Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh


Thứ 4, 12/02/2020 | 12:34


Theo Luật sư Đào Sơn - Công ty Luật Trí Nam hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC là loại hợp đồng hữu ích cho nhà đầu tư trong việc đầu tư kinh doanh mà không thành lập...

Theo Luật sư Đào Sơn - Công ty Luật Trí Nam hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC là loại hợp đồng hữu ích cho nhà đầu tư trong việc đầu tư kinh doanh mà không thành lập công ty mới. Việc soạn thảo hợp đồng BCC hợp pháp giúp đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và phòng tránh tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng.

Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC có phải đăng ký không?

Hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC là một hình thức đầu tư được Luật đầu tư 2014 quy định trực tiếp theo đó nhà đầu tư chỉ phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư khi một bên trong BCC là nhà đầu tư nước ngoài theo Khoản 2 Điều 28. Đặc điểm pháp lý nổi bật này giúp cho hợp đồng BCC là phương thức đầu tư được sử dụng rất phổ biến trong hoạt động hợp tác đầu tư đặc biệt là việc góp vốn kinh doanh giữa các cá nhân đơn lẻ mà không tiến tới thành lập công ty. Khi soạn thảo hợp đồng nhà đầu tư lưu ý các điều kiện cần đáp ứng để hợp đồng phát sinh hiệu lực trên thực tế bao gồm:

Thứ nhất, theo khoản 9 Điều 3 Luật đầu tư 2014 quy định Hợp đồng hợp tác kinh doanh là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế nên không thể sử dụng kết hợp giữa việc thỏa thuận góp vốn vào một tổ chức đã tồn tại trong hợp đồng BCC. Với kinh nghiệm triển khai Dịch vụ thành lập công ty tại Hà Nội Luật sư nhận thấy việc quản lý kinh doanh theo hợp đồng BCC không phải điều đơn giản, đặc biệt là trong việc quản lý tài chính dự án và thực hiện kế hoạch hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh giữa dự án và các đối tác thứ ba.


Thứ hai, nội dung hợp đồng phải có đủ các nội dung quy định tại Điều 29 Luật đầu tư 2014 trong đó không hạn chế nội dung thỏa thuận được phép ghi nhận tại hợp đồng BCC miễn không trái quy định pháp luật.

Thứ ba, khi một trong các bên BCC là nhà đầu tư nước ngoài, hoặc chuyển đổi từ công ty Việt Nam thành công ty vốn nước ngoài thì hợp đồng BCC phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Việc không hoàn thành thủ tục đăng ký đầu tư sẽ làm vô hiệu hợp đồng về mặt hình thức theo quy định của Bộ luật dân sự 2015. Quy định này cũng là vấn đề pháp lý cần lưu ý khi nhà đầu tư nước ngoài quyết định thành lập công ty vốn nước ngoài để kinh doanh hay đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Thứ tư, hợp đồng phải được lập thành văn bản, không bắt buộc phải công chứng và được ký kết dựa trên tinh thần tự nguyện, không bị cưỡng ép, lừa dối bởi các nhà đầu tư tham gia BCC.

Thỏa thuận phạt hợp đồng trong hợp tác kinh doanh theo hợp đồng

Quy định phạt không quá 8% tổng giá trị hợp đồng bị vi phạm của Luật thương mại 2005 là kiến thức pháp lý phổ thông trong việc giao kết hợp đồng kinh tế mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng biết. Vậy thỏa thuận phạt hợp đồng trong hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC có áp dụng theo quy định này không, hay được áp dụng tùy nghi theo thỏa thuận của các nhà đầu tư? Trả lời câu hỏi này Luật sư Đào Sơn – Công ty Luật Trí Nam xin đưa ra quy định pháp luật hiện hành để hướng dẫn cách áp dụng trên thực tế.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 28 Luật đầu tư 2014 quy định “1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự...” Như vậy trong hợp đồng BCC điều khoản phạt hợp đồng sẽ được áp dụng như sau:

Thứ nhất, đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh chỉ bao gồm sự tham gia của nhà đầu tư trong nước thì các bên được quyền tùy nghi thỏa thuận mức phạt hợp đồng, bởi khoản 2 Điều 418 Bộ luật dân sự 2015 quy định rất rõ “...2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác...” . Khi soạn thảo hợp đồng nhà đầu tư cần lưu ý đừng xây dựng căn cứ pháp lý theo một số mẫu không chuẩn xác trên mạng sẽ khiến phát sinh việc xung đột pháp luật, đơn cử như một hợp đồng ghi nhận phần căn cứ pháp lý có bao gồm căn cứ luật thương mại 2005. Khi đó dù áp dụng theo khoản 2 Điều 418 Bộ luật dân sự 2015 đã nói thì mức phạt hợp đồng vẫn phải chấp hành theo thỏa thuận phạt vi phạm mà luật thương mại 2005 đã hạn chế.

Thứ hai, đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Trường hợp này hợp đồng BCC chỉ có hiệu lực khi đã hoàn thành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo hợp đồng BCC. Điều khoản phạt hợp đồng trong trường hợp này chỉ áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 nếu các bên có thỏa thuận, trường hợp còn lại sẽ áp dụng theo quy định của luật thương mại 2005.

Khó khăn trong giải quyết tranh chấp hợp đồng BCC

Trong thực tế đảm nhận vai trò luật sư bào chữa trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam và Tòa án nhân dân các cấp Luật sư Đào Sơn chia sẻ ba khó khăn lớn nhất trong việc giải quyết tranh chấp của loại hợp đồng này bao gồm: Một là khó khăn trong việc xác định nghĩa vụ của các bên trong BCC trước một khoản nợ đến hạn; Hai là khó khăn trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu rút vốn của một bên BCC; và Ba là yêu cầu bên vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng BCC thực hiện đúng cam kết trong quản lý, điều hành dự án. Đây cũng là ba vấn đề các nhà đầu tư nên thỏa thuận chi tiết, rõ ràng trong giai đoạn đàm phán hợp đồng để hạn chế phát sinh tranh chấp khi thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Thu Hà

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kinh-nghiem-giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-hop-tac-kinh-doanh-a311308.html