+Aa-
    Zalo

    Đòi nợ trái pháp luật hay là tội 'Cướp tài sản'?

    • DSPL
    ĐS&PL Hiện nay, những vụ việc từ người đi thu nợ, người bị mất tài sản trở thành bị cáo xảy ra không hiếm, để lại nhiều băn khoăn, trăn trở cho cả người tiến hành tố tụng, cho Luật sư, cho dư luận xã hội.

    Với cách đánh giá tội phạm hiện nay của các cơ quan tố tụng và quy định pháp luật hiện hành thì những vụ việc người đi đòi nợ bị xử lý hình sự vẫn diễn ra phổ khá phổ biến. Thế nhưng, thực tế chúng ta đều nhận thấy việc hành hung người khác để ép trả nợ, trả tài sản vốn là của mình hoàn toàn khác với bản chất việc dùng vũ lực để cướp tài sản của người khác. Nếu chỉ nhìn vào hình thức biểu hiện của hành vi mà không xem xét rõ bản chất của sự việc thì sẽ không tránh khỏi việc nhiều người bị kết án những mức án, tội danh quá nặng so với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của họ hoặc thậm chí là bị kết án oan, sai.

    doi no trai phap luat hay la toi cuop tai san dspl 1

    Dấu hiệu pháp lý tội “Cướp tài sản”

    Khách thể của tội “Cướp tài sản” là quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của con người. Đối tượng tác động của tội “Cướp tài sản” là tài sản bao gồm vật, tiền và con người. Một số tài sản đã được quy định là đối tượng tác động của các tội phạm cụ thể khác mà không phải là đối tượng tác động của tội phạm sở hữu như công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, chất độc, chất cháy, chất ma túy…

    Chủ thể của tội “Cướp tài sản” là người từ đủ 14 tuổi trở lên đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

    Về mặt khách quan, thì tội “Cướp tài sản” được thể hiện bởi một trong các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong đó dùng vũ lực được hiểu là dùng sức mạnh vật chất (có vũ khí hoặc công cụ phương tiện khác) để chủ động tấn công người quản lý tài sản hoặc người khác, hành động tấn công này có khả năng gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người bị tấn công và làm cho họ mấy khả năng chống cự lại (ví dụ dùng dao chém, dùng gậy đánh,…).

    Việc dùng vũ lực là nhằm mục đích làm cho người bị tấn công mất khả năng chống cự để cướp tài sản. Việc dùng vũ lực được thực hiện ở cả hai phương thức bí mật hoặc công khai để cho người bị tấn công biết. Còn đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc là đe dọa dùng ngay tức thì sức mạnh vật chất như trên nếu người bị tấn công không chịu khuất phục (ví dụ rút dao dọa chém) để buộc người bị tấn công phải sợ và tin rằng nếu không để cho họ lấy tài sản thì tính mạng, sức khỏe sẽ bị nguy hại. Đe dọa dùng ngay tứ khắc thông thường được kết hợp giữa hành vi sử dụng vũ lực với những thái độ, cử chỉ, lời nói hung bạo để tạo cảm giác cho người bị tấn công sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực ngay tức khắc nếu không giao tài sản. Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được là hành vi làm cho người bị tấn công tuy biết sự việc đang xảy ra nhưng không có cách nào chống cự được (như bị trói, nhét giẻ vào mồm không thể kêu cứu, bị nhốt vào buồng kín….) hoặc tuy không bị nguy hại đến tính mạng, sức khỏe nhưng không thể nhận thức được sự việc đang xảy ra (như lén lút cho ngửi hoặc cho uống thuốc mê làm nạn nhân mê man, bất tỉnh trong chốc lát đủ thời gian để lấy tài sản). Người bị tấn công là người đang quản lý, trông coi tài sản. Xét mối quan hệ sở hữu thì tài sản đó có thể là tài sản của người bị tấn công hoặc của người khác nhưng người bị tấn công thường là người đang trực tiếp quản lý tài sản hoặc cá biệt người bị tấn công không có trách nhiệm quản lý tài sản nhưng có thể làm cản trở việc chiếm đoạt của người phạm tội. Tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi dùng bạo lực, đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, không kể người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không.

    Về mặt chủ quan, tội “Cướp tài sản” được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp, mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội này.

    Tội phạm này được quy định 5 khung hình phạt tại Điều 168 Bộ luật Hình sự, trong đó hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; hoặc làm chết người,… Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    doi no trai phap luat hay la toi cuop tai san dspl 2
    Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

    Những vướng mắc liên quan đến đòi nợ trái pháp luật

    Đòi nợ trái pháp luật hay là cướp tài sản? Đây là một vấn đề cần phải làm rõ khi xử lý những hành vi đòi nợ trái pháp luật đang diễn ra phổ biến hiện nay.

    Thực tế hiện nay thì các quan hệ tranh chấp về tài sản như vay nợ, cho mượn, cho thuê,… diễn ra khá phổ biến. Mặc dù pháp luật hiện hành quy định khi phát sinh quan hệ tranh chấp thì các bên có thể thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Phán quyết của Tòa án sẽ là phán quyết có hiệu lực thi hành đối với các bên. Nếu con nợ cố tình trốn tránh việc trả nợ bằng cách bỏ trốn thì chủ nợ có thể trình báo, tố cáo tới cơ quan công an. Đó mới là cách đòi nợ hợp pháp.

    Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng am hiểu pháp luật và cũng không phải ai cũng sẵn sàng kiên nhẫn theo đuổi một thủ tục tố tụng kéo dài. Do đó, nhiều người thường trực tiếp tìm đến người đang thuê, mượn, vay nợ tài sản để yêu cầu trả tài sản. Khi gặp mặt thì các bên không tránh khỏi lời qua tiếng lại, có người vay nợ không có tiền trả nhưng lại có người cố tình chây ì, viện đủ mọi lý do, cố tình không trả tài sản (đã mượn, thuê, vay của người kia). Thậm chí có những người còn có thái độ thách thức, khiêu khích người đi đòi tài sản dẫn đến người chủ của tài sản nóng nảy, bực tức, phẫn nộ, không kiềm chế được hành vi, cảm xúc của bản thân mà sử dụng vũ lực để yêu cầu bên vay nợ, thuê, mượn… phải trả tài sản hoặc tự ý lấy tài sản mang về. Tất cả hành vi đi đòi nợ như vậy đều là hành vi đòi nợ trái pháp luật và thực tế đã nhiều trường hợp bị xử lý về tội “Cướp tài sản”, tội “Cưỡng đoạt tài sản” hoặc tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”,… Ngoài ra, có nhiều người chủ tài sản đã thuê đối tượng khác đi đòi nợ, người được thuê sử dụng những biện pháp đòi nợ trái pháp luật và người chủ tài sản cũng vướng vào vòng lao lý.

    Thời gian gần đây, nhiều vụ án cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản được đưa ra xét xử và đặc điểm chung của các vụ án này là các bị cáo bị nợ tiền, đi đòi nợ rồi vướng vào vòng lao lý.

    Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự liên quan đến hành vi đòi nợ trái pháp luật cho thấy, nếu bên cho vay dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người vay lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này thường bị xử lý về tội “Cướp tài sản” được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu như bên cho vay đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người vay nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này có thể bị xử lý về tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015. Ở cả hai tội danh này thì pháp luật không đòi hỏi phải chiếm đoạt được tài sản thì mới phạm tội mà pháp luật chỉ đòi hỏi có một trong các hành vi nêu trên là tội phạm đã hoàn thành.

    Theo quy định của Điều 168 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì phải thỏa mãn hai dấu hiệu bắt buộc là có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự và phải có mục đích chiếm đoạt tài sản mới cấu thành tội “Cướp tài sản”. Hành vi chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi mong muốn dịch chuyển tài sản của người khác thành tài sản của mình trái pháp luật và trái với ý chí của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.

    Thế nhưng đối với các vụ án đi đòi nợ, đi đòi tài sản cho thuê, cho mượn thì quan hệ sở hữu tài sản là một vấn đề còn có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến định tội danh. Thực tế sẽ có trường hợp tài sản đó là của chính người đi đòi bị con nợ cố tình không trả hoặc cố tình chiếm giữ chứ không phải là tài sản của con nợ hoặc tài sản của người khác. Khách thể của hành vi cướp tài sản và hành vi đòi nợ trái pháp luật trong những trường hợp này về bản chất là khác nhau.

    Xét về nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội thì tội “Cướp tài sản” là mong muốn chiếm đoạt tài sản của người khác trái pháp luật, trong khi đó người đi đòi nợ có lý do chính đáng vì tài sản con nợ đang chiếm giữ có thể là tài sản của người đi đòi nợ, cái sai của người đi đòi là dùng vũ lực để đòi nợ, trở thành “cướp tài sản” của chính mình. Từ đó có nhiều ý kiến cho rằng hành vi đòi nợ đó không hoàn toàn thỏa mãn các dấu hiệu hành vi cấu thành tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự, mà bản chất phải xác định đó là hành vi đòi nợ trái pháp luật, một hành vi độc lập khác.

    Chính vì những bất cập nêu trên mà việc xử lý người đi đòi nợ trái pháp luật về hành vi cướp tài sản là khá nặng so với tính chất, mức độ hành vi của họ, nếu giá trị tài sản mong muốn chiếm đoạt lớn thì khung hình phạt người phạm tội bị áp dụng là rất cao, thậm chí là tù chung thân. Việc đánh giá tội phạm và xử lý như vậy là có phần thiệt thòi cho một số người phạm tội.

    Từ những phân tích nêu trên, có thể nhận thấy tính chất, mức độ hành vi đòi nợ trái pháp luật và cướp tài sản là khác nhau; nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội cũng khác nhau. Do đó, tôi cho rằng các nhà lập pháp cần nghiên cứu quy định một tội danh riêng, độc lập là tội “Đòi nợ trái pháp luật” để quy định rõ dấu hiệu cấu thành tội phạm này. Hoặc cũng có thể bổ sung trong tội “Cướp tài sản” một khung hình phạt riêng về hành vi cướp tài sản xuất phát từ đòi nợ trái pháp luật để tương xứng với tính chất, mức độ hành vi đó.

    Liên quan đến vụ đi đòi nợ bị quy tội “Cướp tài sản” tại Tây Hồ (Hà Nội), theo hồ sơ vụ án, năm 2016, Nguyễn Hữu Tài cho vay lãi dưới hình thức "bốc bát họ", trả góp theo ngày. Anh Nguyễn Công Thành vay của Tài 10 triệu đồng nhưng bị cắt lãi 2 triệu đồng, chỉ được cầm về 8 triệu đồng.
    Theo thỏa thuận, Nguyễn Công Thành có trách nhiệm trả cho Tài mỗi ngày 200.000 đồng trong 50 ngày (gồm 160.000 đồng tiền gốc và 40.000 đồng lãi). Tuy nhiên, sau đó anh Thành chỉ đóng 30 ngày rồi dừng lại, còn nợ của Tài 4 triệu đồng.

    Chiều 21/9/2016, Tài phát hiện anh Thành đang ngồi tại quán nước vỉa hè ở phường Yên Phụ (Tây Hồ) nên đã bắt ép anh Thành trả nợ. Sợ bị đánh, anh Thành bỏ chạy thì bị nhóm người của Tài đuổi theo đánh, rồi khống chế ngồi lên xe máy đưa đến địa điểm khác để ép trả nợ số tiền còn lại.

    Nhóm của Tài còn giữ điện thoại của anh Thành để anh không liên lạc với gia đình.

    Trên đường chở anh Thành đi, do xe máy bị hết xăng nên anh Thành bỏ chạy vào trụ sở Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Nhóm Tài thấy vậy ném điện thoại của anh Thành vào trụ sở rồi bỏ về. Sáng hôm sau, 22/9/2016, Tài bị Công an quận Tây Hồ triệu tập đến làm việc và đã khai nhận toàn bộ sự việc.

    Ngày 29/04/2021 TAND TP. Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Hữu Tài 24 tháng tù về tội "Cướp tài sản".

    Bốn đồng phạm của Tài cũng phải lĩnh án gồm Nguyễn Khắc Đức (29 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội), Trần Văn Lộc (26 tuổi, ở quận Tây Hồ) cùng 20 tháng tù; Nguyễn Văn Nam (27 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) 18 tháng tù, Nguyễn Quang Chính (23 tuổi, ở quận Tây Hồ) 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

    Luật sư cho rằng, hành vi đánh người, đòi tiền anh Thành của bị cáo Tài và đồng phạm không cấu thành tội “Cướp tài sản”.

    Theo quy định Điều 168 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì “cướp tài sản” là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào trạng thái không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo quy định của Điều luật này phải thỏa mãn hai dấu hiệu bắt buộc là có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự và phải có mục đích chiếm đoạt tài sản.

    Tuy nhiên, trong vụ án nêu trên chỉ thỏa mãn một dấu hiệu đó là nhóm Tài dùng vũ lực đối với anh Thành, nhưng không thỏa mãn dấu hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản bởi số tiền bị cáo đòi là 4 triệu đồng (là tài sản của bị cáo Tài đang bị anh Thành chiếm đoạt).

    Luật sư cho rằng, hành vi dùng vũ lực của Tài và đồng phạm có thể thỏa mãn tội “Cố ý gây thương tích”. Tùy theo tính chất mức độ, tỷ lệ thương tích của anh Thành thì các bị cáo sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính. Đây là loại tội khởi tố theo yêu cầu của bị hại và bắt buộc phải có kết quả giám định thương tích của bị hại.

    Những vụ việc từ người bị mất tài sản trở thành bị cáo xảy ra không hiếm, để lại băn khoăn cho không ít người vì cách đánh giá tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc hành hung người khác để ép trả nợ hoàn toàn khác với bản chất việc dùng vũ lực để cướp tài sản. Nếu chỉ nhìn vào hình thức biểu hiện của hành vi mà không xem xét rõ bản chất của sự việc, sẽ không tránh khỏi việc nhiều người bị kết án oan, sai.

    Thạc sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

    Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

    Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

    Link gốc: https://lsvn.vn/doi-no-trai-phap-luat-hay-la-toi-cuop-tai-san1621134461.html

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doi-no-trai-phap-luat-hay-la-toi-cuop-tai-san-a500883.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan