Bộ sưu tập thẻ bài tiền tỷ của vua đồ cổ miền Tây


Thứ 3, 01/07/2014 | 08:12


Anh Phan Tấn Nam, được giới đồ cổ đất Cần Thơ phong biệt danh là người sưu tầm lệnh bài, thẻ bài độc nhất vô nhị ở miền Tây.

Anh Phan Tấn Nam, được giới đồ cổ đất Cần Thơ phong biệt danh là người sưu tầm lệnh bài, thẻ bài độc nhất vô nhị ở miền Tây.

Căn nhà của anh ở đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ như một bảo tàng thu nhỏ với những bộ sưu tập lệnh bài, thẻ bài của các vua chúa và các tượng đá, đồng, cầm thạch của văn hóa Óc Eo, Phù Nam, Champa và Khrme.

"Tôi là người may mắn được thừa kế một số cổ vật của ông nội và bố vợ từ đầu thế kỷ 20 để lại. Được ông cha truyền nghề cộng thêm lòng đam mê cổ vật, nên từ năm 1996, tôi bắt đầu sưu tầm, nghiên cứu cổ vật", anh Nam kể cơ duyên đưa mình đến với thú chơi tốn kém này.

Anh Nam bên bộ sưu tập thẻ bài và lệnh bài.

Hiện bộ sưu tập đồ cổ của anh có trên 100 món, nhưng cái anh thích nhất là bộ ngọc, gồm những lệnh bài, thẻ bài, bộ ngọc lễ khí cổ xưa cực hiếm và vô giá, có cách đây trên 3.000 – 4.000 năm.

Quý nhất và được giới chơi đồ cổ đánh giá cao trong bộ sưu tập đồ cổ của anh Nam là  2 bộ sưu tập ngọc cổ, gồm một bộ “Lễ Khí” từ đời Tây Chu cách nay trên 3.000 năm cho tới đời nhà Thương cách đây 4.000 năm. Trên các miếng ngọc nhiều màu có chạm hình các vị thần mà người xưa thờ lúc tôn giáo chưa ra đời, như: Thần mặt trời, sơn thần, thủy thần, lôi thần, mộc thần… Một bộ ngọc khác là những lệnh bài có chữ “Thiên Viết” của triều vua Tây Chu, và các thẻ bài ngọc mà cách nay trên 3.000 năm chỉ dành cho các bậc vương quyền đeo để khẳng định đẳng cấp và quyền lực. Trong số này có 2 thẻ bài bằng bạch ngọc khắc chạm những chữ cổ theo lối “điểu chuyện” đời nhà Thương cách nay gần 4.000 năm mà các chuyên gia ngôn ngữ, văn hóa dân tộc học cho đến nay vẫn chưa giải mã được.

Cùng với ngọc, bộ sưu tập đèn từ thời nhà Đường – Nam Bắc Triều – Hán có cách nay từ 1.500 – 2.000 năm của anh Nam cũng thuộc hàng hiếm. Độc đáo nhất là viên đá cổ dùng để đo độ sâu của tàu biển đời nhà Tống, được vớt lên từ lòng biển còn nét rêu phong, bám đầy hàu biển và một cây san hô đỏ, được xem là cổ vật độc bản.

Những thẻ bài bằng ngọc đời Tây Chu, cách đây 3.100 năm.

Ngoài ra còn những bộ đèn cổ tùy táng bằng gốm tráng men thời Lục Triều (Trung Quốc) cách nay trên 1.500 năm, bộ gốm ấm rượu đời Tống, bộ đá thờ cúng Champa và đồ sứ cổ đời nhà Thanh…Bên cạnh đó còn cả một kho tàng sách vở khảo cổ học đủ các thứ tiếng: Việt, Hoa, Anh, Pháp và nhiều sách chuyên nghiên cứu về hóa học, địa chất, kim loại, ngọc học, công nghệ chế tạo gốm sứ… Cùng với đó là một tủ đựng đầy ấm rượu cổ bằng gốm, cực hiếm từ thế kỷ 10 – 12 sau Công Nguyên. “Nếu theo giá các sách cổ trên thế giới, nhiều loại như ngọc cổ, gốm cách đây 2.000 năm có giá từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/cái. Nhưng xét về gốc độ văn hóa và giá trị lịch sử thì không thể sánh bằng tiền bạc mà là vô giá”, anh Nam nói.

Để bảo quản kho đồ cổ độc đáo này, anh Nam dành hẳn một phòng có trang bị máy lạnh với nhiệt độ luôn ở mức 17 độ C. Theo anh, giữ cố định ở một nhiệt độ như vậy mới bảo quản cổ vật được lâu dài và ít bị ô xi hóa.

Tượng đèn đời “Đường” thế kỷ  VII - IX.

Với những đồ gốm cổ, cách phân biệt hàng thật với hàng nhái đơn giản nhất, theo anh Nam là đổ một ít nước vào chiếc bình gốm tráng men sẽ thấy được những phản ứng phong hóa. Nếu món đồ nào có hiện tượng sùi vôi ra ngoài thành bình mới là đồ thật. Anh Nam bật mí, những hoa văn còn sót lại trên các cổ vật không hề có hiện tượng men bị phân hủy chính là nét độc đáo cơ bản để phân biệt đồ cổ với đồ giả cổ.

Anh Nam nói thêm: "Chơi đồ cổ không những tìm hiểu xuất xứ lai lịch sử của cổ vật, mà còn phải biết rõ về công nghệ chế tác, về trình độ văn minh, giá trị văn hóa của từng món đồ qua các thời kỳ. Mỗi cổ vật là một thông điệp với nhiều ý nghĩa và công dụng khác nhau, nó truyền tải những thông điệp văn hóa xa xưa có cách đây nhiều thế kỷ".

Những thẻ bài bằng ngọc thời Tây Chu.

Đễ sở hữu được những cổ vật này, anh Nam phải tốn nhiều thời gian và bỏ ra hàng tỷ đồng để mua về sưu tầm. Thậm chí mê món đồ cổ đó, phải cuốn khăn gói đi học các chuyên gia sưu tầm đồ cổ ở TP HCM và Hà Nội, và những bậc thầy về hóa, địa hóa, kim loại, công nghệ vật liệu, ngọc học… ở Viện khoa học vật liệu, trường Đại học Bách Khoa TP HCM, trường Đại học Khoa học tự nhiên, những nhà lịch sử văn hóa dân tộc học và cả những chuyên gia giám định cổ vật ở nước ngoài.

"Nhưng thật ra đối với tôi, chơi cổ vật là phải biết tường tận về những cổ vật thì mới thú vị. Một phần chơi cổ vật là để tiếp tục gìn giữ và xây dựng bộ di vật gia bảo trong gia đình cho con cháu sau này, chứ không phải kinh doanh, nên không thể tính được giá trị với tài sản này", anh Nam nói.  

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-suu-tap-the-bai-tien-ty-cua-vua-do-co-mien-tay-a38983.html