+Aa-
    Zalo

    Các đại biểu hài lòng với những cải tiến tại Kỳ họp Quốc hội

    • DSPL
    ĐS&PL Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV sắp kết thúc với những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri cả nước nhờ những cải tiến rõ nét về chất lượng. Bên lề kỳ họp, phóng viên báo Ti

    Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV sắp kết thúc với những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri cả nước nhờ những cải tiến rõ nét về chất lượng. Bên lề kỳ họp, phóng viên báo Tin Tức ghi nhận ý kiến của các vị đại biểu.

    Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình):

    "Chương trình kì họp thứ 3 sắp xếp rất hợp lý, kể cả về nội dung thảo luận kinh tế xã hội cũng như chương trình thông qua các dự án luật và chất vấn. Các nội dung cơ bản có những điểm đổi mới. Tranh luận tích cực hơn, các nội dung tranh luận tốt cho việc điều chỉnh văn bản luật.

    Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). Ảnh: HD

    Trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, thời lượng chất vấn được kéo dài. Cách điều hành của chủ tọa cũng cụ thể hơn và ưu tiên các nội dung chất vấn, còn những phần chưa trả lời được thì yêu cầu Bộ trưởng và các ngành liên quan trả lời bằng văn bản. Đây là điểm thay đổi quan trọng vì các ý kiến của cử tri thì đại biểu phải nắm và phải phản ánh trước Quốc hội. Cử tri cũng thỏa mãn vì nghe qua truyền hình trực tiếp. Những kiến nghị của cử tri đã được phản ánh đến nghị trường Quốc hội.

    Chủ tọa kì họp cũng đã biết cách phân bổ thời gian khi có quá nhiều ý kiến muốn phát triển trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội, làm sao để tất cả các tỉnh đều được phát biểu và các tỉnh có đại biểu đông hơn thì có ưu tiên hơn. Những vấn đề có nhiều ý kiến nhưng thời lượng không còn thì chủ tọa đã yêu cầu các đại biểu nói ngắn gọn hơn, từ 7 phút còn lại 3-4 phút để có nhiều ý kiến tham gia. Các tình tiết nhỏ nhưng thể hiện sự sáng tạo trong cách điều hành của Quốc hội. 

    Một số vấn đề cần cải tiến, chẳng hạn như một số văn bản gửi hơi muộn nên không có nhiều thời gian cho đại biểu nghiên cứu. Trong khi tham gia chất vấn, một số đại biểu đưa ra ý kiến chưa sâu, hiểu chưa rõ, đưa ra câu hỏi là chính chứ chưa phải là chất vấn trách nhiệm. Đôi khi trong bản thân nội tại câu hỏi của đại biểu cũng có sự mâu thuẫn. Có những ý kiến trùng lặp thì đại biểu phải tinh gọn lại câu hỏi của mình chứ không nhắc lại, tốn thời gian".

    Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh):

    Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: HD

    "Thông qua diễn đàn Quốc hội, các vị đại biểu đã thể hiện ý kiến cá nhân của mình, cũng như phản ánh được tâm tư của cử tri đến với Quốc hội. Nhiều ý kiến của đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Chính phủ tiếp thu.

    Ở kỳ họp này, thời gian chất vấn đã được kéo dài. Tôi ủng hộ điều này để các biểu có thể chất vấn sâu các vấn đề thực tiễn đặt ra, cũng như giúp các Bộ trưởng có thời gian để giải trình và trả lời hết các ý kiến chất vấn. Tại các phiên chất vấn, các đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh đã tích cực trao đổi với các Bộ trưởng về các vấn đề mà cử tri TP quan tâm. Chúng tôi đã nhận được ý kiến phản hồi của các Bộ trưởng, nhiều vấn đề được trả lời xác đáng nhưng có nhiều vấn đề chưa có câu trả lời thỏa đáng, chưa đáp ứng yêu cầu mà các đại biểu Quốc hội đặt ra.

    Các Bộ trưởng trực tiếp trả lời chất vấn sẽ thấy được trách nhiệm của mình và nhận biết người dân cũng như Quốc hội đang trông chờ gì ở họ. Tôi cũng ủng hộ việc giới hạn phạm vi của từng lĩnh vực được chất vấn. Có như thế thì mới có thể chất vấn sâu, trao đổi được nhiều vấn đề ở lĩnh vực đó". 

    Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng):

    Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

    "Tôi nghĩ cử tri sẽ cảm thấy phấn khởi với những cải tiến của Quốc hội kỳ họp này, đặc biệt là phần tranh luận. Nó mang tới một không khí dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, tinh thần xây dựng cao. Đây là tín hiệu cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả hơn.

    Nếu còn thời gian thì thậm chí còn có thể chất vấn và tranh luận tiếp. Tuy nhiên, chương trình kì họp rất nhiều vấn đề nên không dễ gì để có thể bố trí thêm một buổi dành cho chất vấn và trả lời chất vấn".

    Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng):

    Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

    "Với tư cách là một đại biểu Quốc hội nhiều năm tham gia nghị trường, tôi thấy chất lượng chất vấn của Quốc hội ngày càng được nâng cao. Đây là kì họp giữa kì, giữa năm để xem xét các vấn đề của năm 2016 và 5 tháng của năm 2017 nhưng chất vấn của các đại biểu và phần trả lời của các Bộ trưởng và các Phó Thủ tướng không chỉ giới hạn trong khoảng thời gian này mà trải dài, lùi lại cả những năm trước đó, giúp cử tri có cái nhìn tổng quát về vấn đề.

    Chẳng hạn, một vấn đề luôn được các đại biểu đặt ra là nông nghiệp. Chúng ta thấy câu chuyện giải cứu đàn lợn đã được đặt ra cả với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Công Thương, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Cũng một vấn đề nhưng các đại biểu Quốc hội luôn có sự quan tâm ở các góc khác nhau, yêu cầu Chính phủ có cái nhìn ở những góc cạnh khác nhau. Với mỗi góc độ thì các Bộ trưởng cũng như Phó Thủ tướng đều trả lời với tầm nhìn khác nhau, giúp chúng ta có cái nhìn hoàn chỉnh về bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Tôi đánh giá phiên chất vấn lần này đã thành công".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cac-dai-bieu-hai-long-voi-nhung-cai-tien-tai-ky-hop-quoc-hoi-a193981.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan