Đánh sập đường dây lừa đảo bán hàng online trăm tỷ, bắt 100 đối tượng


Thứ 7, 01/05/2021 | 07:21


Một đường dây lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng online với hàng trăm chân rết liên tỉnh lừa đảo hơn 3.000 nạn nhân với số tiền lên đến 100 tỷ đồng.

Một đường dây lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng online với hàng trăm chân rết liên tỉnh lừa đảo hơn 3.000 nạn nhân với số tiền lên đến 100 tỷ đồng.

Đấu trí với tội phạm

Sáng 22/4, trao đổi với Đời sống&Pháp luật, Trung tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Tĩnh thông tin, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Huy Nhật (SN 1993, trú tại phường Lam Sơn, TP.Thanh Hoá) và 36 đối tượng khác về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đây là đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online quy mô lớn nhất từ trước đến nay bị bắt giữ, với số nạn nhân lên đến 3.000 người, tổng tài sản chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo ban chuyên án, thời gian qua, trên địa bàn cả nước “nở rộ” hình thức lừa đảo dưới hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online.

Quá trình điều tra, trinh sát, phòng Cảnh sát Hình sự phát hiện 1 nhóm hơn 10 đối tượng trên địa bàn Hà Tĩnh có biểu hiện bất minh về kinh tế, nghi vấn móc nối với các đối tượng ngoại tỉnh hoạt động lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên xác lập chuyên án đấu tranh.

Bị can Nguyễn Hữu Hiếu.

Sau hơn 4 tháng điều tra, ban chuyên án đã xác định được ổ nhóm này nằm trong đường dây tội phạm hoạt động liên tỉnh, quy mô rất lớn, được hình thành từ năm 2018, hoạt động có tổ chức chặt chẽ, chuyên nghiệp với hơn 100 đối tượng tham gia chia thành nhiều chi nhánh tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Hà Tĩnh, Thái Bình, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thanh Hóa, TP.Hồ Chí Minh...

Phương thức hoạt động của chúng là lập các trang fanpage bán hàng mỹ phẩm như son môi, mặt nạ dưỡng da, nước hoa... rồi thuê người chạy quảng cáo, tăng lượt tương tác, tăng view trên Facebook để tuyển cộng tác viên bán hàng.

Nạn nhân bọn chúng nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Với một loạt thông tin đưa ra rất hấp dẫn như: “Cần tuyển 100 cộng tác viên bán hàng trên phạm vi toàn quốc, lương mỗi tháng từ 10 - 15 triệu đồng, công việc chỉ cần đăng bài viết và hình ảnh do công ty cung cấp, khi khách có nhu cầu mua sản phẩm của công ty thì nhập hàng từ công ty về bán cho khách”; “Cộng tác viên chỉ cần đăng bài mỗi ngày, nếu không có khách sẽ được hưởng 50.000đồng/ngày, nếu có khách được hưởng 100.000đồng/ngày, mỗi sản phẩm bán ra được hưởng chênh lệch 10- 20%”.

Với thủ đoạn như trên, từ tháng 10/2018 đến nay hàng chục nghìn người trên cả nước đã trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo này. Để các nạn nhân “sập bẫy”, các đối tượng không vội vàng đặt hàng ngay mà chờ đến 1 - 2 ngày sau khi cộng tác viên (CTV) đăng bài, bọn chúng mới sử dụng Facebook ảo, sim rác đóng giả làm người mua hàng, đặt hàng với các lý do: Mua về sử dụng, để tặng đối tác, để kinh doanh...

Khi CTV đặt hàng tại trang page bán hàng, các đối tượng cam đoan là sẽ được hoàn trả hàng nếu giữ lại giấy bảo đảm của công ty nhưng thực tế địa chỉ nhận lại hàng hoàn toàn giả mạo.

Sau khi hàng đã đến tay của CTV, những người đặt mua hàng trước đó tự “bốc hơi”, không để lại dấu vết, hàng cũng không hoàn lại vì địa chỉ các đối tượng cung cấp hoàn toàn là giả. Vì vậy, các CTV sẽ phải ôm một số lượng hàng hoá có giá trị thật chênh lệch từ 40-50 lần so với số tiền bỏ ra, nhưng cũng không thể sử dụng vì toàn là hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tuy đã xác định rõ phương thức thủ đoạn của loại tội phạm mới này, nhưng việc điều tra làm rõ các đối tượng lại là bài toán vô cùng nan giải. Bởi đây là loại tội phạm mới, cực kỳ khó chứng minh về bản chất phạm tội, việc thu thập tài liệu, chứng cứ rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều bị hại do có tâm lý xấu hổ, sợ gia đình biết chuyện nên đã từ chối hợp tác với cơ quan công an. Trong suốt quá trình đấu tranh chuyên án, số lượng bị hại ở Hà Tĩnh và các địa phương khác mà các trinh sát thu thập được đã lên đến con số hàng nghìn người, đặt ra vô số khó khăn cho ban chuyên án.

Đánh sập đường dây lừa đảo tinh vi

Sau hơn 4 tháng tổ chức các hoạt động điều tra rất bài bản, công phu và tỉ mỉ, thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu để nghiên cứu, đánh giá, đầu tháng 4/2021, toàn bộ cán bộ chiến sĩ phòng Cảnh sát Hình sự cùng hàng trăm cán bộ các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố, thị xã toàn tỉnh đã được điều động để bóc gỡ đường dây lừa đảo này.

Ban chuyên án xác định, Lê Huy Nhật và Nguyễn Hữu Hiếu (SN 1993, trú tại thôn Mỹ Lộc, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) là 2 đối tượng cầm đầu đường dây. Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Tĩnh đã triển khai lực lượng đến 45 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước để thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành bắt giữ, triệu tập hơn 100 đối tượng, thu giữ 4 ô tô, 80 máy tính, gần 200 điện thoại di động, 3,6 tỷ đồng tiền mặt và hơn 30 thùng hàng.

Tang vật vụ án.

Quá trình điều tra, đấu tranh, Lê Huy Nhật và Nguyễn Hữu Hiếu luôn tỏ thái độ thách thức với cơ quan công an. 2 bị can này trước đó đã nhờ 4 công ty luật nổi tiếng trên cả nước tư vấn. Nhưng trước chứng cứ sắc bén cùng lập luận vững chắc của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh, Lê Huy Nhật cùng đồng bọn đã phải cúi đầu nhận tội.

Theo Trung tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Tĩnh, đường dây lừa đảo này đã hoạt động trong suốt một thời gian dài từ năm 2018 đến nay, với hệ thống chân rết trải rộng trên khắp địa bàn cả nước. Ngang nhiên hơn, bọn chúng còn thành lập các công ty và thông qua các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, quảng cáo cho hoạt động của mình. Tính riêng trong 6 tháng cuối năm 2020, đường dây này đã chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng; trong 3 tháng đầu năm 2021, các đối tượng đã lừa hơn 3.000 bị hại.

"Việc bóc gỡ đường dây lừa đảo này không những có ý nghĩa xã hội sâu sắc mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các đối tượng đang chuẩn bị có ý định phạm tội: Hành vi phạm tội của các đối tượng có tinh vi, xảo quyệt như thế nào thì cũng sẽ bị cơ quan công an vạch trần trước pháp luật", Trung tá Phi Hải nhấn mạnh.

Chuyên án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

"Hiện một số đối tượng tham gia vào đường dây phạm tội này đang bỏ trốn, cơ quan CSĐT đề nghị các đối tượng sớm ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Cơ quan điều tra cũng thông báo ai là bị hại của hình thức lừa đảo này sớm đến trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất hoặc liên hệ với cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh địa chỉ: Số 268 Nguyễn Huy Tự, phường Nguyễn Du, TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, gặp điều tra viên Thái Thị Thu Huyền, sđt: 094.690.6668 để được đảm bảo quyền lợi và giải quyết".

Ngân Hà

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (66)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/danh-sap-duong-day-lua-dao-ban-hang-online-tram-ty-bat-100-doi-tuong-a364215.html