Hành trình 2 ngày đêm theo chân các ông bố bà mẹ đi học “nghề làm cha mẹ”


Chủ nhật, 13/10/2019 | 08:23


Có bao nhiêu ông bố bà mẹ đang loay hoay tìm kiếm phương pháp giáo dục con sao cho tốt nhất. Có bao nhiêu người đã tự trang bị đầy đủ kỹ năng trước khi trở thành....

Có bao nhiêu ông bố bà mẹ đang loay hoay tìm kiếm phương pháp giáo dục con sao cho tốt nhất. Có bao nhiêu người đã tự trang bị đầy đủ kỹ năng trước khi trở thành những ông bố bà mẹ. Có bao nhiêu người hiểu rằng việc nuôi dạy con cái của chúng ta đang hoàn toàn theo bản năng... Dường như có một nghề mà không phải ai cũng biết. Đó là nghề làm cha mẹ!

Hành trình “lột xác”

Tôi có cơ duyên khi biết đến thầy Trần Quốc Phúc và học viện Richser qua tìm hiểu những khóa học online về phương pháp dạy con của thầy trên Youtube và đó là động lực để tôi quyết tâm có mặt tại đây cùng hàng trăm ông bố bà mẹ trẻ thực hành về một nghề vô cùng cao quý: Nghề làm cha mẹ!

Dù lớp học không được ngồi bàn ghế và dưới cái nắng oi nhưng các ông bố bà mẹ trẻ vẫn rất hào hứng. 

Có mặt lúc 5h sáng, tôi cùng các ông bố bà mẹ theo đoàn xe của học viện Richser đến địa điểm của chương trình học “Bí quyết trở thành huấn luyện viên cho con” tại một resort khá đẹp, yên bình và không khí cực kỳ trong lành tại Ba Vì.

Chúng tôi, từ những con người xa lạ hội ngộ từ nhiều nơi, đa số học viên đều sinh sống ở Hà Nội nhưng có những người tận Nha Trang, Hà Tĩnh, hay Phú Thọ, Bắc Ninh cũng lặn lội vượt đường sá xa xôi với một quyết tâm, sẽ trở thành những huấn luyện viên, những người thầy thực thụ của con mình. Và rất may mắn, chúng tôi là những học viên đầu tiên của khóa học được thầy tổ chức lần đầu tại Hà Nội.

Những bài học thực hành xử lý tình huống khi người lớn phán xét trẻ được các cha mẹ áp dụng ngay tại lớp.

Sẽ rất nhiều người cho rằng việc đi học này là rất ngớ ngẩn, mất thời gian. Bản thân tôi cũng bị chồng phản đối, vì anh cho rằng, dù tôi có đi học cũng không thay đổi được gì. Anh nói: “Cha mẹ chúng ta ít học cũng dạy chúng ta nên người đó thôi”. Có lẽ vậy, vì cha mẹ chúng ta không hiểu biết nhiều nên phần đa cuộc đời chúng ta phải tự mò mẫm khôn lớn, trưởng thành. Cũng vì cha mẹ chúng ta không hiểu biết nên nhiều người để lại những thương tổn trong lòng chúng ta mãi chẳng bao giờ lành... Đó là lý do dù bị chồng ngăn cản, tôi vẫn quyết tâm đi.

Giây phút các cha mẹ chia sẻ cho nhau nghe những bài học đã được rút ra và sẽ áp dụng sau khoá học. 

Chúng tôi có mặt tại địa điểm học là lúc 8h sáng, tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng cho buổi học. Dường như ai cũng hào hứng. Và rất đặc biệt, cái cách mà thầy cho chúng tôi học có lẽ từ trước tới giờ  chưa ai từng được trải nghiệm. Không ghế, không bàn, hàng trăm con người ngồi dưới tán cây, cả thầy và trò còn có lúc chịu cả cái nắng nhưng chúng tôi vẫn rất nhiệt huyết. Thầy nói: “Vì sao tôi cho anh chị học như thế này là để phá vỡ những gì được gọi là thói quen, quy củ trước đây của anh chị. Thậm chí có lúc phải chịu khổ cực, chịu hành xác và đau đớn để học. Vì trước tiên các anh chị muốn thay đổi thì phải thoát ra khỏi những vùng an toàn cũ thì mới có thể bắt đầu tiếp nhận những cái mới”.

Bạn Trần Nhật Linh thực hành đọc bản tuyên bố cha mẹ xuất chúng. 

Có lẽ, đây là khóa học đầu tiên và nghiêm túc nhất không chỉ của riêng tôi mà có lẽ của rất nhiều ông bố bà mẹ. Và thực sự, chỉ khi có mặt tại đây, được nghe thầy truyền đạt bản thân tôi cũng như rất nhiều cha mẹ mới ngã ngửa và thấu hiểu những khiếm khuyết còn tồn tại trong việc nuôi dạy con.

Có rất nhiều bài học quý giá mà tôi đã rút ra, đó là bài học về sự kết nối, bài học về lòng biết ơn, xin lỗi, bài học về đãi cát tìm vàng hay như nguyên tắc 3s và sâu sắc nhất là bài học về No pain No gain…

Đặc biệt hơn đó là trải nghiệm mà chắc tôi sẽ không bao giờ quên. Chỉ một bữa cơm trưa thôi nhưng tôi tin với chúng tôi đây là bữa cơm ngon nhất. Bạn sẽ làm gì khi hai tay của bạn bị trói với tay người bên cạnh và không được tự gắp thức ăn cho mình mà chỉ được phép gắp cho người ngồi bên? Đã bao giờ bạn tự hỏi những gì bạn làm có khiến người bên cạnh hài lòng? Đã bao lâu rồi bạn không chăm sóc được cho cha mẹ của mình? Đã bao lâu rồi bạn hỏi, liệu con bạn có thích ăn những gì bạn nấu?... Với tôi, đó là bữa cơm của sự sám hối, đúng như thầy nói - “bữa cơm thiên đàng”.  

Nhiều bà mẹ trẻ xúc động sau khi ăn “bữa cơm thiên đàng”. 

Thêm một trải nghiệm khá thú vị nữa là vào lúc 9h đêm, chúng tôi thực hành bài tập viết thư cho con mình, cho người chồng/người vợ của mình. Viết ra hết những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Viết ra những ước mong mà mình chưa thực hiện được và viết ra những khiếm khuyết bấy lâu nay tồn tại trong con người mình. Thực sự đây là giây phút mà tôi như được tìm về chính mình. Được sống dậy với khát khao yêu thương, khát khao thành công và hạnh phúc.

Nhưng trải nghiệm sâu sắc hơn cả đó là hành trình chúng tôi bịt mắt, nắm tay nhau lên núi trong đêm tối mù mịt. Tôi hiểu rõ đây là bài học quý giá, bài học về vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình. Bởi muốn thay đổi chỉ có cách duy nhất là bạn phải vượt qua được chính mình, vượt qua những nỗi sợ đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta về một bóng tối vô hình. Hành trình này chúng tôi gọi là “lột xác”!

Buổi học kết thúc lúc 5h sáng! Và chúng tôi chào đón bình minh bằng một con người hoàn toàn mới!

Trải nghiệm của học viên

Chia sẻ về những trải nghiệm tại khóa học, chị Thanh Thúy- Hà Nam trải lòng: “Mặc dù chỉ hai ngày thôi, được đồng hành cùng thầy và mọi người nhưng thực sự cái cách mà thầy truyền cảm hứng, cái cách thầy giúp từng học viên nhận ra được bản ngã của chính mình, cái cách mà thầy kết nối chúng tôi lại gần nhau từ những con người xa lạ đối với tôi nó như  một phép màu nhiệm. Cảm ơn thầy Phúc đã sinh ra tôi lần thứ hai”.

Khoảnh khắc các học viên thiền thư giãn tâm trí. 

“Thực sự gặp được thầy Phúc đối với em là một may mắn quá lớn. Trước đó gần như vợ chồng em đã mất kết nối với nhau, thậm chí cả với con. Nhưng may mắn, nhờ áp dụng bài học tại khóa học Bí quyết dạy con xuất chúng trước đó giờ đây vợ chồng em đã kết nối lại được với nhau trước nguy cơ của sự tan vỡ”, chị Hà Linh – Hà Nội cho biết.

Chị Thu Trang chia sẻ: “Trước đây tôi vẫn luôn quan niệm một điều, con là cục nợ. Và nhờ khóa học này của thầy Phúc tôi học được bài học phải biết làm gương cho con. Tôi vẫn còn rất nhớ có một lần khi con làm sai tôi đã quát mắng và chỉ tay vào mặt con. Khi đó mặc dù con trai tôi mới 3 tuổi, và con đã có phản ứng: Thế mẹ chống tay và chỉ vào mặt con thế này là thế nào hả mẹ? Ngay giây phút đó tôi biết mình đã sai nhưng tôi đã không biết cách để ngồi lại và giảng giải cho con hiểu. Đây cũng là bài học cho tôi mãi không thể quên, bởi thực tế con chỉ nhìn cách chúng ta làm và làm theo. Thực sự, rất cảm ơn thầy Phúc”.

Chị Nguyễn Thùy Linh cũng cho biết: “Mình thực sự thấy biết ơn thầy Phúc, dù chỉ 2 ngày được trải nghiệm thôi nhưng mình học được rất nhiều điều quý giá từ thầy. Bài học đầu tiên mà mình có thể áp dụng đó là bài học về sự thay đổi ở bản thân mình. Bài học thứ hai là bài học về việc ngừng phán xét con. Thay vào đó, chúng ta hãy trao cho con tình  yêu thương, niềm tin, và gieo vào tiềm thức con những điều tốt đẹp nhất. Qua đây, tôi cũng muốn chia sẻ với những ai chưa đầu tư nghiêm túc, bài bản để trang bị kiến thức nuôi dạy con mình là một thiếu sót rất lớn. Bởi thực tế, chúng ta đang là những bản sao hoàn chỉnh của chính ông bà, cha mẹ chúng ta để lại”.

Tiến sĩ, Kỷ lục gia Trần Quốc Phúc đã dành hơn 10 năm nghiên cứu và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục con trẻ. 

 “Đọc 10 cuốn sách không bằng 1 ngày đi học. Cảm ơn thầy Phúc đã cho em trải nghiệm sâu sắc hơn về một nghề cao quý, nghề làm cha mẹ. Cảm ơn câu nói của thầy, chúng ta phải cảm ơn các con vì đã có mặt ở đây để chúng ta có cơ hội được làm cha làm mẹ”, anh Nguyễn Văn Thắng – Bỉm Sơn, Thanh Hóa bộc bạch.

Chia sẻ tại buổi học, thầy Trần Quốc Phúc cho biết: “Hôm nay, tôi đứng đây, với sứ mệnh truyền đạt nhiều hơn nữa kiến thức mà mình có nhằm giúp các anh chị có thể nuôi dạy con một cách tốt nhất. Và tôi mong rằng, sau khóa học, ngày mai các anh chị trở  về nhà sẽ là những con người hoàn toàn mới, tràn đầy yêu thương, tràn đầy năng lượng tích cực để đồng hành cùng con và tạo nên một thế hệ giàu có và nhân ái”.

Cuộc sống hiện đại cuốn chúng ta đi quá nhiều, khiến chúng ta mải mê với cơm áo gạo tiền mà đôi khi ta quên rằng, con cái mới chính là tài sản vô giá mà chúng ta cần vun trồng mỗi ngày. Để đứa trẻ có thể phát triển một cách toàn diện, cha mẹ phải là người đồng hành cùng con, thấu hiểu tâm lý và định hướng cho con. Đặc biệt, chúng ta đừng phán xét con, mà hãy cho con có cơ hội được sai. Bởi chúng ta không có quyền tước đi sự trưởng thành của con trẻ! 

Quỳnh Nga

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-trinh-2-ngay-dem-theo-chan-cac-ong-bo-ba-me-di-hoc-nghe-lam-cha-me-a296702.html