+Aa-
    Zalo

    Tác giả “Đi qua hai mùa dịch” chia sẻ về thói quen du lịch mới

    ĐS&PL “Thị trường du lịch quốc tế đóng băng, nội địa mới hồi phục chưa lâu giờ lại có nguy cơ đứt gãy kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế. Chúng ta thì vẫn muốn du lịch....

    “Thị trường du lịch quốc tế đóng băng, nội địa mới hồi phục chưa lâu giờ lại có nguy cơ đứt gãy kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế. Chúng ta thì vẫn muốn du lịch giải tỏa căng thẳng, qua đó phát triển kinh tế. Vậy tại sao chúng ta không tạo lập một thói quen du lịch mới?”

    Dy Khoa là tác giả của cuốn sách “Đi qua hai mùa dịch” tạo được tiếng vang khi kể về hai lần trải nghiệm với đại dịch cúm A/H1N1 và COVID; góp phần lan tỏa thông điệp tích cực vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Anh còn là một travel storyteller (người kể chuyện du lịch) được yêu thích bởi góc nhìn khác biệt trong các chuyến đi.

    Trong bối cảnh ngành du lịch đang dần “ấm lên” sau cơn bão kép Covid-19, Dy Khoa đã có bài viết chia sẻ về việc tạo lập thói quen “đi dựa trên các trụ cột an toàn”. Chúng tôi trích nguyên văn bài viết để độc giả hiểu hơn về quan điểm du lịch trong trạng thái bình thường mới của tác giả “Đi qua hai mùa dịch” (Tít phụ do báo đặt để phù hợp với nội dung bài viết).

    Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà hàng loạt ngành nghề gần như đứt gãy, tạo gánh nặng về kinh tế đến các nhân sự liên quan. Đặc biệt là nhóm ngành hàng không, lữ hành, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng - vui chơi...

    Trong “Đi qua hai mùa dịch”, tôi từng nhắc đến mỗi người nên có một thói quen để đào thải tiêu cực, gia tăng năng lượng tích cực. Thói quen hay sở thích của tôi chính là du lịch. Tôi vẫn sẽ du lịch nhưng dĩ nhiên cần có nhiều điều phải thay đổi so với lúc bình thường. Tôi tạm gọi đó là "thói quen du lịch mới".

    Thói quen du lịch mới trước hết cần phải hình thành trên các trụ cột an toàn bao gồm: Lựa chọn điểm đến thích hợp; lắng nghe sức khỏe bản thân và có kiến thức đúng – đủ về phòng tránh bệnh.

    Chọn điểm đến an toàn

    Một trong những điều quan trọng đầu tiên là phải lựa chọn đúng điểm đến. Trong bối cảnh hiện nay, khi Covid-19 vẫn đang “rình rập”, chúng ta nên hướng tới những địa điểm chưa từng có các trường hợp nhiễm bệnh được công bố, bên cạnh tiêu chí đủ hấp dẫn để trải nghiệm. Ở phía Bắc, có thể kể đến Sa Pa – nơi dường như đã “miễn nhiễm với Covid”. Đến thị trấn trong sương mùa này, bạn có thể ngắm biển mây trên đỉnh Fansipan hoặc lang thang trên những làng bản bình yên sau mùa lúa chín.

    Quảng Ninh với vịnh di sản Hạ Long, vịnh Lan Hạ, cảng tàu quốc tế, khu tổ hợp Sun World Halong Complex… cũng là một lựa chọn không tồi ở thời điểm hiện tại.

    Ở phía Nam, Tây Ninh với Tòa Thánh, Núi Bà Đen hay Phú Quốc với biển xanh, cát trắng… chắc chắn cũng là những điểm đến hấp dẫn không nên bị bỏ qua.

    Ngoài ra, chúng ta cũng có thể chọn các điểm đến đã qua nhiều ngày không có ca nhiễm mới như lên Đà Nẵng để tận hưởng cơ hội ngắm hoàng hôn trên Cầu Vàng, lang thang trong tiết thu Hà Nội, hoặc đơn giản chỉ làm một vòng quanh lòng thành phố Hồ Chí Minh thân thuộc.

    Tạo thói quen “phượt” cô đơn

    Trong bối cảnh hiện tại, các chuyến đi “phượt cô đơn” để trải nghiệm cuộc sống người bản địa lại trở thành gợi ý. Tuy nhiên, bạn cần chú ý phải luôn luôn cập nhật tin tức địa phương để không bỏ lỡ các thông tin quan trọng, có thể ảnh hưởng đến bạn. Ở Việt Nam, mỗi tỉnh thành đều có một tờ báo, một đài địa phương. Hoặc bạn nên chủ động liên hệ trung tâm hỗ trợ khách du lịch địa phương để hỏi thêm chi tiết có liên quan.

    Tập lắng nghe bản thân mình

    Bạn cũng cần phải thường xuyên chăm sóc sức khỏe và để tâm xem cơ thể mình như thế nào. Nếu cảm thấy uể oải, quá mệt mỏi hoặc nặng hơn là có sốt thì từ bỏ chuyến đi là sự lựa chọn đúng đắn.

    Khi sức khỏe ổn định thì hoàn toàn bạn có thể du lịch. Trong chuyến đi, cũng cần nghỉ ngơi hợp lý để tránh cơ thể bị yếu vì như vậy sẽ tạo điều kiện sinh bệnh hoặc các vi khuẩn, virus phát triển. Chú ý đến cả vệ sinh ăn uống, vệ sinh tay và đeo khẩu trang. Không tiếp xúc thông qua các cử chỉ thường lệ như bắt tay, ôm hôn xã giao hoặc từ chối gắp đồ ăn cho nhau.

    Ưu tiên phương tiện cá nhân

    Phương tiện di chuyển thì cân nhắc giữa phương tiện công cộng hoặc phương tiện cá nhân tùy theo điểm đến lựa chọn. Phương tiện cá nhân nên được ưu tiên vì hạn chế tiếp xúc nhiều người. Còn nếu di chuyển bằng tàu bay, xe khách, tàu hỏa thì tránh dùng tay chạm lên các vật dụng hoặc cần rửa tay ngay bằng dung dịch rửa tay.

    Chọn đúng nơi… ngủ

    Tiếp theo là phòng nghỉ hoặc khu nghỉ dưỡng. Bên cạnh chi phí, cần quan tâm đến các yếu tố phòng dịch như luồng thông gió, vệ sinh phun khử buồng phòng hoặc khuôn viên. Bạn nên chọn phòng có cửa sổ để tăng trao đổi khí với bên ngoài. Nếu đủ điều kiện và muốn trải nghiệm nhiều hơn, bạn cũng đừng bỏ qua những lựa chọn “sang xịn và đẳng cấp” như JW Marriott Phu Quoc, Hotel De La Coupole Sapa – Mgallery….

    Thói quen du lịch mới có thể sẽ rất khó với những ai đã quen ồn ào, tấp nập. Nhưng tạo lập thói quen du lịch mới mà được tận hưởng cơ hội tuyệt vời để lắng lòng mình với thiên nhiên, chìm đắm trong bản sắc thôn bản hay lang thang một mình trên đỉnh Fansipan mỗi khi chiều về…, chắc chắn đó là những trải nghiệm xứng đáng phải thử./.

    Dy Khoa

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tac-gia-di-qua-hai-mua-dich-chia-se-ve-thoi-quen-du-lich-moi-a344681.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan