Mảnh đạn găm vào ngực bé gái 7 tuổi được lấy ra thế nào?


Thứ 4, 26/09/2018 | 02:19


Cháu Phạm Thị Thu H. (7 tuổi) trú tại xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh khi đang vui chơi thì bị đạn từ súng hơi bắn xuyên lưng vào vùng ngực trái.

Cháu Phạm Thị Thu H. (7 tuổi) trú tại xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh khi đang vui chơi thì bị đạn từ súng hơi bắn xuyên lưng vào vùng ngực trái.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời thực hiện phẫu thuật nội soi cấp cứu gắp thành công mảnh đạn găm xuyên ngực bụng cho bé gái 7 tuổi.

Bệnh nhi được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng tỉnh, khóc nhiều, sau lưng trái có 1 vết thương tròn kích thước 0,5 cm gây đau tức, khó thở. Sau khi thăm khám và chụp CLVT dựng hình 3D bằng hệ thống máy 512 lát, các bác sĩ phát hiện trong lồng ngực trái của bé H. có một dị vật kim loại kèm theo nhiều máu trong khoang màng phổi trái, tổn thương nhu mô phổi. Bé gái nhỏ tuổi, vết thương sâu cần xử trí gấp nên bệnh nhi đã được chuyển thẳng phòng mổ cấp cứu để lấy mảnh đạn, cầm máu tổn thương và dẫn lưu màng phổi trái bằng phương pháp nội soi lồng ngực.

Hình ảnh chụp 3D lồng ngực bằng hệ thống máy 512 lát giúp các bác sĩ xác định chính xác vị trí mảnh đạn găm trong lồng ngực bệnh nhi.

Kíp cấp cứu do bác sĩ Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cùng các bác sĩ trong khoa và bác sĩ gây mê hồi sức đã thực hiện gây mê nội khí quản, tiến hành nội soi lồng ngực qua 3 vết rạch 0,5 cm ở ngực trái. Sau khi hút sạch máu trong màng phổi, mảnh đạn được các phẫu thuật viên tìm thấy và khéo léo gắp ra ngoài, đồng thời xử trí cầm máu các tổn thương gây chảy máu trong vùng ngực và đặt ống dẫn lưu. Sau 30 phút phẫu thuật, ca mổ diễn ra thuận lợi thành công. Đến nay, sức khoẻ bé H. tiến triển tích cực, phục hồi nhanh, không còn khó thở tức ngực và đã ăn uống được bình thường.

Việc lấy dị vật trong lồng ngực trẻ em như trường hợp của bệnh nhi H. là rất khó bởi dị vật nhỏ sâu trong ngực cạnh tim phổi luôn di động nên đòi hỏi phẫu thuật viên có tay nghề và kinh nghiệm chắc chắn về nội soi lồng ngực cho trẻ em và phương tiện chuyên khoa cao mới có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, quá trình gây mê hồi sức cũng cần đặc biệt chú ý bởi không thể thông khí và làm xẹp một phổi đơn thuần như người lớn mà phải thực hiện thông khí với thể tích nhỏ kèm tăng tần số, đồng thời phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê phải phối hợp thật tốt để đảm bảo vẫn có đủ không gian cho bác sĩ xử lý tổn thương nhưng không gây ảnh hưởng đến chức năng thông khí phổi của trẻ nhỏ.

Là phẫu thuật viên trực tiếp xử trí cấp cứu cho bé H., Ths.Bs Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Đây là trường hợp vết thương ngực hở do hỏa khí gây tràn máu khoang màng phổi cần xử lý cấp cứu ngay lập tức bởi nếu để lâu sẽ gây suy hô hấp, dị vật xuyên ngực không cầm máu kịp thời gây nguy hiểm đến tính mạng, nhất là với trẻ nhỏ. Thông thường trường hợp này sẽ sơ cứu khẩn cấp rồi chuyển lên tuyến trên, tuy nhiên thời gian di chuyển lâu dễ khiến những tổn thương trong màng phổi biến chứng khôn lường. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định tiến hành phẫu thuật nội soi lồng ngực lấy dị vật và xử trí tổn thương. Do mảnh đạn xuyên lưng găm sâu vào phổi nên nếu mổ mở sẽ khó tìm thấy, mất nhiều thời gian, dễ gây biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhi. Phẫu thuật nội soi lồng ngực là phương pháp can thiệp ít xâm lấn, an toàn, biến chứng thấp nên trường hợp cháu H. được xử trí bằng phương pháp này sẽ tối ưu và nhanh chóng bình phục hơn cả”.

Việc chẩn đoán nhanh chóng, chính xác nhờ hệ thống trang thiết bị máy móc tiên tiến, hiện đại cùng phương pháp điều trị chuẩn xác đã giúp cho bệnh nhi thoát khỏi cơn nguy kịch, qua đó khẳng định chuyên môn, kinh nghiệm của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong việc xử trí các trường hợp cấp cứu nguy hiểm do tai nạn gây nên, nhất là với những đối tượng nhỏ tuổi như bé H.

Nguồn BVĐK Quảng Ninh

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/manh-dan-gam-vao-nguc-be-gai-7-tuoi-duoc-lay-ra-the-nao-a245421.html