+Aa-
    Zalo

    Chuyện đời đặc biệt của phạm nhân tình nguyện hiến xác cho y học

    • DSPL
    ĐS&PL Thụ án hơn 14 năm về tội Lừa đảo và chiếm đoạt tài sản, Trần Hồng Chương (SN 1972) trú tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) không ngừng dằn vặt về hành vi sai trái của mình. Để chuộc một phần tội lỗi gây ra, Chương đã tình nguyện hiến thi thể mình cho y học sau khi chết.

    (ĐS&PL) - Vì muốn có tiền để mở rộng thị trường và phát triển công ty, Trần Hồng Chương quyết định tham gia vào đường dây tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép. Chỉ một thời gian ngắn, số tiền lợi nhuận hắn thu được từ việc làm bất hợp pháp lên tới hàng trăm ngàn USD…. Và, 24 năm tù là cái giá hắn phải trả cho lỗi lầm đã gây ra.

    Thụ án hơn 14 năm về tội Lừa đảo và chiếm đoạt tài sản, Trần Hồng Chương (SN 1972) trú tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) không ngừng dằn vặt về hành vi sai trái của mình. Để chuộc một phần tội lỗi gây ra, Chương đã tình nguyện hiến thi thể mình cho y học sau khi chết.

    Hành trình sa ngã của một trí thức

    Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, Trần Hồng Chương tự hun đúc cho mình đức tính cần cù, chịu khó. Hàng ngày, ngoài giờ đi học Chương tranh thủ phụ giúp bố mẹ việc đồng áng và chăm sóc em nhỏ. Hồi đó, Chương là thần tượng của nhiều thanh niên vùng đất nghèo hiếu học Can Lộc (Hà Tĩnh), khi một lúc rinh về 3 tờ giấy báo đậu Đại học.

    Chương quyết định theo học Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Sau 4 năm đèn sách, Chương tốt nghiệp bằng loại giỏi và được nhận vào làm việc tại Trung tâm Thông tin của một Bộ lớn ở Hà Nội. Bằng sự thông minh, cần cù và sáng tạo, Chương đã xây dựng và đưa vào sử dụng thành công vài dự án mang tên “Văn phòng điện tử” cho một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

     Chân dung Trần Hồng Chương

    Vì muốn làm giàu trên chính quê hương của mình, Chương quyết định về Hà Tĩnh đầu tư vào dự án điện tử “Tiềm năng và cơ hội đầu tư khu vực miền Trung”. Sau đó, Chương thành lập công ty riêng. Chưa đầy hai tháng, Chương đã có được một ngân hàng dữ liệu đầy đủ về cảng Vũng Áng, mỏ sắt Thạch Khê, bãi biển Thiên Cầm, cửa khẩu Cầu Treo. Chương cũng tận dụng cơ hội này, giới thiệu và chào hàng các sản phẩm đặc sản quê hương lên trên trang tin điện tử của mình.

    Thành công ngoài mong đợi, các nhà đầu tư, khách hàng tìm đến ngày càng nhiều. Để mở rộng thị trường hoạt động của công ty, Chương chạy đôn chạy đáo tìm nguồn đầu tư. Và, đó cũng chính là bước ngoặt khiến cuộc đời Chương rẽ sang một ngả khác, khi hắn tham gia vào đường dây đưa người lao động ra nước ngoài trái phép.

    Kể từ khi quyết định trực tiếp tham gia vào đường dây tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài bất hợp pháp, Chương cho nhân viên công ty tỏa đi khắp các tỉnh thành, thiết lập “chân rết”. Từ Hà Tây, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…, đâu đâu Chương cũng cắm “cò” xuất khẩu lao động.

    Ban đầu, số người được công ty của Chương đưa ra nước ngoài theo diện thăm thân, du lịch chỉ vài chục. Mỗi người, khi sang đến nước bạn, sẽ phải nộp phí môi giới cho Chương từ vài trăm đến vài ngàn đô la. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, số tiền lợi nhuận Chương thu được từ việc làm bất hợp pháp này lên tới hàng trăm ngàn USD.

    Khi đã thực hiện trót lọt vài vụ như thế, uy tín của Chương ngày một lên cao, phí “môi giới” cũng theo đó tăng dần. Chương thiết lập một hệ thống nhà ở phục vụ cho việc đưa đón khách nghỉ ngơi giống như các trạm trung chuyển, vừa thuận lợi, an toàn, vừa tiết kiệm chi phí. Sau khi đã hoàn chỉnh các giấy tờ giả, từ hộ chiếu công vụ đến công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chương đưa người sang Campuchia hoặc Thái Lan cho một bộ phận khác của đường dây, rồi đưa người lao động đến Đông Âu, Nga, Australia, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc…

    Năm 1998, đường dây tổ chức đưa người đi nước ngoài bị vỡ lở, cũng là khi những “đồng minh” của hắn ôm tiền cao chạy xa bay. Những người không xuất ngoại được đã đến tìm Chương đòi lại số tiền đã mất. Khi số tiền 1,4 tỷ đồng không có khả năng thanh toán, cơ quan điều tra vào cuộc, Chương đã bị kết án 24 năm tù giam về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”

    Tình nguyện hiến xác cho y học

    Thời gian Chương “nhập trại” (trại số 3, đóng tại huyện Tân Kỳ), cũng là khi Ban Giám thị trại giam có ý định thành lập một đội văn nghệ phạm nhân, để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho những người đã một thời lầm lỗi. Vốn có năng khiếu và kiến thức, lại đúng chuyên ngành nên Trần Hồng Chương được tin tưởng giao trọng trách xây dựng phong trào. Từ đó đến nay, Chương luôn là trụ cột không thể thiếu và phụ trách tất cả các khâu dàn dựng, biểu diễn và dẫn chương trình.

    Đặc biệt, phần lớn các tiếu mục văn nghệ của đội đều do Chương tự sáng tác và dàn dựng. Những đứa con tinh thần của Chương luôn thấm đẫm tình đời, tình người và khát vọng hướng thiện. Ca khúc “khúc hát người lầm lỗi" do chính Trần Hồng Chương sáng tác và thể hiện đã giành được giải cao trong Hội thi “Tiếng hát tình đời”, được tổ chức tại Trại giam số 5 (Thanh Hóa) hồi tháng 7/2011.

     Trần Hồng Chương hướng dẫn các phạm nhân tập văn nghệ

    Hơn 14 năm ở trong chốn lao tù, bây giờ hắn đã là một con người khác, nhiều suy tư và già dặn hơn khi nghĩ chuyện đời, chuyện người. Điều Chương cảm thấy day dứt nhất là, vì tham vọng của hắn mà vợ con phải chịu thiệt thòi nhiều. Vợ hắn, 14 năm qua vẫn vò võ chờ chồng. Thương vợ còn quá trẻ, Chương quyết định giải thoát cho vợ. Nhưng người phụ nữ đã cùng Chương quăng quật ở Sài Gòn để kiếm kế sinh nhai và nay lại về Hà Tĩnh để được thỉnh thoảng sang thăm gặp chồng, nhất quyết không chịu sự sắp xếp ấy. “Cô ấy vẫn ở vậy nuôi con, hy vọng là mình vẫn còn cơ hội để bù đắp cho vợ con”, Chương nói trong nước mắt

    Chương luôn cảm thấy ân hận vì hành vi tội lỗi của mình. Bởi, vì hắn mà bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh mất nhà cửa, gia đình li tán. Vì thế, Chương đã viết di chúc với tâm nguyện hiến thi thể của mình cho y học. "Tội lỗi của tôi quá lớn, bao nhiêu gia đình đã mất nhà cửa, hạnh phúc gia đình tan nát vì tôi. 14 năm ở tù chưa ngày nào tôi hết day dứt. Chỉ mong được hiến xác cho y học để bù đắp cho những lồi lầm đã qua và trả ơn cho đời", Trần Hồng Chương quả quyết.

    Tích cực cải tạo, Chương được ba lần giảm án với tổng cộng là 34 tháng tù. Đó là sự minh chứng cho sự hướng thiện cho con người lầm lỗi. Chương luôn tự hứa với bản thân mình, sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm về hòa nhập với cộng đồng và trở thành một con người có ích cho xã hội. Mong muốn của Chương là được bắt đầu lại cuộc đời mình với công việc kinh doanh và đầu tư vào ngành truyền thông.

    Muốn được xuất bản sách

    “Ước mơ lớn nhất của tôi là khi nào ra tù, tôi sẽ xuất bản một cuốn sách viết về những ngày tháng trong trại giam của tôi và những bạn tù, về sự giúp đỡ của Ban Giám thị và hội đồng cán bộ dành cho chúng tôi. Đó sẽ là lời tri ân mà tôi dành cho các cán bộ của Trại giam số 3, những người mà tôi coi như người thầy của mình, những người đã giúp tôi đứng dậy sau vấp ngã và đang trên đường hoàn lương” Trần Hồng Chương chia sẻ.

    Hà Khánh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-doi-dac-biet-cua-pham-nhan-tinh-nguyen-hien-xac-cho-y-hoc-a23327.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Thức tỉnh lương tâm, tù nhân trọng án trở thành ông chủ

    Thức tỉnh lương tâm, tù nhân trọng án trở thành ông chủ

    (ĐSPL) - Nói đến những hành động của gã trước khi mặc áo tù, nhiều người có thể khiếp sợ. Vậy mà sau khi đón nhận mức án chung thân, gã bỗng nhiên thức tỉnh tâm can. Được giảm án, trở về với cuộc sống đời thường, gã đã biết bước qua tội lỗi để vươn lên làm giàu. Sau 4 năm, gia tài lớn nhất của gã là một mái ấm gia đình hạnh phúc và căn nhà đầy đủ tiện nghi.