Muôn kiểu đi chợ online thời Covid-19


Thứ 4, 18/03/2020 | 12:48


Thay vì ra chợ, siêu thị để tự tay chọn những món hàng cần thiết, giờ đây mọi người tích cực ngồi nhà mua đồ qua mạng để phòng tránh dịch Covid-19.

Thay vì ra chợ, siêu thị để tự tay chọn những món hàng cần thiết, giờ đây mọi người tích cực ngồi nhà mua đồ qua mạng để phòng tránh dịch Covid-19.

Bùng nổ dịch vụ đi chợ online thời dịch Covid-19

Nguy cơ lây bệnh dịch Covid-19 ở những nơi tập trung đông người khiến những khu chợ truyền thống vắng khách hẳn. Trái lại, các siêu thị lại gần như quá tải do khách hàng mua sắm rất đông, đặc biệt dịp cuối tuần. Nhất là hình thức mua hàng qua mạng đang thu hút sự quan tâm lớn từ hội chị em.

Dịch vụ bán hàng qua mạng của các siêu thị có sự tăng trưởng nhanh chóng trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Theo Tiền Phong, trong 500 người được Nielsen và Infocus Mekong Mobile Panel phối hợp khảo sát tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng mới đây, hơn 50% cho biết giảm tần suất đến siêu thị và các cửa hàng tạp hóa. Tỷ lệ này đối với chợ truyền thống thậm chí lên đến hơn 60%.

Đặc biệt, 45% đáp viên phản hồi rằng, họ tích trữ thức ăn ở nhà nhiều hơn.

Chị Thúy Mai (29 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) vốn quen với việc đi chợ mua thức ăn tươi sống vào mỗi chiều tan làm. Thế nhưng, từ khi xuất hiện thông tin về dịch Covid-19 ở Việt Nam, chị chuyển sang mua hàng trong siêu thị.

“Tôi không nghĩ cần tích trữ thực phẩm, nhưng mỗi lần ghé siêu thị đều cố gắng mua đủ cho 4-5 ngày để hạn chế số lần đến nơi công cộng”, chị chia sẻ với Tri thức trực tuyến.

Tuy nhiên, một tuần trở lại đây, diễn biến dịch bệnh trở nên phức tạp hơn, chị Thúy Mai không còn trực tiếp đến siêu thị nữa. Chị sử dụng dịch vụ đặt giao hàng tận nơi của một siêu thị gần nhà. Mỗi đơn hàng trị giá khoảng 700.000-800.000 đồng.

Cứ như vậy, hơn 1 tháng sống trong "bão" Covid-19, chị đã dành gần 5 triệu đồng cho việc mua sắm nhu yếu phẩm cho gia đình.

Lướt web mua hàng khiến các bà nội trợ tránh được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, do phải đi đến những nơi đông người.

Muốn mua ít nhu yếu phẩm cho gia đình, chị Phương Vy (ngụ quận Bình Tân) chọn một trang web của siêu thị uy tín, chọn gạo, sữa, mì… cho vào giỏ hàng, chọn giờ giao và nhấp hoàn tất đơn hàng. Đúng giờ, nhân viên gọi điện thoại và giao đến tận nơi.

“Hầu hết siêu thị nào cũng có dịch vụ “đi chợ thuê” kiểu này, chỉ cần “lướt , chạm” và “enter” là xong. Nhanh chóng, tiện lợi và mình không phải lăn tăn chuyện lây nhiễm bệnh khi đến nơi đông người” - chị Vy chia sẻ.

Không chỉ đặt món, nhiều cửa hàng thực phẩm, shop online trên facebook còn nhận sơ chế, nấu nướng theo nhu cầu của khách. Kiểm tra các đơn hàng khách đặt từ hôm trước, chị Lê Mai (chủ facebook Dichogiupban) bắt tay vào việc đi chợ mua thực phẩm, đem về sơ chế rồi gửi nhân viên giao đến địa điểm khách yêu cầu. Thực phẩm vận chuyển được bảo quản trong thùng bảo ôn và có kèm đá lạnh, đảm bảo cho thực phẩm vẫn tươi ngon sau một thời gian nhất định.

Dịch vụ “đi chợ thuê”, giao hàng tận nhà đắt khách thời Covid-19. Ảnh: Tiền Phong

Chị Mai vui vẻ: “Nhờ mình kỹ lưỡng, tuy giá dịch vụ có cao chút xíu nhưng khách đều chấp nhận”.

Mặt trái của việc đi chợ online

Tuy nhiên, đi chợ gián tiếp kiểu này cũng không phải không có tệ đoan.

Thứ nhất đó là không phải lúc nào cũng được giao đúng đồ tươi sống muốn mua hay với chất lượng đảm bảo. Đây vốn là điểm yếu chung của các dịch vụ thương mại điện tử, giao đồ ăn tận nhà, bởi người mua không thể trực tiếp nhận biết hàng hóa có sẵn hay không, với chất lượng như thế nào.

Sự khác biệt giữa hình ảnh sản phẩm quảng cáo và thực tế khi giao cho khách hàng không giống nhau khiến người mua lo lắng nên nhiều người vẫn ưa thích cách mua hàng trực tiếp hơn.

Thứ hai việc giao hàng miễn phí thường đi kèm với tổng số tiền mua hàng nên khách hàng cảm thấy phiền khi buộc phải mua nhiều thức đồ cho đủ số dù không lắm cần thiết.

Việc đi chợ online tiện lợi nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

"Với siêu thị gần nhà tôi, đơn hàng phải trên 300.000 đồng mới được ship, một số nơi yêu cầu thấp hơn cũng 200.000 đồng nên cứ phải mua thêm nhiều thứ linh tinh dù không quá cần thiết. Ngoài ra, không phải lúc nào cũng được giao đúng đồ tươi sống muốn mua hay với chất lượng đảm bảo. Nói chung là phải trông chờ lòng tốt của nhân viên siêu thị", chị Mai nhận xét.

Chưa kể, vào những ngày cao điểm, việc đặt hàng qua điện thoại, wesbite của các siêu thị tăng gấp 10 lần so với ngày thường, nên thường xuyên “nghẽn” đơn hàng do khách quá đông.

Sự quá tải khiến khách hàng đôi khi phải đợi 3-4 ngày mới được giao hàng. Trong khi, đối với đồ thực phẩm, nhu cầu tiêu dùng thường chỉ là trong vòng 1 ngày.

Chưa kể, nhiều người chọn mua đồ của những người bán hàng nhỏ lẻ trên mạng do quan hệ quen biết, được giới thiệu... mà chưa quan tâm đến việc cơ sở đó có đảm bảo chất lượng VSATTP và các giấy tờ theo quy định hay không.

Chuyên gia khuyến cáo

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM cho biết, trong quá trình kiểm tra, ban đã phát hiện một số cơ sở chế biến thực phẩm không có các giấy tờ theo quy định, không công bố chất lượng sản phẩm, không khám sức khỏe, cập nhật kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm...

“Thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống đều phải có xuất xứ rõ ràng, có các giấy tờ thể hiện mua hàng ở đâu; nếu không có, sẽ bị lực lượng chức năng tịch thu, tiêu hủy và xử phạt hành chính. Đã là sản phẩm thực phẩm thì dù bán online hay trực tiếp đều phải chịu sự kiểm soát như nhau” - bà Lan nhấn mạnh.

“Khi đặt mua hàng qua mạng, giao tận nơi, chúng ta phải biết đơn vị, cá nhân bán hàng là ai, ở đâu để khi gặp vấn đề còn có thể khiếu nại. Nên mua hàng ở những nơi bán hàng uy tín, công khai đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Trước khi mua hàng qua mạng, người tiêu dùng có thể kiểm tra lại thông tin đơn vị bán trên các website của cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Cục ATTP...” - bà Phong Lan khuyến cáo.

Minh Khôi (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/muon-kieu-di-cho-online-thoi-covid-19-a315884.html