Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 7/3: Hơn một tỷ điện thoại và máy tính bảng Android dễ bị tin tặc tấn công


Thứ 7, 07/03/2020 | 01:45


Cùng sự kiện

Điện thoại, máy tính bảng Android dễ bị tin tặc tấn công; 4 nữ khoa học gia có đóng góp lớn cho công nghệ thế giới... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày

Điện thoại, máy tính bảng Android dễ bị tin tặc tấn công; 4 nữ khoa học gia có đóng góp lớn cho công nghệ thế giới... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 7/3/2020.

Hơn một tỷ điện thoại và máy tính bảng Android dễ bị tin tặc tấn công

Hơn 1 tỷ điện thoại Android có khả năng bị tin tặc tấn công. Ảnh: AndroidPIT

Hơn một tỷ điện thoại và máy tính bảng Android dễ bị tin tặc tấn công vì chúng không còn được hỗ trợ cập nhật bảo mật.

Một tổ chức giám sát tiêu dùng ở Anh có tên gọi "Which?" đã phát hiện 40% người dùng Android đang sử dụng các phiên bản cũ của hệ điều hành này.

Những thiết bị có nguy cơ cao nhất là điện thoại, máy tính bảng chạy hệ điều hành Android 4 trở xuống. Tuy nhiên, những thiết bị chạy Android 7.0 và không thể cập nhật lên phiên bản hệ điều hành mới hơn cũng cần nằm trong diện quan tâm.

Nghiên cứu trên dựa theo dữ liệu của Google nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng phần mềm cập nhật để tránh nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu, tống tiền và các cuộc tấn công phần mềm độc hại khác.

Phiên bản hệ điều hành hiện tại là Android 10. Về lý thuyết, hiện Android 9 và 8 vẫn còn nhận được các bản cập nhật bảo mật và an toàn khi sử dụng.

Theo "Which?" bất cứ ai sử dụng điện thoại Android được phát hành vào khoảng năm 2012 hoặc sớm hơn đều dễ có nguy cơ bị tin tặc tấn công và người dùng những điện thoại này nên đặc biệt quan tâm.

Bốn nhà khoa học nữ thế giới có đóng góp lớn cho công nghệ quân sự

Jeanne Beadle - "Quý bà Ắc quy"

Người phụ nữ có biệt danh "Quý bà Ắc quy", sinh ra ở Philadelphia năm 1915. Cha bà là một kỹ sư luyện kim. Khi còn nhỏ, cô bé Jeanne cùng cha mẹ chuyển đến Thủ đô nước Mỹ - nơi cô đã tốt nghiệp Đại học, trở thành kỹ sư hóa học. Sau khi kết hôn, Jeanne cùng chồng về tiểu bang quê hương sống một thời gian. Tại đây, Beadle đã được ghi danh học Thạc sĩ, đồng thời làm việc tại Phòng thí nghiệm Peacock. Trở thành góa phụ vào năm 1946, người phụ nữ đã dành sức lực của mình cho khoa học và trở thành một nhà hóa học tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân (Naval Research Laboratory - NRL).

J. Beadle làm việc tại NRL. Ảnh: militaryexp.com

Tại NRL, Beadle đã nghiên cứu và phát triển các vật liệu mới nhất được sử dụng để sản xuất ắc quy cho tàu ngầm. Năm 1949, nhờ sử dụng vật liệu mới, thành công của bà trong lĩnh vực ắc quy đặc chủng là một thành tựu lớn, cho phép tăng các thông số và tăng đáng kể tuổi thọ của ắc quy. Các hợp kim được tạo ra bởi "Quý bà Ắc quy" được sử dụng trên tàu ngầm cho đến ngày nay. Sau một thời gian ngắn, người phụ nữ đã trở thành một trong những chuyên gia điện hóa hàng đầu nước Mỹ. Năm 1969, Beadle được trao giải thưởng W. Bloom nhờ các hoạt động của mình trong lĩnh vực điện hóa. Năm 1971, bà nghỉ hưu và qua đời vào năm 2002.

Joan Clark - Nhà mật mã tài năng

Joan Clark sinh ra ở thủ đô của Vương quốc Anh năm 1917 - là đứa con thứ năm trong gia đình giáo sĩ, trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực giải mã, góp phần rất lớn vào chiến thắng của Anh trong cuộc chiến với nước Đức phát xít. Để mã hóa các bức điện của quân đội và hải quân, người Đức đã sử dụng một máy quay đặc biệt có tên là Enigma. Với mục đích giải mã, họ đã tạo ra một thiết bị có tên là “bom phân tích mật mã”. Để tăng tốc độ giải mã, “bom” cần được hỗ trợ bằng cách điều chỉnh một cách thích hợp. Nhằm mục đích này, dựa trên phân tích các tin nhắn trong quá khứ, cần phải dự đoán nội dung có khả năng nhất của tin nhắn tiếp sau.

Chuyên gia mật mã J. Clark. Ảnh: militaryexp.com

Joan đã vượt trội so với các nhà phân tích mật mã khác trong lĩnh vực này. Bằng cách giải mã các thông điệp quân phát xít, kể từ cuối mùa thu năm 1941, người Anh đã có thể giảm trọng tải tàu bị phá hủy hơn bốn lần - từ 282.000 xuống còn 62.000 tấn mỗi tháng. Năm 1946, Clark trở thành chủ nhân Huân chương Đế chế Anh. Sau chiến tranh, bà làm việc tại một cơ quan nhà nước (bảo vệ các kênh thông tin nhà nước và quân đội). Tại đây Joan đã gặp người chồng tương lai của mình - Trung tá J. Murray, họ sống một cuộc đời đầy biến cố; bà qua đời vào năm 1996.

Mary Sherman – “Cô gái tên lửa”

Mary Sherman được biết đến như là "cô gái tên lửa" - nhà khoa học nữ đầu tiên ở Mỹ làm việc trong lĩnh vực chế tạo tên lửa. Tiểu sử của cô khá điển hình: sinh năm 1921 trong một gia đình nông dân đông con, tốt nghiệp trung học, và trở thành sinh viên tại một trường đại học công lập. Trong chiến tranh, ngành công nghiệp quân sự đã trưng dụng tất cả những người có kiến thức hóa học, Mary học đại học, vì vậy, được điều chuyển về một nhà máy thuốc nổ với nhiệm vụ tạo ra các loại chất nổ mới.

M. Sherman trong một buổi họp báo. Ảnh: militaryexp.com

Sau đó, Sherman có việc làm trong một công ty chuyên sản xuất động cơ tên lửa và nhiên liệu. Mary là người phụ nữ duy nhất trong số 900 kỹ sư, không những thế, bà thậm chí còn chưa tốt nghiệp đại học. Chính Mary Sherman là người đã tạo ra nhiên liệu Hydyn, cho phép tên lửa Jupiter-S phóng vệ tinh đầu tiên của Mỹ trên quỹ đạo thấp của Trái Đất vào năm 1958.

Sinh ra để làm ngọn lửa

Tessi Thomas - người tạo ra các hệ thống điều khiển tên lửa - sinh năm 1963 tại bang Kerala (Ấn Độ), trong một gia đình Kitô giáo Syria. Mẹ của cô là giáo viên phổ thông - nơi con gái bà đã thể hiện kết quả học tập tuyệt vời, đặc biệt là đối với toán điều, khiến gia đình quyết định vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng nhà nước Ấn Độ để cô theo học đại học. Năm 1988, ở tuổi 25, cô gia nhập DRDO - một Trung tâm chuyên nghiên cứu trong lĩnh vực quốc phòng, bao gồm phát triển các tên lửa đạn đạo mới nhất.

Chân dung T. Thomas. Ảnh: militaryexp.com

Thomas là người phụ trách tạo ra các tên lửa mới nhất cho Ấn Độ - phiên bản thứ tư và thứ năm của Agni - và tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực này. Trên các phương tiện truyền thông Ấn Độ, cô có biệt danh là "Agniputri" - "sinh ra để làm ngọn lửa". Tổ chức khoa học nữ quốc gia IWSA đã vinh danh Tessi là hình mẫu cho những người phụ nữ Ấn Độ khác - cống hiến cả cuộc đời mình cho khoa học. Thomas đã đạt được thành công xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn và đồng thời làm tốt vai trò một người vợ và người mẹ.

Facebook, Amazon và các công ty công nghệ đóng cửa văn phòng vì dịch Covid-19

Cả Amazon and Facebook vừa đóng cửa văn phòng ở Seattle (tiểu bang Washington, Mỹ) sau khi nhân viên ở đây nhiễm Covid-19.

Dịch bệnh tiếp tục lan rộng ở Mỹ, trong đó có bang California và thành phố New York. Tại tiểu bang Washington, nơi phát hiện trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên ở nước này, tình hình trở nên tồi tệ hơn với ít nhất 70 người nhiễm Covid-19 và 10 trường hợp tử vong.

Theo The Verge, một số công ty công nghệ tại Seattle đã đưa ra chính sách làm việc tại nhà để hạn chế Covid-19 lây lan.

Amazon và hàng loạt các hãng công nghệ khác đã khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà.

Amazon khuyến khích nhân viên ở Seattle và Bellevue làm việc tại nhà đến hết tháng 3. Khuyến nghị được đưa ra sau khi Amazon xác nhận một nhân viên ở Seattle bị cách ly vì virus corona. Người này không đến công ty làm việc từ 25/2.

Google yêu cầu nhân viên ở bang Washington làm việc từ xa nếu có thể, đồng thời không dẫn khách tham quan tới các trụ sở ở bang này.

Facebook đóng cửa văn phòng ở Seattle sau khi một người dương tính với virus corona. Công ty khuyến khích 5.000 nhân viên tại Seattle làm việc tại nhà đến 31/3. Họ cũng hạn chế khách đến thăm văn phòng.

Microsoft cho phép nhân viên ở Seattle và San Francisco làm việc từ xa đến 25/3.

Jack Dorsey, CEO của Twitter, cho biết công ty khuyến khích tất cả nhân viên làm việc từ xa nếu có thể. Ông nói thêm hướng dẫn này được áp dụng cho trụ sở chính. Bản thân Dorsey cũng làm việc ở nhà.

Đến nay, thế giới có hơn 97.000 trường hợp được xác nhận nhiễm virus corona, hơn 3.300 ca tử vong.

Minh Khôi (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-cong-nghe-moi-nong-nhat-hom-nay-73-hon-mot-ty-dien-thoai-va-may-tinh-bang-android-de-bi-tin-tac-tan-cong-a314341.html