+Aa-
    Zalo

    Bất ngờ với cách Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi: Chỉ bằng một kênh truyền hình?

    • DSPL
    ĐS&PL Bài bình luận đăng trên CNN cho rằng, dường như Trung Quốc đang thành công trong việc mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, chỉ bằng một kênh truyền hình.

    Bài bình luận đăng trên CNN cho rằng, dường như Trung Quốc đang thành công trong việc mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, chỉ bằng một kênh truyền hình.

    Trung Quốc phát triển truyền hình kỹ thuật số giá rẻ ở châu Phi. Ảnh: CNN

    Ở ngoại ô Nairobi, Kenya, Michael Nganga đang xem một bộ phim Kung Fu của Trung Quốc. Ngôi nhà nhỏ của anh thợ đánh giày ở làng Limuru không có nước và tường thì được làm từ kim loại. Tuy nhiên, bên ngoài sân, nơi những con gà lang thang có một đĩa vệ tinh lớn do Trung Quốc chế tạo, kết nối chiếc tivi cũ của anh với hàng trăm kênh - nhiều trong số đó đang được chiếu từ Bắc Kinh .

    "Thật thuận lợi khi có nhiều kênh truyền hình để xem", anh Nganga - người trước đây bị giới hạn với một vài đài địa phương của Kenya cho biết. "Bởi vì bạn có thể biết thế giới đang thay đổi như thế nào mỗi ngày". Trên thực tế, mối liên hệ của anh Nganga với thế giới rộng lớn là nhờ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

    Vào năm 2015, ông Tập đã công bố “Dự án 10.000 ngôi làng” - kế hoạch để đưa truyền hình kỹ thuật số đến những vùng nghèo khó ở châu Phi, như ngôi làng nơi anh Nganga đang sống. Trước đây, truy cập truyền hình ở nhiều nơi trên lục địa là một đặc quyền của giới thượng lưu, và những người được kết nối dựa vào sự tiếp nhận tương tự là cực hiếm.

    Mong ước của ông Tập là giúp những vùng đất rộng lớn ở châu Phi được tiếp cận với các mạng truyền hình vệ tinh kỹ thuật số hiện đại, có thể phát các kênh từ một khoảng cách xa - thực tế là kênh truyền hình từ Bắc Kinh tới các ngôi nhà trên lục địa này.

    Tuy nhiên, theo CNN, đây không chỉ là một hành động từ thiện mà còn là nỗ lực phát triển quyền lực mềm, gia tăng sức ảnh hưởng Trung Quốc với các quốc gia châu Phi, đồng thời giúp Bắc Kinh nắm bắt chặt chẽ hơn về cơ sở hạ tầng truyền thông của lục địa. Thậm chí, nó được cho sẽ thúc đẩy vận may và sức mạnh của một công ty Trung Quốc.

    StarTimes là nhà thầu chính của chính phủ Trung Quốc thực hiện “Dự án 10.000 ngôi làng”, mở đường cho công ty có trụ sở tại Bắc Kinh - chứ không phải bất kỳ đối thủ truyền thông nào của Mỹ hay châu Âu để thống trị thị trường châu Phi 1,2 tỷ dân. Người phát ngôn của StarTimes nói rằng "điều quan trọng" đối với Bắc Kinh là hợp tác với "một doanh nghiệp có kinh nghiệm và có ý thức về chi phí cho nhiệm vụ này".

    StarTimes có mặt ở 30 quốc gia châu Phi. Ảnh: CNN

    Ngày nay, công ty đưa các chương trình truyền hình Trung Quốc vào ngôi nhà của 10 triệu thuê bao ở 30 quốc gia châu Phi, đẩy mạng tin tức tuyên truyền thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc vào các hộ gia đình, kiểm soát các mạng truyền hình ở Zambia cũng như Kenya.

    Mặc dù các kênh như BBC tiếp cận được nhiều người hơn và nhà phân phối Nam Phi MultiChoice có nhiều người đăng ký hơn, thì phạm vi tiếp cận của StarTimes có một số vấn đề bị cho là đáng lo ngại: Công ty có mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, giờ đây đã có quá nhiều quyền lực đối với các mạng truyền hình châu Phi?

    Theo nhiều cách, các kênh của StarTimes diễn ra song song với gã khổng lồ truyền thông nổi tiếng Huawei của Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống như Huawei, StarTimes đã trở thành một trong những công cụ quyền lực mềm mạnh nhất của Bắc Kinh ở châu Phi - mà không có nhiều người trên thế giới biết đến tên của nó.

    Vào năm 2000, một trang bìa về châu Phi có tựa đề "Lục địa vô vọng" đã được phát hành. Dòng tiêu đề đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, với các nước phương Tây quyết định viện trợ 1.000 tỷ USD, ngăn chặn nạn đói và tai họa của AIDS... Trong khi đó, Trung Quốc đã thực hiện một cách tiếp cận hoàn toàn khác.

    Cùng năm đó, cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã mời các nguyên thủ quốc gia trên khắp châu Phi tham dự Diễn đàn khai mạc về hợp tác Trung Quốc-châu Phi tại Bắc Kinh, để thảo luận về cách hai bên có thể làm việc tốt hơn với nhau. Vào giữa những năm 2000, chính phủ Trung Quốc, đã khuyến khích các doanh nhân ra nước ngoài và củng cố mối quan hệ mạnh mẽ hơn với nhiều quốc gia châu Phi.

    Các doanh nhân Trung Quốc sau đó đã tìm cách xâm nhập vào các thị trường non trẻ và bắt đầu chuyển sang châu Phi. Ví dụ như George Zhu đã đến Nigeria và ra mắt Transsion - nơi bán các thiết bị di động cầm tay nhiều sim giá rẻ và hiện có cổ phần điện thoại thông minh lớn nhất trên lục địa. Ông Nhậm Chính Phi đưa Huawei vào Kenya, và không lâu sau đó, người say mê truyền hình Pang Xinxing đã quyết định xoay vòng công ty viễn thông StarTimes của mình khỏi Trung Quốc, nơi thị trường TV đang nhanh chóng trở nên bão hòa để tập trung vào châu Phi.

    Ông Pang cho biết đã tìm thấy một thị trường kém phát triển, nơi nhiều gia đình không có TV hoặc đang chia sẻ một chiếc TV với nhiều hộ gia đình. "Ngay cả khi có TV, họ chỉ có thể xem 1 hoặc 3 kênh, TV kỹ thuật số nằm ngoài sức tưởng tượng của họ", ông nói vào năm 2002. Hơn nữa, thông thường chỉ có một công ty mạnh ở mỗi quốc gia và người dùng bị tính phí khoảng 70 USD một tháng cho một thuê bao - một khoản phí khổng lồ trên lục địa nơi GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 700 USD một năm tại thời điểm đó.

    Ông Pang nhìn thấy cơ hội cho nhà cung cấp truyền hình chi phí thấp. Ngày nay, StarTimes có một số gói TV kỹ thuật số giá cả phải chăng nhất thế giới, có thể chỉ tốn 4 USD một tháng. Sự xuất hiện của StarTimes cũng vào thời điểm hoàn hảo theo một cách khác.

    Một hiệp ước của Liên Hợp Quốc năm 2006, các nước châu Phi cần phải chuyển đổi từ tín hiệu tương tự không đáng tin cậy sang kỹ thuật số vào năm 2015. Đó là thời hạn mà gần như tất cả các chính phủ châu Phi đã bỏ lỡ nhưng áp lực phải đầu tư - và tìm một công ty có thể giúp đỡ họ làm điều đó. Hiệp ước đó đã mang lại cho StarTimes một nguồn doanh thu khác - xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng truyền hình kỹ thuật số của các quốc gia châu Phi.

    Gần hai thập kỷ sau, Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi mà cựu Chủ tịch Giang tổ chức năm 2000 đã trở thành một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong lịch của nhiều quốc gia châu Phi. Đến năm 2018, hầu như mọi nguyên thủ quốc gia châu Phi đều đã đến Bắc Kinh tham dự Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi để đảm bảo nhận được một phần trong 60 tỷ USD cho các khoản vay phát triển và thỏa thuận kinh doanh được cung cấp.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo CNN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bat-ngo-voi-cach-trung-quoc-mo-rong-anh-huong-o-chau-phi-chi-bang-mot-kenh-truyen-hinh-a285684.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan