+Aa-
    Zalo

    “Dị nhân” thơ Dương Tường và mối tình cổ tích từ thuở thanh xuân

    • DSPL
    ĐS&PL Cuộc trò chuyện nhiều lần bị ngắt quãng bởi những dòng cảm xúc nghẹn ngào, run rẩy của nhà thơ Dương Tường khi nhớ về câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của mình.

    Khi nói về tình yêu, người đàn ông tuổi 87 dường như vẫn còn nguyên vẹn những xúc cảm ban đầu. Ông chia sẻ với chúng tôi mối tình từ lúc thanh xuân cho đến tận bây giờ với bao nhiêu những nụ cười, nước mắt. Cuộc trò chuyện nhiều lần bị ngắt quãng bởi những dòng cảm xúc nghẹn ngào, run rẩy của nhà thơ khi nhớ về câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của mình.

    Tình yêu bắt đầu từ... ổ rơm

    Xin nhà thơ cho biết lần đầu tiên gặp gỡ của hai người?

    - Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau là năm 1955, khi ấy tôi 23 tuổi còn Trinh mới 14 tuổi. Lần gặp đó cũng rất tình cờ. Tôi ở cùng đơn vị với anh Tất Vinh – Anh ruột của Trinh. Ngày ấy, Trinh bạo lắm, mới 14 tuổi mà dám một mình thuê xe đạp, đi hơn 40 cây số từ Hà Nội lên nơi đóng quân ở tận Xuân Mai (Hòa Bình) để thăm anh.

    Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy phục. Một cô bé Hà Nội nho nhỏ, xinh xắn lần đầu ra khỏi nội thành, một mình vượt chặng đường trên 40 cây số toàn đồng không mông quạnh. Điều đó gây ấn tượng rất mạnh với tôi! Tôi và Tất Vinh là bạn đồng ngũ rất thân thiết. Gặp Trinh, tôi chỉ coi như em gái.

    Ngày ấy chúng tôi hồn nhiên đến mức cả Tất Vinh, tôi và Trinh còn ngủ chung với nhau trong một ổ rơm của nhà dân. Cũng đâu ngờ lại trở thành duyên phận với nhau suốt đời.

    Hình ảnh kỷ niệm của vợ chồng nhà thơ Dương Tường

    Nghe nói, 5 năm sau, nhà thơ đã có một cuộc tỏ tình thú vị?

    - Không, giữa chúng tôi và nhiều đôi trai gái lúc bấy giờ làm gì có tỏ tình lãng mạn như bây giờ. Tình yêu đến tự  nhiên và dần dần đơm hoa kết trái thôi. Mà phải nói rằng Trinh có tình cảm với Dương Tường trước đấy nhé. Còn tôi thì lúc đầu vẫn chỉ coi Trinh như em gái thôi. Nhưng tình yêu đến lúc nào không biết.

    Ông có rất nhiều bài thơ hay về tình yêu. Trong đó, độc giả có lẽ khó quên bài thơ “Tình khúc 24” với những ca từ tuyệt đẹp như “24 phím cầm chiều / 24 nhành sương mím / 24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư . Gửi lại em / cầu thang 24 bậc / tờ thư 24 gác mưa / làn menuetto 24 âm xưa”. Đó có phải là những vần thơ dành tặng cho cô Trinh không?

    - Không! Tôi đã viết nhiều bài thơ tình dành cho những bóng hồng khác, nhưng một điều ít ai biết là tôi chỉ làm duy nhất một bài thơ tặng Trinh. Năm 1960, tôi có làm tặng Trinh một bài thơ tình, coi như là lời tỏ tình đầu tiên cũng được, nhưng rất tiếc bài thơ đó đã bị thất lạc nhiều năm trước rồi.

    Từng bán máu để duy trì cuộc sống

    Lấy nhau từ khi còn gian khó, ông bà đã trải qua những giai đoạn đó như thế nào?

    - Những năm sau ngày cưới, chúng tôi cũng khó khăn đủ bề như bao gia đình khác lúc bấy giờ. Lúc đó tôi đã về Thông tấn xã Việt Nam làm việc. Công việc bận rộn, một nách 3 con thơ nhưng Trinh vẫn tần tảo lo cho chồng con mà chưa bao giờ than trách tôi một câu. Việc gì bà ấy cũng nghĩ cho tôi và các con trước bản thân mình. Tôi thấy mình có phước nên ông trời mới ban cho bà ấy làm người chung đường.

    Trong cuốn “Rừng xưa xanh lá”, nhà văn Bùi Ngọc Tấn từng bật mí rằng ông và vài người bạn văn đã từng phải đi bán máu? Sự việc này có thật không?

    - Có thật đấy. Ngày ấy tôi có một cái thẻ cho máu dành cho những cộng tác viên cho máu thường xuyên của bệnh viện. Ai có thẻ này thì có “đặc quyền” là khi bệnh viện có ca nào cấp cứu, cần lấy máu gấp, nửa đêm sẽ cho xe đến đón. Mỗi lần cho máu thì sẽ được 50 đồng/100cc máu, còn được cấp phiếu đường, đậu, thịt... Nhiều người cho máu xong thì bán phiếu cho những người đứng đợi ở bệnh viện. Còn tôi thì mang tất về cho vợ.

    Bà Trinh đồng tình với chuyện này không?

    - Không, tuyệt đối không. Tôi bảo Trinh là của anh Hạnh cho (một người bạn thân của nhà thơ). Bà Trinh hoàn toàn không biết điều này. Nếu biết chắc chắn bà ấy không bao giờ đồng ý. Vậy nên thỉnh thoảng bí quá, Trinh lại giục, anh qua anh Hạnh xin phiếu đi. Tôi lại đem thẻ cho máu đến năn nỉ người ta cho lấy sớm.

    Đó có phải là lý do khiến sức khỏe ông hiện nay rất sa sút?

    - Tôi cũng không biết chắc lý do, nhưng tôi đã ngoài 80, sức khỏe sa sút cũng là lẽ đương nhiên. Kèm theo chứng mất ngủ triền miên kéo dài mấy năm qua, giờ đây tôi phải học cách sống chung với những viên thuốc ngủ. Bà ấy cũng vì thế mà vất vả theo tôi. Dù vợ chồng tôi ở cùng với con trai nhưng vẫn một tay bà ấy lo cho tôi từ thuốc men lần cơm nước, áo quần.

    Sống chung với nhau hơn nửa thế kỷ, nhà thơ thấy vợ mình là người như thế nào?

    - Suốt hơn nửa thế kỷ qua, bà Trinh là  người chia sẻ với tôi tất cả hạnh phúc cũng như hoạn nạn. Bà ấy là một phần tất yếu không thể thiếu, không thể tách rời trong cuộc sống của tôi.

    Có lúc nào nhà thơ bị dao động không? Ví như một chút lãng mạn, đa tình của thi nhân chẳng hạn?

    - Thú thật là có chứ, nghệ sĩ mà. Bản chất mình rất dễ rung động trước những cái đẹp. Một đôi mắt đẹp, một tâm hồn đẹp, một tấm chân tình, một sự ngưỡng mộ cũng có thể khiến mình xao xuyến. Đời con người làm sao nói trước được, mà cũng khó tránh lắm. Những lúc như thế cuộc sống của tôi cũng có những xao động đáng kể.

    Những lúc như thế, nhà thơ sẽ xử lý như thế nào?

    - Không phải tôi, mà ơn trời đã ban cho tôi một người bạn đời như bà Trinh: Rộng lượng, tin tưởng, yêu thương và rất hiểu chồng mình.

    Nếu nói một điều thật đặc biệt về người vợ của mình, nhà thơ sẽ nói gì?

    - Làm vợ một người bình thường đã khó, làm vợ một nhà thơ còn khó hơn gấp ngàn lần. Chỉ có những người phụ nữ thật sự rất đặc biệt mới có thể làm vợ bọn nhà thơ, nhà văn hoạn nạn chúng tôi. Chúng tôi vẫn bảo với nhau rằng những bà vợ của chúng tôi là những bà "thánh".

    Xin chúc nhà thơ nhiều sức khỏe và hạnh phúc bên bà "thánh" của riêng mình. 

    Dương Tường sinh năm 1932 ở Nam Định. Ông là nhà thơ, dịch giả, phóng viên; nhà phê bình nghệ thuật, sân khấu, văn học, âm nhạc, điện ảnh...

    Năm 1961 kết hôn với bà Nguyễn Thị Trinh – em gái nhà thơ Tất Vinh.

    Hai ông bà có 3 người con 2 gái, 1 trai nhưng không ai trong số 3 người con đi theo nghiệp viết lách của ông.

    Năm 2009: Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật (Officier des Arts et des Lettres) cho nhà thơ, dịch giả Dương Tường.

    Năm 2011: Tổ chức Lễ Cưới Vàng kỷ niệm 50 năm ngày cưới.

    Độc giả Việt Nam biết đến những tác phẩm kinh điển do Dương Tường dịch như Cuốn theo chiều gió, Anna Kerenina, Cái trống thiếc, Người xa lạ, Những con đường xứ Flandres, Truyện ngắn của Tchekhov, kịch của Shakespeare, Henrik Ibesen...

    Ông đã xuất bản một số tập thơ: 36 bài tình, Đàn, Mea culpa...

    Lan Chinh
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 56
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/di-nhan-tho-duong-tuong-va-moi-tinh-co-tich-tu-thuo-thanh-xuan-a270731.html
    Sự kiện: Giải trí 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan