. Sau đó, Sở Y tế đã ra quyết định kéo dài tuổi hưu cho bà Nam bắt đầu từ ngày 1/1/2015, nghĩa là được gia hạn thêm 3 năm(?!). Kèm theo là quyết định tái bổ nhiệm bà Nam giữ chức Giám đốc.

Sự vụ tại Cà Mau không phải cá biệt. Cũng liên quan đến ngành y tế, dư luận hẳn chưa quên những "điều tiếng" trong việc bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc mà báo chí phản ánh cách đây ít lâu. Chuyện về trường hợp ông Đỗ Văn Doanh, từ giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, không hiểu vì lý do "thần kỳ" nào mà ông này được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc rồi sau đó "leo" lên vị trí Giám đốc(?!). Điều trái khoáy ở chỗ, ông Doanh chỉ còn 3 năm nữa sẽ về hưu và không đủ một nhiệm kỳ. Chiểu theo các quy định của pháp luật, chắc chắn, ông này sẽ không đủ điều kiện để bổ nhiệm chức vụ giám đốc sở lần đầu. Dư luận đặt câu hỏi, việc bổ nhiệm như vậy liệu có đúng quy trình, phù hợp với Luật Cán bộ, công chức hiện hành?

Một câu chuyện bổ nhiệm "thần kỳ" khác diễn ra tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Theo đó, ông Nguyễn Hữu Hợi (SN 1959, công chức lái xe cơ quan Huyện ủy) được bổ nhiệm làm Phó Chánh văn phòng Huyện ủy. Ông Vũ Quang Huy (SN 1960, lái xe cơ quan UBND huyện) được bổ nhiệm là Phó Chánh văn phòng UBND huyện. Theo quy định tại Điều 6, mục 1, Chương II, Quyết định 27/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/2/2003, các chức vụ trưởng, phó trưởng phòng các quận, huyện và tương đương, tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 45 tuổi (cả nam và nữ)... Như vậy, ông Hợi (52 tuổi) và ông Huy (51 tuổi) đều không đủ tiêu chuẩn để đảm nhận những chức vụ trên.

Cống hiến hay hưởng "đặc quyền, đặc lợi"?

Về mặt lý thuyết, những lý lẽ được ngành chức năng nêu lên xem ra đều có sức thuyết phục. Nhưng về mặt thực hành, nhiều người chẳng lạ gì những cách làm có phần kỳ cục, hay nói cách khác: Nói vậy mà không phải vậy! Nhất là khi vẫn còn đó "tệ chạy chọt, ô dù, phe cánh"... như hiện nay. Xét từ những điều kiện thực tế, điều khiến dư luận quan ngại nhất chính là việc tái bổ nhiệm như trên có thể tạo kẽ hở cho các "nhóm lợi ích", giữ ghế, duy trì quyền lợi và bổng lộc.

Lo ngại trên là hoàn toàn có căn cứ, bởi ngay như trường hợp bổ nhiệm bà Đặng Bé Nam, dư luận cũng hoài nghi về mục đích thực sự phía sau. Theo phản ánh của người dân địa phương, từ lâu, bác sỹ Nam nổi tiếng ở Cà Mau không phải là giám đốc quản lý giỏi, mà là bác sỹ chính của phòng khám "Nữ bác sỹ Nam", tại đường Lâm Thành Mậu (phường 4, TP.Cà Mau), dưới tên Công ty TNHH Phương Nam do người thân bà này đứng tên. "Việc kéo dài tuổi hưu đối với bác sỹ Nam có dấu hiệu “lợi ích nhóm”. Vì vậy, đề nghị Sở Y tế rút ngay quyết định trên, đừng tạo tiền lệ trong bố trí lãnh đạo", một cán bộ hưu trí tại địa phương trả lời báo chí.

Có một điểm chung là những quyết định bổ nhiệm như trên gần như chưa có tiền lệ. Nhiều ý kiến lo ngại, rất có thể việc bổ nhiệm trên có đặc quyền, đặc lợi hay mục đích phía sau (?!). Nhận định về hiện tượng này, ĐBQH Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, nhiều người giữ chức vụ, quyền hạn muốn "giữ ghế".Theo ông Đương, người ta không vì đồng lương hay bảo hiểm mà là bổng lộc, thu nhập ngoài lương.

"Do đó, việc xây dựng luật phải cố gắng để làm sao, với những công chức cần mẫn "như con tằm ăn phải nhả tơ, con ong phải nhả mật" thì tiếp tục dùng, chứ không phải những cán bộ, công chức "nói mồm, ăn bám". Giảm thiểu biên chế mà lại phải cõng bộ máy ngày càng cồng kềnh thì dân chết!". ông Đương nói.

Vị ĐBQH này cũng thừa nhận, những chuyên gia có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, 50-60 tuổi vẫn đang minh mẫn, họ làm việc rất hiệu quả, mà về hưu thì lãng phí lớn nguồn lực chất lượng cao. Thế nên, "nới" tuổi nghỉ hưu phải đặt trong bối cảnh liên quan đến khai thác sử dụng lao động. Chứ không "nhả mật, nhả tơ" mà cứ lấy mật, cắn tơ của người khác, của Nhà nước đem xây tổ nhà mình", vị này nhấn mạnh.

Quả thực, khi được hỏi quan điểm về hiện tượng này, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian kéo dài tuổi hưu, cán bộ chỉ nên làm chuyên môn, tuyệt đối không nên làm quản lý. Như vậy, sẽ giữ lại được những người tâm huyết muốn cống hiến và họ sẽ đóng góp tốt cho xã hội. Không nên lấy đó là cớ để tham quyền cố vị, ở lại hưởng bổng lộc với cái chức vụ ấy.

Bộ Y tế chưa ký văn bản nào đồng ý với việc bổ nhiệm của Cà Mau

Trả lời báo chí về những lùm xùm liên quan đến việc tái bổ nhiệm bà Đặng Bé Nam, ông Nguyễn Tuấn Hưng, Vụ phó Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Y tế) khẳng định: "Cán bộ, công chức đến tuổi nghỉ hưu có thể kéo dài thời gian công tác nhưng không giữ chức vụ quản lý theo Nghị định 71 ban hành năm 2000. Những người thuộc dạng này gồm giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ khoa học, những người thực sự có tài, có cả hội đồng để đánh giá. Hiện, chưa có văn bản hướng dẫn mới nào liên quan đến việc này. Quy định về tuổi hưu trong ngành y tế phải theo quy định chung của Nhà nước. Cá nhân tôi chưa ký văn bản nào đồng ý với việc bổ nhiệm của Cà Mau. Hơn nữa, theo quy định, việc bổ nhiệm cho các chức danh từ lãnh đạo Sở Y tế trở xuống không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế mà phân cấp cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành".

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tai-bo-nhiem-nu-gd-tre-hon-tuoi-lam-xiec-voi-phap-luat-a74741.html