Bí mật chợ trời kiểu mới: Mua hàng đồng nát bán vàng mười


Thứ 4, 04/10/2017 | 04:28


Cùng sự kiện

Có rất nhiều người mưu sinh tại chợ trời theo kiểu “cha truyền con nối” để có vị trí làm ăn ổn định và sự giúp đỡ của người đi trước để tránh sự cạnh tranh từ “ma cũ”.

Có rất nhiều người mưu sinh tại chợ trời theo kiểu “cha truyền con nối”. Bởi, muốn có vị trí làm ăn ổn định, họ cần sự giúp đỡ của người đi trước để tránh sự cạnh tranh từ “ma cũ”. Công việc tự do, giá cả không theo khuôn khổ nhất định... đem đến cho người buôn bán những khoản lợi nhuận khó tin. Do vậy, khi trở thành ông chủ các gian hàng, không ai muốn bỏ nghề.

Cha truyền con nối

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, có những ông, bà chủ buôn hàng chợ trời đến nay đã là đời thứ ba, thứ tư. Họ được cha mẹ, lớp người đi trước truyền nghề. Họ không chỉ “nối nghiệp cha ông” mà còn duy trì, mở rộng gian hàng, địa điểm mới. Dân trong nghề chia sẻ, nghề buôn hàng chợ trời là nghề “mua đồng nát bán tiền vàng”, hên xui may rủi, khi đã bám nghề thì ít ai bỏ được.

Ông Vũ Văn V. (50 tuổi, bán hàng chợ trời tại quận 1, TP.HCM) cho hay, gia đình ông hành nghề này đã nhiều năm nay. Trước đây, cha ông từng buôn bán quần áo tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh). Sau này, công việc làm ăn trì trệ, cha ông đành phải bỏ nghề. Vốn có máu buôn bán, ông cụ chuyển qua nghề buôn bán hàng cũ từ các vựa ve chai. Cụ lọc ra những vật dụng còn sử dụng được, đem ra lề đường bán cho dân lao động. Từ đó, gia đình ông bén duyên với nghề bán hàng chợ trời.

Gian hàng nhỏ nhưng nuôi 4 miệng ăn của một người buôn hàng chợ trời.

Đến khi 2 người con trai trưởng thành, cụ truyền nghề cho các con. Đến đời mình, gia đình ông V. cũng ấm no nhờ nghề buôn bán hàng chợ trời do cha truyền lại. Vợ chồng ông V. còn mua được căn nhà khang trang tại quận 5 (TP.HCM). Hiện tại, cậu con trai của ông cũng đang theo cha đi bán hàng. Mỗi ngày, công việc của cha con ông bắt đầu từ 8h sáng đến 22h đêm.

Suốt ngày ngồi ngoài lề đường nhưng ông V. cho biết, công việc không chiếm hết số thời gian trên. Bởi, thời gian đông khách chỉ tập trung vào buổi chiều và tối. Buổi sáng, bày hàng xong, ông ngồi uống nước trà với bạn hàng, bàn chuyện buôn bán, học hỏi kinh nghiệm.

Các mặt hàng ông V. bày bán chủ yếu là điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ cùng vài món đồ đồng độc, lạ... Sau mỗi ngày làm việc, thấp nhất ông thu về vài trăm nghìn đồng. Vào những ngày gặp khách “sộp”, số tiền có thể lên đến vài triệu đồng.

Theo lời ông V., do hàng hóa, cách kinh doanh đặc trưng của chợ trời, người bán cũng cần có “nghệ thuật”. Vì vậy, các gia đình thường tập trung cùng nhau, buôn bán theo khu vực. Hoặc, mỗi khu chợ đặt một gian hàng riêng để hỗ trợ nhau trong quá trình trao đổi món hàng. Việc này giúp hàng hóa luôn được luân chuyển theo kiểu thay cũ đổi mới, thu hút khách nhiều hơn. Ngoài ra, cần phải có nguồn hàng đa dạng, chất lượng, mới có thể phát triển, mở rộng, thu hút khách.

Chỉ tay vào sạp hàng của mình, ông V. cho biết, ông thường mua lại từ nhiều nguồn, người lượm ve chai, mua của bạn hàng, nhiều khi mua nhầm phải đồ chôm chỉa (trộm cắp-PV). Tùy vào những món hàng, mỗi ông chủ có cách kiểm tra chất lượng bằng kinh nghiệm khác nhau.

Ông bảo, các món đồ được mua từ những vụ làm ăn “phi pháp”, mơ hồ xuất xứ, việc mua – bán, trao đổi diễn ra khá nhanh, bằng những ký hiệu riêng, người bán, kẻ mua chẳng bao giờ nhớ mặt nhau. Tuy nhiên, nhà ông không vì lợi nhuận mà nhắm mắt gì cũng mua, vì như thế là vi phạm pháp luật, “vào khám” như chơi

Kinh doanh siêu lợi nhuận

Để tìm hiểu thêm hoạt động tại chợ trời, chúng tôi ngồi lại gian hàng nhỏ của ông vào buổi tối để theo dõi hoạt động buôn bán xung quanh. Khoảng 19h, một thanh niên đeo khẩu trang đi chiếc xe máy cũ lượn qua lượn lại phía trước gian hàng, cất giọng: “Bố già, dám chơi không? Hàng hiếm đấy bố, cả tháng nay mới săn được”.

Nói xong, gã mở chiếc túi đeo bên hông, đưa cho ông V. một chiếc máy tính bảng hiệu Sony Vaio, một chiếc máy ảnh nhãn hiệu Canon. Xem hàng dưới ánh sáng mờ ảo của đèn đường, ông V. xác nhận hàng còn mới nhưng do không muốn “dây” vào loại hàng này, ông V. giả bộ giơ 3 ngón tay ra hiệu trả giá.

Người bán lập tức đáp lời: “Bố không coi tem, hiệu hả? Không phải đồ Tàu đâu mà tính tiền ve chai”. Nói xong, gã thanh niên giơ 3 ngón tay rồi nói: “Gấp đôi nha, cho nhanh”.

Theo tìm hiểu, PV được biết, gã trai định giá 3 triệu đồng/món. Nhìn dáng vẻ lấc láo của gã thanh niên, ông V. lắc đầu nói không đủ tiền. Nhanh như cắt, gã trai lên xe, phóng vèo vào đám đông.

Khi người này lên xe khuất tầm mắt, ông V. nói: “Hai món này là hàng xịn thật, nếu tham lam, mua về tân trang, đóng hộp chờ khách VIP sẽ bán được giá cao. Cái máy ảnh Canon EOS 700D, đời mới có giá hơn 10 triệu đồng. Tôi nhìn qua biết hàng chuẩn nhưng không phải cứ rẻ là mình mua. Buôn bán ở đây phải hết sức tỉnh táo, mấy thằng trộm cắp thường bán tháo, bán chạy nhanh, ai ham, liều thì mua giá ve chai. Gặp khách VIP, bán cao gấp nhiều lần, nhưng tôi dại gì ôm cục lo, vô nhà đá bóc lịch có ngày”.

Một người bán ve chai cung cấp hàng cho các ông chủ chợ trời.

Ngày hôm sau, chúng tôi đến gian hàng người em họ của ông V. ở ven đường Lý Nam Đế (quận 11, TP.HCM) để tìm hiểu các nguồn hàng. Khoảng 8h sáng, một người phụ nữ đẩy chiếc xe phế liệu 3 bánh xuất hiện. Ngay lập tức, vài ông chủ chợ trời xuất hiện lựa hàng. Mỗi người chọn cho mình vài món đồ rồi gom thành đống trước khi hỏi giá người bán.

Quan sát một lúc, chúng tôi thấy chị bán 4 đống đồ nhưng chỉ thu về 220.000 đồng. Bán xong, chị này đẩy chiếc xe ve chai đựng vài chiếc bao rỗng đến gốc cây ven đường ngồi nghỉ. Nhân cơ hội, chúng tôi tiếp cận và biết chị tên T. (35 tuổi, quê tỉnh Bến Tre).

Hàng ngày khi đi mua phế liệu, chị luôn chọn để riêng các món đồ cũ còn dùng được để bán lại. Theo chị, các ông chủ chợ trời sau khi mua hàng ve chai thường lau chùi qua loa rồi bày bán nhưng có khi thu lời rất cao.

Có lần, chị T. bán cho ông X., một chủ hàng chợ trời 2 cái đồng hồ cũ, dây xỉn màu với giá 30.000 đồng. Ông X. vừa trả tiền xong đã có khách chạy xe tới mua 2 chiếc đồng hồ với giá 1 triệu đồng/cái. Trong chớp nhoáng, ông X. đã lời gần 2 triệu đồng với món đồ đồng nát vừa mua. Sau đó chị T. tìm hiểu thì biết, ông khách là người săn đồ cổ. Phát hiện 2 chiếc đồng hồ vừa rồi từ thời Liên Xô, bây giờ không còn nên quyết định móc hầu bao.

Nói về lợi nhuận của nghề buôn bán chợ trời, chị T., ông V. và ông X. đều cho biết: “Hàng vô giá, lợi nhuận siêu khủng. Tuy nhiên, phải có nhiều kinh nghiệm trong nghề mới duy trì công việc cũng như tránh những phiền phức từ các cuộc mua bán chóng vánh với các thành phần không rõ lai lịch. Hơn nữa, người buôn bán cần có con mắt kiểm định hàng tinh tế, bán hàng uy tín cho mối quen, thu hút khách lạ. Một khi đã lành nghề thì ngồi chơi, ngắm hàng, ngắm người qua lại mỗi ngày cũng đủ ăn. Những ai khéo buôn bán thì dễ dàng mua được hàng đồng nát mà bán ra vàng mười”.

(Còn nữa...)

Mất nhiều “học phí”

Ông V., một người bán đồ chợ trời lâu năm cho biết: “Không phải ai cũng có thể hành nghề và có thu nhập cao tại chợ trời. Đã có nhiều người vào nghề nhưng thiếu kinh nghiệm, mua nhầm hàng rởm nên thất bại. Thậm chí, họ còn bị các thành phần giang hồ quấy phá, công an mời làm việc khi liên quan đến các món hàng có nguồn gốc trộm cắp. Vì vậy, để thành công không ít người phải mất thời gian và cả nhiều khoản “học phí” từ những lần thất bại để vào nghề”.

Huệ Trần

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-mat-cho-troi-kieu-moi-mua-hang-dong-nat-ban-vang-muoi-a203786.html