+Aa-
    Zalo

    Chủ tịch xã qua đời vì nhiễm khuẩn whitmore khi cứu hộ mưa lũ, căn bệnh này nguy hiểm thế nào?

    • DSPL
    ĐS&PL Bệnh whitmore có thể nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng khu trú. Ở thể diễn biến tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong sau 48 giờ.

    Bệnh whitmore có thể nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng khu trú. Ở thể diễn biến tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong sau 48 giờ.

    Thông tin ông Phan Thanh Miên (51 tuổi, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) qua đời do nhiễm trùng nặng khi đi ứng cứu người dân trong mưa lũ khiến nhiều người vô cùng xót xa

    Các bác sĩ cho hay bệnh nhân bị bệnh whitmore, thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất và nước mặt bị ô nhiễm.

    Whitmore là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã bị lãng quên gần 1 thế kỷ nay. Cách đây 1-2 năm, bệnh được phát hiện ngày càng nhiều với các biến chứng nguy hiểm như sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Bệnh còn được đồn đoán là do vi khuẩn ăn thịt người gây nên.

    Ông Miên (phải) trong lúc cấp phát lương thực cho người dân, tháng 10/2020. (Ảnh: VnExpress)

    PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc bệnh viện Bạch Mai cho biết trên Gia đình & Xã hội, bệnh whitmore do trực khuẩn gram âm burkholderia pseudomallei gây nên (chưa có vaccine dự phòng). Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc bệnh nhân hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

    Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Người có sẵn các bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi mạn tính... dễ bị mắc whitmore.

    Khi xâm nhập vào cơ thể con người, vi khuẩn này có thể gây nhiễm khuẩn với các mức độ khác nhau: Nhiễm khuẩn tại chỗ (khu trú), nhiễm khuẩn toàn thân (nhiễm khuẩn huyết), sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.

    Những trường hợp tử vong thường do bệnh ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.

    Bệnh whitmore hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, bằng các loại kháng sinh đặc hiệu.

    Để phòng bệnh, mọi người cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc bùn nước, đặc biệt là những nơi ô nhiễm. Trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn. Khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn.

    Chia sẻ về những hệ lụy về sức khỏe người dân sau bão lũ, GS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng, bộ Y tế cho biết trên báo Giao Thông, sau bão lũ môi trường ô nhiễm, người dân phải đối mặt với nhiều bệnh lý truyền nhiễm; hơn nữa với những người nào vốn tiềm tàng bệnh lý mạn tính thì nguy cơ tăng nặng bệnh là rất cao.

    Việt Hương (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-tich-xa-qua-doi-vi-nhiem-khuan-whitmore-khi-cuu-ho-mua-lu-can-benh-nay-nguy-hiem-the-nao-a345944.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan