Cuộc đời đầy bất hạnh của thiên tài sở hữu IQ cao nhất thế giới, vượt xa cả Einstein và Newton


Thứ 4, 08/12/2021 | 07:25


Cùng sự kiện

Chán ngán với biệt danh “thần đồng”, Sidis xin làm nhân viên soát vé xe điện, và thậm chí làm một số công việc chân tay, được cho là thấp kém.

Thiên tài công nghệ Elon Musk được một số người tin rằng có chỉ số thông minh (IQ) khoảng 150, gần với chỉ số IQ ước tính khoảng 160 của các nhà khoa học vĩ đại như Albert Einstein và Stephen Hawking.

Tuy nhiên, nếu chỉ xét về IQ, Einstein, Musk và Hawking còn rất xa mới sánh được với William James Sidis, một nhân vật gần như vô danh nhưng có chỉ số IQ từ 210 đến 250.

William James Sidis, người đàn ông thông minh nhất trên Trái Đất, một thần đồng và là một nhà toán học xuất chúng. Ông là một bậc thầy ngôn ngữ, đồng thời là một nhà văn tài năng. Đáng buồn thay, William không dành được một vị trí trong lịch sử nhân loại như những gì ông đáng được nhận.

Tin thế giới - Cuộc đời đầy bất hạnh của thiên tài sở hữu IQ cao nhất thế giới, vượt xa cả Einstein và Newton
Người trong ảnh theo thứ tự từ trái qua phải: Albert Einstein, William James Sidis và Issac Newton.

William James Sidis sinh ngày 1/4/1898, ở thành phố New York (Mỹ).  Cha của ông, ông Boris là một nhà tâm lý học kiệt xuất, người đã giành được 4 tấm bằng từ trường đại học danh tiếng Harvard. Mẹ của ông là một bác sỹ y khoa.

Bởi cha mẹ đều là những người tài giỏi, ngay từ khi sinh ra, William James Sidis được kỳ vọng là một đứa trẻ sáng dạ, nhưng trí thông minh của ông thậm chí còn vượt xa mong đợi của cha mẹ.

Khi mới 18 tháng tuổi, ông đã có thể đọc tờ The New York Times. Đến năm 8 tuổi, ông đã tự học tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Do Thái, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Armenia. Ngoài 8 ngôn ngữ đó, ông còn tự phát minh ra ngôn ngữ của riêng mình và gọi nó là "Vendergood".

Khi 9 tuổi, William nộp đơn xin vào đại học Harvard. Bài thi đầu vào không thể làm khó cậu bé nhưng William bị nhà trường từ chối với lý do chưa trưởng thành về mặt tâm lý, thể chất. Trong thời gian này, William học tại Đại học Tufts, dành phần lớn thời gian để sửa lỗi trong các cuốn sách về toán học, nghiên cứu các học thuyết của Einstein. Hai năm sau, cậu bé 11 tuổi chính thức trở thành sinh viên trẻ nhất trong lịch sử Đại học Harvard.

Mẹ của William đã chi một số tiền lớn để mua sách, bản đồ và các tài liệu khác để khuyến khích con trai học tập. Còn ông Boris Sidis thì mong muốn cung cấp cho con trai mình những công cụ hoàn hảo để hình thành khả năng suy luận và tư duy. Ông thậm chí đã tranh luận với William về tâm lý học và nhiều môn học nâng cao khác ngay từ khi con trai còn nhỏ. Tuy nhiên, William không vui khi được bố mẹ mình đối xử đặc biệt như vậy.

Năm 1910, William từng có một bài thuyết trình về các vật thể 4 chiều tại Câu lạc bộ Toán học Harvard. Những hiểu biết của cậu về chủ đề phức tạp này đã thu hút được sự chú ý của nhiều chuyên gia.

Cùng năm, William trải qua đợt thử trí thông minh IQ và đạt điểm số 250-300, một con số ngoài mức tưởng tượng và cao nhất thế giới lúc bấy giờ. 

Tin thế giới - Cuộc đời đầy bất hạnh của thiên tài sở hữu IQ cao nhất thế giới, vượt xa cả Einstein và Newton (Hình 2).
William từng được kỳ vọng sẽ trở thành nhà khoa học lừng lẫy. Ảnh: Geni.

Nhà vật lý người Mỹ Daniel F. Comstock, lúc đó đang là giáo sư tại MIT, nói: “Tôi dự đoán chàng trai trẻ Sidis sẽ là một nhà toán học thiên văn vĩ đại, người đi đầu ngành khoa học này trong tương lai”.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, dự đoán của Comstock không trở thành sự thật. Trong thời gian theo học ở Harvard, Sidis đã phải vật lộn để có một cuộc sống bình thường. Cậu thường bị các sinh viên khác trong trường trêu chọc, chế giễu. Ngoài ra, William cũng cảm thấy bị quấy rầy bởi các phương tiện truyền thông.

Sau khi tốt nghiệp, William dạy toán học tại đại học Rice ở Houston nhưng bởi tuổi tác (quá trẻ - 16 tuổi) cũng như sự nổi tiếng của cậu khiến việc giảng dạy gặp nhiều vấn đề.

Ông đã rời đi chỉ sau một thời gian ngắn, ông quay lại đại học Havarrd để học luật nhưng từ bỏ nhanh chóng khi nhận ra nó không phù hợp với mình.

Ông còn vướng vào lao lý khi tham gia bạo động và có nhiều tư tưởng chính trị, tôn giáo chống đối. Ông bị bố mẹ quản thúc chặt chẽ sau đó, điều này gây ra tâm trạng ức chế và bất mãn trong ông.

Tuy nhiên, William vẫn dành nhiều thời gian viết sách, lấy nhiều bút danh khác nhau. Ông đã viết cuốn sách dài 1.200 trang về lịch sử nước Mỹ. Năm 1925, ông xuất bản một cuốn sách đáng chú ý về vũ trụ học, trong đó ông dự đoán về các lỗ đen, từ 14 năm trước khi công trình của Chandrasekhar ra mắt. Nhưng về cơ bản, William đã trốn chạy thời thơ ấu thiên tài của mình, trốn chạy khỏi cha mẹ và xã hội.

William nói với các phóng viên rằng ông muốn sống một cuộc sống "hoàn hảo", mà “hoàn hảo” ở đây theo định nghĩa của ông chính là một cuộc sống như những người bình thường khác.

Ông cũng nói thêm rằng mình không có dự định kết hôn vì bản thân không có hứng thú với phụ nữ.

Quyết định của William đã cho thấy những áp lực mà ông phải chịu kể từ khi sinh ra, bao gồm cả sự nổi tiếng không mong muốn. Trong thời điểm đó, nước Mỹ tin tưởng rằng một nền giáo dục hợp lý sẽ biến những đứa trẻ thành thần đồng.

Tin thế giới - Cuộc đời đầy bất hạnh của thiên tài sở hữu IQ cao nhất thế giới, vượt xa cả Einstein và Newton (Hình 3).
William được cho là xuất bản nhiều cuốn sách nhưng không được đón nhận. Ảnh: Geni.

Giống như những thiên tài khác, để giữ mình khỏi sự chú ý của công chúng, William đã làm những công việc văn thư bình thường và chấp nhận mức thu nhập thấp. Mặc dù vậy, William vẫn bị mọi người chú ý, điều này đã khiến ông không còn lựa chọn nào khác ngoài đổi việc một lần nữa.

Năm 1924, các phóng viên đã phát hiện ra ông làm một công việc với mức lương chỉ 23 đô la một tuần và đăng báo chế nhạo trí thông minh của ông đã suy giảm.

The New Yorker thậm chí đăng một bài viết với tiêu đề "April fool!" (ý nói tài năng William chỉ như trò đùa), nói về sự thất bại của ông với những lời lẽ cay nghiệt.

Trong bài báo có nhiều chi tiết William cho là bịa đặt, không đúng sự thật, ảnh hưởng tới danh dự nên đã kiện lên tòa án. Ông thắng kiện nhưng cũng phải mất tới 7 năm dài đằng đẵng. Nhưng tổn hại từ sự việc này là quá lớn, ông gần như khánh kiệt vì vụ kiện và bị stress nặng.

Ông qua đời năm 1944 vì xuất huyết não ở tuổi 46 trong căn nhà thuê. Người ta tìm thấy trong ví ông chỉ còn mấy đồng xu lẻ.

Mộc Miên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-doi-day-bat-hanh-cua-thien-tai-so-huu-iq-cao-nhat-the-gioi-vuot-xa-ca-einstein-va-newton-a521635.html