+Aa-
    Zalo

    "Bố trí một nguồn lực hợp lý" cho xét xử trực tuyến

    ĐS&PL Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng việc tổ chức phiên toà trực tuyến cần phải thận trọng, bởi có liên quan đến quyền con người.

    Thực hiện thí điểm 3 năm 

    Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận trực tuyến sáng 24/10.

    Góp ý kiến vào đề xuất xét xử phiên toà trực tuyến, ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hoá) cho biết, trong đại dịch Covid-19 nhiều quốc gia cũng đã đưa ra những biện pháp để xét xử trực tuyến, để thúc đẩy các tiến độ tố tụng như Hàn Quốc, Nga, Đức, Ý, Úc… các nước xét xử trực tuyến rất thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế, kinh tế xã hội và trên cơ sở pháp lý rõ ràng.

    bo tri mot nguon luc hop ly cho xet xu truc tuyen spl

    Đại biểu Lê Thanh Hoàn thảo luận tại hội trường Diên Hồng.

    Tuy nhiên, theo đại biểu, tại Việt Nam luật chưa quy định rõ ràng về phiên toà trực tuyến, mà chỉ quy định về nguyên tắc xét xử trực tiếp và tại phòng xử án.

    “Theo ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ ba, đây là vấn đề liên quan đến Hiến pháp, liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Chính vì vậy, cần phải nghiên cứu thận trọng và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền trước khi trình với Quốc hội”, đại biểu Hoàn nêu ý kiến.

    Đồng thời, đại biểu Hoàn cũng đề nghị Quốc hội chỉ nên ban hành nghị quyết cho phép tòa án thực hiện thí điểm trong thời hạn 3 năm và chỉ nên lựa chọn những vụ án hình sự ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng và chứng cứ rõ ràng, những vụ án dân sự hành chính có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng đầy đủ. Lựa chọn một số tỉnh thành có điều kiện để đảm bảo tránh đầu tư dàn trải.

    Cũng cho ý kiến về phiên toà trực tuyến, ĐBQH Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) bày tỏ sự ủng hộ cần thiết có phiên toà trực tuyến, thậm chí việc này phải làm từ lâu. Nhưng, để tiến hành được phiên tòa này thì phải có hướng dẫn. “Quan trọng theo tôi phải đảm bảo các điều kiện để phiên tòa trực tuyến được xem như phiên tòa trực tiếp như các điều kiện trong Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao đã nêu”, đại biểu Trần Công Phàn nói.

    Chỉ xét xử trực tuyến khi không thể xét xử trực tiếp

    Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) tranh luận, cho rằng: “Các đại biểu đều nói xét xử trực tuyến có rất nhiều ưu Việt. Tôi không nghĩ như vậy”.

    Theo đại biểu Hiển, trong tố tụng tư pháp thì một trong những nguyên tắc cơ bản là nguyên tắc tranh tụng. Tranh tụng không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà được thể hiện qua rất nhiều những khía cạnh khác, như thái độ, cử chỉ, tâm lý, cảm xúc và sự tương tác kịp thời, quyết liệt giữa các bên trong tố tụng. Điều này ảnh hưởng và tác động rất lớn đến niềm tin nội tâm của thẩm phán, hội thẩm nhân dân cũng như các thành viên tham gia tố tụng.

    “Do vậy, nếu so sánh giữa xét xử trực tiếp và xét xử trực tuyến thì xét xử trực tuyến bất lợi hơn nhiều so với xét xử trực tiếp. Hai khía cạnh bất lợi là bảo đảm quyền đầy đủ của các bên đương sự trong tham gia tố tụng và bảo đảm sự tiếp cận, sự nhận định toàn diện, đầy đủ tình tiết vụ việc của thẩm phán và hội thẩm tham gia hội đồng xét xử”, đại biểu Hiển nêu quan điểm.

    bo tri mot nguon luc hop ly cho xet xu truc tuyen spl 6

    Đại biểu Nguyễn Văn Hiển tranh luận tại hội trường Diên Hồng.

    Đại biểu Hiển kiến nghị, chỉ xét xử trực tuyến khi không thể xét xử trực tiếp. Đồng thời, quy định rõ về điều kiện, sự đồng ý của các bên tham gia vào tổ chức phiên tòa trực tuyến thì phải được quy định ngay trong nghị quyết thay vì quy định trong thông tư hướng dẫn thi hành.

    Giải trình về những ý kiến của các đại biểu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình bày tỏ sự cảm ơn ý kiến của các đại biểu về ủng hộ việc Quốc hội ban hành dự thảo nghị quyết cho phép Tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ông nhận định đây là một vấn đề lớn.

    “Các đại biểu đều cho rằng phiên tòa trực tuyến không chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt mà còn lâu dài. Nếu như chúng ta đưa vào nghị quyết là 3 năm, có nghĩa là sau 3 năm chúng ta lại phải có một nghị quyết khác nếu cần phải tiếp tục duy trì phương thức này. Cho nên, trong báo cáo hàng năm của tòa án, chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội mặt được, mặt chưa được, những bài học rút ra và có đề nghị phù hợp”, Chánh án TAND TC Nguyễn Hoà Bình nêu.

    Về việc lựa chọn các vụ án để xét xử trực tuyến, Chánh án TAND TC Nguyễn Hoà Bình cho biết thế giới tiếp cận ở góc độ nghĩa vụ chứng minh đơn giản, ví dụ vụ giết người phức tạp nhưng chứng cứ rõ ràng thì vẫn xét xử trực tuyến.

    Về đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực xét xử phiên tòa trực tuyến, ông Bình cho hay trước mắt làm ở những địa phương đã có chuẩn bị thấu đáo về hạ tầng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, về mặt lâu dài, phải bố trí một nguồn lực hợp lý cho công việc này, đề nghị đưa vào Nghị quyết của Quốc hội.

    Theo Tạp chí Pháp luật Người Đưa Tin

    Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/bo-tri-mot-nguon-luc-hop-ly-cho-xet-xu-truc-tuyen-a531663.html

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-tri-mot-nguon-luc-hop-ly-cho-xet-xu-truc-tuyen-a517156.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan