Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe sinh sản ở phụ nữ


Thứ 6, 20/10/2017 | 07:05


Đối với Nữ giới việc hút thuốc lá khiến cho việc thụ thai diễn ra lâu hơn và việc mang thai tự nhiên trở nên khó khăn hơn. Khi thụ thai thành công thì những đứa trẻ sinh

Đối với Nữ giới việc hút thuốc lá khiến cho việc thụ thai diễn ra lâu hơn và việc mang thai tự nhiên trở nên khó khăn hơn. Khi thụ thai thành công thì những đứa trẻ sinh ra có nguy cơ bị thiếu cân. Hút thuốc lá trước và trong thai kỳ còn làm tăng tỷ lệ sẩy thai, vì hút thuốc lá gia tăng nguy cơ xảy ra các biến đổi bất thường liên quan đến nhiễm sắc thể

Phụ nữ trực tiếp hút thuốc lá hay phải chịu cảnh hút thuốc lá thụ động nhiều năm liền do sống chung hay làm việc cùng với những người hút thuốc đều có những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản. Chất Nicotine có tác dụng ngăn cản hình thành lớp bảo vệ được gọi là lớp vỏ. Lớp này có tác dụng ngăn không cho các tinh trùng khác xâm nhập vào trứng sau khi đã có một tinh trùng xâm nhập vào trong trứng, ngăn ngừa tình trạng đa tinh trùng. Những phôi có nhiều tinh trùng này dễ bị chết trong qúa trình phát triển hoặc sẩy thai tự phát. Chính vì thế, hút thuốc gây tổn thương trực tiếp thậm chí phá huỷ noãn bào, do vậy gây vô sinh.

Hút thuốc ảnh hưởng lên sức khỏe sinh sản của phụ nữ bằng nhiều con đường. Hút thuốc làm giảm hàm lượng hormon sinh dục estrogen và một số hormon khác có liên quan đến chức năng sinh sản. Khả năng thụ thai ở phụ nữ hút thuốc thấp hơn 25% so với phụ nữ không hút thuốc vì các chất có trong khói thuốc lá có thể làm thay đổi thành phần môi trường ở vòi trứng, nơi diễn ra sự thụ thai.

Nếu hút thuốc trong thời kỳ mang thai thì nguy cơ bị sảy thai có thể cao hơn 10 lần so với phụ nữ không hút thuốc, nguyên nhân chính là do bào thai bị thiếu ôxy vì máu nuôi dưỡng bào thai có chứa nhiều khí CO từ khói thuốc lá do mẹ hút. Ngoài ra, bào thai bị ngộ độc do các chất độc khác chứa trong khói thuốc.

Những đứa trẻ sinh ra từ những phụ nữ hút thuốc thường nhẹ cân hơn, và là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi ở các nước phát triển. Một công trình nghiên cứu tại Hoa kỳ trên 13.000 trẻ em sinh ra từ những người mẹ nghiện thuốc lá (hút trên 10 điếu thuốc lá/ngày trong thời kỳ mang thai) thấy rằng, những trẻ em này có khả năng học tập kém hơn, đặc biệt là các môn tự nhiên so với những em khác. Các em này phát triển chậm 3- 5 tháng so với những em sinh ra từ những phụ nữ không hút thuốc.

Ở những người phụ nữ hút thuốc hay trước đó nghiện thuốc thường có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn những phụ nữ không bị ảnh hưởng khói thuốc lá. Xương giòn và trở nên dễ gãy, đặc biệt là khi bước vào tuổi mãn kinh. Hiện tượng mãn kinh xuất hiện sớm hơn so với phụ nữ không hút thuốc trung bình 1/2 năm, phụ nữ nghiện thuốc kết hợp với thể trạng gầy còm (lượng mỡ trong cơ thể đạt dưới ngưỡng sinh lý cần thiết) thì hàm lượng hormon sinh dục nữ estrogen có thể bị giảm rất trầm trọng, những phụ nữ này thường có những biểu hiện rối loạn chu kỳ kinh nguyệt như hiếm kinh, mất kinh.

Sự nguy hiểm của khói thuốc đối với sức khỏe phụ nữ thường không dễ thấy ngay mà tác hại của thuốc lá diễn ra rất âm thầm. Đối với nhiều phụ nữ mang thai, tác hại của thuốc lá thường có thể nhận thấy được khi trẻ được sinh ra vì vậy ngay từ hôm nay các bạn hãy từ bỏ thuốc lá để sức khỏe của các bạn sẽ dần dần được củng cố và tăng cường. Bỏ thuốc là một vấn đề khó khăn đối với nhiều người nghiện thuốc, tuy nhiên bạn hãy cố gắng làm điều đó vì một cuộc sống lành mạnh và vì tương lai của con bạn.

PV

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tac-hai-cua-thuoc-la-doi-voi-suc-khoe-sinh-san-o-phu-nu-a213763.html