+Aa-
    Zalo

    Hành trình 11 năm vươn tầm quốc tế của ĐH Đại Nam

    ĐS&PL Từ những ngày đầu thành lập, Trường ĐH Đại Nam đã chú trọng phát triển hoạt động hợp tác đào tạo quốc tế.

    “Hợp tác đào tạo quốc tế đem lại rất nhiều cơ hội để quảng bá thương hiệu; trao đổi học thuật, giảng viên, sinh viên; mở rộng chương trình, hình thức đào tạo; thu hút tài trợ… giúp các trường đại học Việt Nam khẳng định uy tín, thương hiệu và vươn mình ra thế giới. Đây chính là lý do ngay từ những ngày đầu thành lập, Trường ĐH Đại Nam đã chú trọng phát triển hoạt động này. Cùng với triết lý giáo dục hiện đại, hướng đi đúng đắn… hoạt động hợp tác đào tạo quốc tế đã đưa thương hiệu ĐH Đại Nam lớn mạnh, vươn tầm quốc tế” Ths. Nguyễn Việt Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam chia sẻ.

    Bước đệm để vươn ra ngoài lãnh thổ

    Chia sẻ về vấn đề này, Ths. Nguyễn Việt Anh cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, hoạt động hợp tác đào tạo quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển của các trường đại học. Thông qua các chương trình liên kết đào tạo, hội thảo khoa học, giao lưu học thuật, trao đổi giảng viên - sinh viên, kêu gọi vốn đầu tư…, chất lượng đào tạo của các trường đại học Việt Nam ngày càng được nâng cao và có nhiều cơ hội phát triển.


    “Hợp tác đào tạo quốc tế giúp các trường đại học nói chung và ĐH Đại Nam nói riêng kịp thời chuyển giao công nghệ đào tạo, cập nhật và ứng dụng hiệu quả các chương trình đào tạo tiên tiến; đội ngũ quản lý và CBGV được tiếp cận với các mô hình quản lý giáo dục, phương pháp giảng dạy hiện đại; sinh viên được học tập trong môi trường chuyên nghiệp, có cơ hội du học và việc làm rộng mở… Đây là một trong những bước đệm vô cùng quan trọng cho các trường đại học Việt Nam khẳng định uy tín, thương hiệu và vươn tầm quốc tế” Ths Việt Anh khẳng định.

    Cũng theo Ths. Nguyễn Việt Anh, hoạt động liên kết đào tạo quốc tế còn là “kênh” để các trường thu hút nguồn nhân lực, tài chính và trí tuệ từ nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, để tận dụng và phát huy hết những lợi thế của hoạt động này, các trường đại học cần phải có sự đầu tư nghiêm túc, có hướng phát triển đúng đắn để đạt đến mục tiêu phát triển toàn diện, trở thành cơ sở giáo dục uy tín được xã hội tín nhiệm cao.

    Hành trình vươn tầm quốc tế của ĐH Đại Nam

    Nói về những thử thách của hoạt động hợp tác đào tạo quốc tế trong giai đoạn hiện nay, Ths. Việt Anh nêu rõ, trình độ ngoại ngữ, tính khả thi của các chương trình đào tạo liên kết, sự cạnh tranh giữa các trường đại học là 3 vấn đề cốt lõi các trường đại học phải nỗ lực vượt qua để hoạt động hợp tác đào tạo quốc tế có hiệu quả.

    Trong hành trình 11 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Đại Nam luôn chú trọng phát triển hoạt động hợp tác quốc tế và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trong hoạt động đào tạo, Nhà trường đã có chương trình học chuyển tiếp đến 2 quốc gia là Đài Loan và Hà Lan. Theo đó, những sinh viên xuất sắc sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm tốt, thậm chí có thể ở lại để làm việc và tiếp tục học tập, nghiên cứu (nếu có nhu cầu).

    Chia về hoạt động liên kết đào tạo quốc tế của Trường ĐH Đại Nam, Ths. Nguyễn Việt Anh cho biết, Nhà trường đã tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế mang tầm vĩ mô, có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng, xã hội, như: Hội thảo khoa học “Một số giải pháp nhằm phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện hiện nay” (năm 2012); Hội thảo quốc tế “Đảm bảo tiến triển kinh tế nhanh chóng, toàn diện và bền vững tại các nền kinh tế mới nổi” (năm 2016) thu hút 47 diễn giả đến từ 17 quốc gia trên thế giới; Hội thảo quốc tế “Điều dưỡng và chăm sóc người lớn tuổi tại Việt Nam, bài học từ Nhật Bản” (năm 2017) thu hút gần 100 tổ chức, cá nhân đến từ các trường đại học, Bệnh viện và cơ sở đào tạo điều dưỡng trong cả nước.

    Về hoạt động thu hút nguồn lực nước ngoài, Trường ĐH Đại Nam cũng gặt hát được rất nhiều thành tựu đáng khích lệ. Năm 2017, Nhà trường được Hiệp hội JLAN – Nhật Bản tài trợ học bổng với tổng giá trị lên đến 500 triệu. Năm 2018, Nhà trường tiếp tục thu hút được nguồn tài trợ 500.000 Yên Nhật từ tổ chức Hỗ trợ nguồn nhân lực Châu Á (AJK) để phục vụ công tác đào tạo tiếng Nhật. Về hoạt động thu hút sinh viên nước ngoài, tính đến năm 2018, ĐH Đại Nam đã có gần 200 sinh viên Lào và Campuchia theo học…

    “Hoạt động hợp tác đào tạo quốc tế không chỉ giúp giảng viên, sinh viên có cơ hội giao lưu học thuật với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, trao đổi văn hóa trong bối cảnh hội nhập toàn cầu mà còn là dịp để giảng viên và sinh viên thể hiện trách nhiệm của mình trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh về giáo dục và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Tôi tin tưởng rằng, với những thành tựu đã đạt được Thày và trò ĐH Đại Nam sẽ tiếp tục có những bước đi vững chắc và trưởng thành hơn trong tương lai…”, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Việt Anh cho biết.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-trinh-11-nam-vuon-tam-quoc-te-cua-dh-dai-nam-a248225.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan