Vụ án xảy ra tại NHNN chi nhánh Hưng Yên: “Nóng” tranh luận về bằng chứng phạm tội và bỏ lọt tội phạm


Thứ 2, 07/05/2018 | 02:00


Tại phiên tòa xử vụ án xảy ra tại NHNN chi nhánh Hưng Yên, nhiều vấn đề “nóng” về bằng chứng phạm tội và bỏ lọt tội phạm được tranh luận.

Phiên tòa xét xử “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh tỉnh Hưng Yên diễn ra trong 2 ngày 3-4/5. Phiên tòa “nóng” với tranh luận về bằng chứng phạm tội cũng như có hay không việc bỏ lọt tội phạm?

Trong vụ án này, 2 bị cáo bị đưa ra xét xử là Nguyễn Thị Lệ, nguyên thủ quỹ Kho nghiệp vụ phát hành và Trịnh Anh Thuân nguyên cán bộ Kho nghiệp vụ phát hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam– chi nhánh tỉnh Hưng Yên (NHNN Chi nhánh Hưng Yên)

Bị cáo Nguyễn Thị Lệ bị truy tố để xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” quy định tại khoản 3 Điều 144 BLHS trên cơ sở Cáo trạng số 68/QĐ-VKS-HS ngày 01/9/2017 của VKSND tỉnh Hưng Yên.

Bị cáo Nguyễn Thị Lệ và Trần Anh Thuân tại phiên xử sơ thẩm lần 3.

Bị cáo Thuân bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” quy định tại khoản 2, điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999.

Trong ngày thứ 2 của phiên xử sơ thẩm, các luật sư tranh luận tại tòa.

Luật sư Trần Hồng Phúc bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Lệ cho rằng: Căn cứ lời khai của các bên giao nhận và người chứng kiến kiểm đếm tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông giữa Thủ kho của  02 kho nghiệp phát hành và nghiệp vụ dự trữ tại NHNN chi nhánh Hưng Yên cũng như việc không trích xuất file hình ảnh camera ghi hình buổi kiểm đếm ngày 08/12/2015 theo yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án có dấu hiệu bất thường, việc thu thập tài liệu chứng cứ chưa bảo đảm khách quan, toàn diện để xác định sự thật vụ án.

Bị cáo Lệ bị nghỉ việc và bàn giao cho bà Hằng (thủ kho mới) toàn bộ tài sản kho quỹ từ ngày 26/11/2015. Việc bàn giao đã chi tiết số tiền cụ thể các loại giao nhận giữa các bên trên cơ sở có Biên bản bàn giao với sự chứng kiến đầy đủ của lãnh đạo và phòng, ban chức năng thuộc NHNN-Chi nhánh Hưng Yên.

Hội đồng xét xử và luật sư bào chữa tại phiên tòa

Sau hơn 10 ngày, đến chiều 07/12/2015 bà Hằng mới thực hiện bàn giao tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho ông Khải – thủ kho dự trữ phát hành và được nhập xong vào kho dự trữ. Tuy nhiên, đến sáng 08/12/2015, các bên lại xuất khỏi kho dự trữ và mới bắt đầu tổ chức kiểm đếm tiền đã bàn giao từ chiều hôm trước thì phát hiện 01 bao tiền mệnh giá 100.000 đồng chỉ có 18 bó trong bao, thiếu 02 bó tương tương 200 triệu đồng.

Lời khai của bà Vũ Thị Lộc, Phó Giám đốc NHNNVN chi nhánh Hưng Yên và cán bộ liên quan tại phiên tòa sơ thẩm trước đó xác định khi kiểm đếm không chứng kiến, chỉ khi phát hiện thiếu tiền mới gọi báo để vào chứng kiến. Trách nhiệm của những người chứng kiến, giám sát có hay không?

Các luật sư đề nghị, file hình ảnh camera ghi lại việc bàn giao ngày 8/12/2015 cần phải đưa vào hồ sơ vụ án để đảm bảo có căn cứ cho HĐXX xem xét, nghị án và tuyên án; đồng thời bảo đảm quyền được tiếp cận, đánh giá công khai chứng cứ này của tất cả những người tham gia tố tụng. Điều tra viên, kiểm sát viên đã được xem, thậm chí bà Trần Thị Thế (cán bộ kiểm soát) thuộc NHNN Chi nhánh Hưng Yên khai cũng đã được xem.

Ông Vũ Viết Thu – Giám đốc NHNNVN chi nhánh tỉnh Hưng Yên

Ông Vũ Viết Thu – Giám đốc NHNNVN chi nhánh tỉnh Hưng Yên cũng cho lời khai tại phiên tòa chiều 03/5/2018 có trích xuất camera cho cơ quan điều tra và kiểm sát viên và có lập biên bản về việc cung cấp chứng cứ. Tại phiên tòa ngày 4/5, KSV phủ nhận không lập biên bản mà cho rằng các điều tra viên, kiểm sát viên cùng cán bộ NHNNVN chi nhánh Hưng Yên cũng xem lại file hình ảnh camera ngày 08/12/2015 là biện pháp nghiệp vụ để làm tăng niềm tin.

Luật sư bào chữa cho rằng, việc làm này của điều tra viên, kiểm sát viên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. HĐXX đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhằm thu thập file hình ảnh camera này phục vụ cho việc xét xử; lý do gì HĐXX không được xem, người bào chữa không được xem?

“Chúng tôi đề nghị đại diện VKS đối đáp đến cùng để làm rõ các nội dung đã đề cập. Quyền quyết định bản án thuộc HĐXX, tuy nhiên đối với bản án được tuyên, bị cáo có quyền kháng cáo nếu thấy việc xét xử không đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, còn bỏ lọt tội phạm”, luật sư nêu quan điểm.

Theo buộc tội từ đại diện viện kiểm sát Đào Đức Thông, bị cáo Lệ bị buộc tội với khoản tiền 200 triệu đồng thiếu hụt (2 bó tiền mệnh giá 100.000đồng) phát hiện vào ngày 8/12. Trước đó, số tiền này nằm trong bao tiền đã được bị cáo Lệ bàn giao xong và bà Hằng – thủ kho mới đã nhận từ ngày 26/11/2015. Tuy nhiên, bị cáo Lệ vẫn bị buộc tội phải chịu hoàn toàn về an toàn tài sản trong kho quỹ theo quy định tại Điều 19, Điều 20 và khoản 4 Điều 26 Thông tư 01 của NHNN Việt Nam.

Khoản tiền thứ hai, xác định thiếu 523.100.000 đồng sau khi NHNN-chi nhánh tỉnh Hưng Yên tổ chức kiểm đếm tổng thể 194 tỷ đồng được lưu giữ tại 02 kho (kho nghiệp vụ và kho dự trữ). Chính NHNN - chi nhánh Hưng Yên cũng có văn bản trả lời cơ quan điều tra không thể xác định được số tiền thiếu thuộc kho nào trong chi nhánh.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Hồng Phúc tranh luận: "Trong số tiền này, chỉ có 23 tỷ đồng thuộc kho nghiệp vụ mà bị cáo Lệ nguyên là thủ kho, có đến 171 tỷ  đồng của kho dự trữ do người khác có trách nhiệm quản lý, nhưng cuối cùng kiểm đếm chi tiết số tờ, toàn bộ số tiền thiếu của cả 02 kho đều quy hết trách nhiệm cho bị cáo Lệ trong khi bị cáo đã nghỉ việc, bàn giao xong và không làm công tác quản lý kho nghiệp vụ. Đặc biệt không thu thập niêm phong đầu bao để thực hiên trưng cầu giám định, xác định có hay không trách nhiệm của bị cáo Lệ là người có tên trên niêm phong theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Thông tư 01 củ NHNNVN.

Đó là chưa kể, theo Thông tư 01/2014/TT-NHNN ngày 06/01/2014 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam thì thủ kho cũng không phải chịu trách nhiệm về số tờ thiếu trong từng thếp tiền vì họ không có trách nhiệm kiểm đếm từng tờ, mà chỉ chịu trách nhiệm về thiếu bó tiền (nguyên 10 thếp) và thiếu bao tiền (đủ 20 bó) đã niêm phong. Theo Thông tư 01 thì việc thiếu số lượng tờ là thuộc trách nhiệm các Ngân hàng thương mại nên thực tế các ngân hàng đã nộp đủ số tiền thiếu 523.100.000 đồng cho NHNN – CN Hưng Yên để khắc phục xong".

Với khoản tiền thiếu hụt  1,395 tỷ phát sinh sau kiểm đếm 1.408 tỷ đồng từ NHNNVN điều chuyển về NHNN chi nhánh tỉnh Hưng Yên. Trong các năm 2014 – 2015, số tiền này được niêm phong bàn giao từ NHNN chi nhánh Hưng Yên, cán bộ nhận tiền của NHNNVN đã kiểm bó đếm thếp nhận đủ, đóng bao, niêm phong kẹp chì của NHNNVN, lên đến Kho tiền 1 trung ương đã bàn giao xong ngay sau khi thực hiện lựa chọn ngẫu nhiên kiểm tra xác suất xác định đủ điều kiện để nhập kho tiền trung ương.

Sau đó 1-2 năm mới cho chuyển lại NHNN chi nhánh Hưng Yên để kiểm tra. Khi bàn giao lại cho NHNN chi nhánh tỉnh Hưng Yên, các bên dỡ bỏ niêm phong kẹp chì của NHNNVN để kiểm bó, đếm thếp; khi đạt yêu cầu mới thực hiện niêm phong kẹp chì với tên niêm phong của NHNN chi nhánh tỉnh Hưng Yên.

"Như vậy, khẳng định không có dấu hiệu bất thường vì nếu bất thường thì NHNNVN có giao nhưng NHNNVN chi nhánh Hưng Yên sẽ không nhận để đóng bó, niêm phong kẹp chì. Trong trường hợp này, xét theo niêm phong đầu bao có tên niêm phong của NHNN chi nhánh Hưng Yên nếu có thiệt hại thì người có tên trên niêm phong thuộc NHNN chi nhánh Hưng Yên phải chịu.

Trong tổng số 1.408 tỷ đồng được kiểm đếm xong đã không giữ niêm phong đầu bao để xác định trách nhiệm", luật sư phân tích.

Đại diện VKS nêu tại phiên tòa NHNNVN đã thu hồi 209 tờ niêm phong đầu bó để xác định số tờ thiếu trong các bó. Với bản photo 209 niêm phong đầu bó đóng dấu NHNNVN chi nhánh Hưng Yên có trong HSVA, đủ cơ sở xác định người có tên trên niêm phong đầu bó, nên thiếu số tờ thuộc cán bộ kiêm đếm, đóng gói của NHTMCP liên quan.

Trường hợp không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm theo niêm phong đầu bó, phải căn cứ quy định tại tiểu mục 23.3 công văn số 929 do NHNNVN ban hành hướng dẫn thực hiện Thông tư số 01 để buộc trách nhiệm đối với người có tên trên niêm phong đầu bao.

Tuy nhiên, dù căn cứ niêm phong đầu bó đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm của người có tên trên niêm phong hay căn cứ niêm phong đầu bao để xác định trách nhiệm của người có tên trên niêm phong đầu bao thì đều không liên quan đến bị cáo Lệ. Song, việc tự ý hủy niêm phong đầu bao, không thu hồi để xử lý theo quy định tại tiểu mục 23.3 công văn số 929 của NHNNVN thuộc trách nhiệm của Hội đồng kiểm đếm. Tại sao không xem xét trách nhiệm này?

Bị cáo Lệ không liên quan khi giao tiền cho NHNNVN, không nhận tiền bàn giao từ NHNNVN chuyển lại cho NHNNVN chi nhánh Hưng Yên nhưng tại sao phải gánh lỗi, chịu trách nhiệm thay cho các cá nhân liên quan của NHNNVN và NHNNVN chi nhánh Hưng Yên? Đây là những băn khoăn được các luật sư bào chữa liên tục đưa ra tại phiên tòa.

LS Nguyễn Văn Chiến tham gia bào chữa tại phiên tòa

Cũng tại phiên tòa, LS Nguyễn Văn Chiến cho rằng: “Trách nhiệm bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa đòi hỏi mọi hoạt động điều tra, truy tố xét xử đáp ứng đúng theo quy định của BLTTHS. Trách nhiệm của người bào chữa góp cho vụ án được xét xử công bằng, nghiêm minh".

LS Chiến đề nghị tất cả chứng cứ người bào chữa đề cập phải được đưa ra công khai tại phiên tòa như toàn bộ niêm phong đầu bó, đầu bao của những bao tiền thiếu, cần trích xuất camera ngày 8/12/2015 để xem xét đánh giá công khai mới bảo đảm khách quan, toàn diện. Nếu cơ quan buộc tội không đưa ra được, thì phải chăng tang vật đã bị tiêu hủy, bị mất và trực tiếp ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án này?

Tại phiên tòa này đã là phiên xử lần thứ ba sau hai lần HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung tại 02 phiên tòa trước. Lý do trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đã rõ ràng, nếu không thực hiện điều tra bổ sung, thu thập các chứng cứ đó thì HĐXX không thể tuyên án kết tội bị cáo. Cả hai lần Tòa án trả hồ sơ nhưng cơ quan truy tố đều không thực hiện điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án đối với các chứng cứ còn thiếu mà HĐXX đã chỉ ra.

Như vậy, tại phiên tòa lần thứ ba này, cũng vẫn HĐXX này tại 2 phiên tòa trước đây đã xác định chứng cứ không đầy đủ cần điều tra bổ sung, cơ quan truy tố không điều tra bổ sung nên không có chứng cứ gì mới khác so với 2 phiên tòa trước thì HĐXX hôm nay không thể cho rằng đủ chứng cứ để kết tội bị cáo. Do vậy, thực hiện quy định tại Điều 13 BLTTHS 2015, khi không đủ chứng cứ để chứng minh tội phạm thì HĐXX cần tuyên bị cáo không phạm tội. Lẽ nào cùng hồ sơ vụ án không phát sinh thêm chứng cứ, phiên tòa trước HĐXX xác định không đủ cơ sở kết tội nhưng phiên tòa này lại xác định đủ cơ sở kết tội? - LS Chiến nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của người bào chữa, bị cáo Nguyễn Thị Lệ có rằng việc luận tội của đại diện VKSND tỉnh Hưng Yên tại phiên tòa không đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Nói về số tiền thiếu hụt tại NHNN chi nhánh Hưng Yên, ông Đào Đức Thông, Viện kiểm sát ND tỉnh Hưng Yên cho hay: Chúng tôi xác định thiếu hụt tiền có thể do khách quan. Số tiền mất chúng tôi đưa ra do dựa vào căn cứ dấu hiệu bị rút lõi. Chúng tôi không xác định được ai là người rút số tiền trong bó tiền khi bị cáo Lệ nghỉ phép 4 lần. Nhưng vì trong nghiệp vụ ngân hàng về trách nhiệm bảo quản thì khi ai đó chịu trách nhiệm với tài sản phải đảm bảo tài sản an toàn, đây là căn cứ luận tội.

Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm buộc tội với bị cáo Lệ và với số tiền thiếu hụt, chiếm đoạt tại NHNN chi nhánh Hưng Yên chưa xác định được bị can để khởi tố nên tách giải quyết ở vụ án khác.

Trước quan điểm của VKS, người bào chữa cũng cho rằng cần xem xét trách nhiệm liên đới đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 67 Thông tư số 01 của NHNNVN như giám đốc, người giám sát, bảo quản tiền mặt nếu không hoàn thành nhiệm vụ để xảy ra mất tiền trong kho quỹ, cán bộ lợi dụng để tham ô có liên quan đến mất tiền, mất tài sản thì phải bồi hoàn.

Trước khi HĐXX nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng. Bị cáo Thuân đồng ý với luận tội của VKS, còn bị cáo Lệ nói lời cuối cùng cho rằng phải chăng bị cáo là “tốt thí”, bị cáo xác định không có tội, đề nghị HĐXX xét xử công tâm, độc lập chỉ tuân theo pháp luật, không chịu bất kỳ “áp lực” nào để bị cáo tâm phục, khẩu phục phán quyết của Tòa án nhân danh Nhà nước.

Cuối buổi chiều ngày 4/5, sau hai ngày xét xử, TAND tỉnh Hưng Yên đã tuyên án đối với 02 bị cáo. Theo đó, bị cáo Nguyễn Thị Lệ bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù và bồi thường trách nhiệm dân sự cho nguyên đơn dân sự là NHNN Việt Nam hơn 1,8 tỷ đồng. Bị cáo Lệ cũng bị cấm đảm nhận chức vụ trong ngành ngân hàng trong thời hạn 2 năm sau khi mãn án.

Bị cáo Trịnh Anh Thuân bị tuyên phạt 2 năm cải tạo không giam giữ. Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Thuân phải chịu trách nhiệm bồi thường 100 triệu đồng cho NHNN Việt Nam và áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhận chức vụ trong ngành ngân hàng trong thời hạn 01 năm.

Tòa cũng nói rõ các bị cáo có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày theo luật định.

Sau phiên tòa bị cáo Lệ cho biết sẽ tiếp tục kêu oan đến Tòa án cấp trên và cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-an-xay-ra-tai-nhnn-chi-nhanh-hung-yen-nong-tranh-luan-ve-bang-chung-pham-toi-va-bo-lot-toi-pham-a228599.html