Một phần lá gan của người vợ đã cứu sống chồng thế nào?


Thứ 3, 24/07/2018 | 14:36


Được sự hỗ trợ từ các chuyên gia Bệnh viện ASAN Hàn Quốc, ca ghép gan đầu tiên từ người cho sống được thực hiện thành công tại Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM).

Được sự hỗ trợ từ các chuyên gia Bệnh viện ASAN Hàn Quốc, ca ghép gan đầu tiên từ người cho sống được thực hiện thành công tại Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM). 

Sáng 24/7, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) công bố ca ghép gan đầu tiên từ người cho sống được thực hiện thành công tại bệnh viện này. 

Người nhận gan là bệnh nhân T.V.Vách (50 tuổi), bị viêm gan B, xơ gan và ung thư gan, đã điều trị nhiều năm nhưng tình trạng xơ gan ngày càng diễn tiến xấu. Nếu không được thay lá gan mới, thời gian còn lại của anh Vách chỉ từ 6 tháng đến 1 năm – BS Long nói và cho biết, việc tìm người có gan phù hợp và sẵn sàng tặng một phần cơ thể của mình cho anh Vách quả không phải là điều đơn giản.

May mắn thay, kết quả xét nghiệm thì chị Trương Kim Hương (33 tuổi) – vợ anh Vách, là người có cùng nhóm máu cũng như tình trạng sức khỏe phù hợp để hiến tạng cho chồng.

"Khi bác sĩ báo có thể ghép gan cho chồng, tôi vui lắm, không thấy sợ hãi hay lo lắng gì, vì lúc ấy tôi chỉ mong sao chồng sớm khỏe lại", chị Hương chia sẻ.

Ê-kíp bác sĩ phẫu thuật ghép gan cho người bệnh
Giữa tháng 6 vừa qua, ê kíp gồm 11 chuyên gia ghép gan đến từ Bệnh viện ASAN (Hàn Quốc), cùng các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược (tổng cộng gần 50 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên…) tiến hành ca phẫu thuật cắt gan và ghép gan cho bệnh nhân V. và người cho gan.
Cuộc phẫu thuật kéo dài 8 giờ và đã ghép thành công. Sau mổ, sức khỏe người cho và nhận gan đã ổn định.

Vợ chồng anh Vách, chị Hương vui vẻ bên 2 người con

Theo BS Long, hiện tình trạng người bệnh đã ổn định, chị Hương đã có thể tự chăm sóc cho chồng. 1 tháng sau ca phẫu thuật, anh V đã có thể tiếp xúc với môi trường bên ngoài và trở lại sinh hoạt bình thường.

Phó Trưởng khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy cho biết, vì gan có khả năng tái sinh bù trừ nên phần gan còn lại trong cơ thể người vợ sẽ phát triển lớn hơn để đáp ứng nhu cầu cơ thể và đảm bảo sức khỏe chị Hương không bị ảnh hưởng sau khi hiến gan.

Về phía anh Vách, phần gan ghép đã cơ thể người bệnh dung nạp tốt. Sự thành công của ca phẫu thuật ghép gan giúp người bệnh khỏi hẳn xơ gan, ung thư gan và có khả năng khỏi hẳn viêm gan B.

Quan trọng hơn, ca phẫu thuật đã giúp anh Vách tiếp tục sống lâu dài cùng gia đình và chất lượng cuộc sống được cải thiện. Sau khi xuất viện, người bệnh sẽ tái khám thường xuyên trong một năm đầu sau ghép.

Tiếp nối thành công ban đầu, bệnh viện tiếp tục thực hiện một số ca ghép gan trong thời gian tới, mang lại cơ hội chữa trị cho nhiều người bệnh hơn nữa.

M.D (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mot-phan-la-gan-cua-nguoi-vo-da-cuu-song-chong-the-nao-a237517.html