Chuyện nghề PT: Phía sau hào nhoáng là cạm bẫy không phải ai cũng biết


Thứ 2, 07/09/2020 | 04:07


Người dân Việt Nam ngày càng có xu hướng chăm sóc sức khỏe bản thân thì nghề (Personal Traning – PT, dịch sang tiếng Việt là HLV cá nhân) đang ngày càng trở nên có giá...

Người dân Việt Nam ngày càng có xu hướng chăm sóc sức khỏe bản thân nên nghề (Personal Traning – PT, dịch sang tiếng Việt là HLV cá nhân) đang ngày càng trở nên có giá. Tuy nhiên, để có thể thành công những HLV cần phải đánh đổi rất nhiều thứ và trải qua không ít áp lực, nếu không giữ mình họ có thể sa vào những cám dỗ, mãi mãi không thoát ra được. 

Thu nhập ổn định, không cần nhiều bằng cấp và chỉ cần có ngoại hình đẹp một chút... là những điều mà mọi người thường nói đến nghề PT – HLV cá nhân. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng phía sau câu chuyện chọn nghề là những trăn trở, góc khuất mà chỉ những ai dấn thân vào rồi mới hiểu. 

Đến với nghề bằng cả đam mê

Vốn là người có 4 năm gắn bó với nghề, anh chàng điển trai Quách Quang Linh (Đống Đa) chia sẻ: "Sau thời gian dài tập luyện, nhận thấy nhiều người vẫn tập sai cách và chưa nắm được trọng điểm của bài tập nên tôi đã tranh thủ hướng dẫn cho một vài người, từ đây, đam mê bắt đầu hình thành và tôi muốn dành thời gian để "đồng hành" cùng mọi người lâu hơn. Do đó, tôi đã quyết định đến với nghề. Điểm đến đầu tiên của tôi là những trung tâm chuyên nghiệp, ngoài học tập tôi còn tranh thủ bổ sung thêm kiến thức, hoàn thiện bản thân". 

Cũng theo Linh, để theo đuổi công việc hiện tại, anh phải đánh đổi rất nhiều. Đầu tiên là từ bỏ việc học tập ở một trường đại học, tiếp đó là hạn chế các mối quan hệ cá nhân, luyện tập khắc nghiệt… để đáp ứng với yêu cầu công việc. 

PT Quách Quang Linh đã phải đánh đổi rất nhiều thứ để theo đuổi đam mê.

"Thời gian đầu, khi biết đến việc con bỏ học để đi theo nghề PT cha mẹ tôi đã phản đối rất nhiều bởi chẳng ai muốn con mình vứt bỏ tương lai nơi bàn giấy, công sở để ra ngoài làm một công việc lạ lẫm, khó có danh vọng",  anh Linh trải lòng. 

Nghề HLV cá nhân này cũng tiêu tốn thời gian của anh Linh bởi đặc thù công việc là phải luyện tập liên tục trong nhiều tiếng đồng hồ để có hình thể tốt nhất phục vụ cho công việc. Anh nói thêm: "Tôi cũng chẳng còn lúc nào rảnh để có thể yêu đương khi có nhiều lúc phải làm trên 10 tiếng đồng hồ một ngày.”

Anh Linh cũng xác định là mình không thể gắn bó lâu dài với nghề bởi độ tuổi ảnh hưởng khá lớn. Khách hàng luôn ưa chuộng những người trẻ tuổi, nhiệt huyết và truyền cảm hứng cho họ tập luyện hơn. Rất ít HLV cá nhân theo đuổi con đường chuyên nghiệp sau này. “Mình cũng xác định là sau một vài năm nữa mình sẽ bắt tay vào công việc kinh doanh sau khi giải nghệ", anh cho biết thêm. 

Bỏ mặc khen chê của người đời

Là một ngành nghề khá mới, nên công việc PT vẫn đang nhận những cái nhìn trái chiều từ mọi người. Không ít ý kiến cho rằng đây là công việc "tay chân" chỉ cần sức khỏe, không cần trí tuệ... Đáp lại những ý kiến này, PT Mai Chi (người có 10 năm trong nghề) hiện đang sống và làm quản lý một trung tâm tại Cầu Giấy cho hay: "Công việc này thực ra không hề dễ dàng, cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt lẫn chất xám ra. Để đáp ứng với yêu cầu của công việc thì ngoài sức khỏe thì còn phải nghiên cứu, trang bị kỹ kiến thức về chế độ dinh dưỡng, cơ thể người để có thể vạch ra một kế hoạch luyện tập, ăn uống chi tiết và phù hợp từng khách hàng. Tất cả các PT nếu muốn hành nghề và cấp chứng chỉ đều phải nắm vững và có độ hiểu biết nhất định về những điều trên.”

Phải lên kế hoạch dinh dưỡng chi tiết cho học viên, hiểu về cả sinh học, nghề PT đâu chỉ cần đòi hỏi mỗi thể lực?? Hình ảnh một bữa ăn theo chế độ luyện tập mà phóng viên được cung cấp.   

PT Quang Linh chia sẻ thêm: "Làm PT cũng phải chịu áp lực về doanh số. Bởi vậy, đòi hỏi mỗi PT ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có kỹ năng giao tiếp tốt với khách hàng, phải có ý chí, học hỏi và không ngừng cầu tiến. Nói chung, công việc này không khác gì nghề sales cả. Ai bảo PT chỉ cần tay chân thôi?".

Nghề nào cũng cần cái tâm

Khi được hỏi về vụ bán dâm của một HLV thể hình với giá 18 triệu động vừa qua, HLV Quách Quang Linh thẳng thắn cho hay: “Vụ việc này có lẽ ảnh hưởng khá nhiều tới công việc của cộng đồng PT, bởi nếu ông chồng, bà vợ, hay người yêu mà đọc được những bài viết được đăng tải trên mạng thì chắc gì họ có cái nhìn thiện cảm về nghề? Họ sẽ nghĩ nhiều huấn luyện viên lợi dụng nghề nghiệp làm công cụ kiếm tiền bất chính. Từ đó sẽ gây ra những áp lực vô hình, sự nghi kỵ từ người ngoài cũng như tâm lý e ngại khi đến phòng tập.”

Anh Linh chia sẻ thêm, kể từ khi bước chân vào nghề, anh đã từng gặp phải những lời gạ gẫm không đúng mực từ khách hàng và phải từ chối khéo. Theo anh Linh, mỗi PT cần phải đặt ra một nguyên tắc đạo đức riêng để tránh rơi vào những cám dỗ, những PT mới vào nghề cố tình sa vào chắc chắn sẽ mang về cho mình những rắc rối không hề nhỏ; chưa kể nếu các trung tâm phát hiện ra thì sự nghiệp sẽ có nguy cơ bị chấm dứt.

PT cũng giống như mọi nghề khác, cũng có những cám dỗ. Vậy nên cần xây dựng những nguyên tắc đạo đức cho riêng mình là điều vô cùng cần thiết.

Đồng quan điểm với ý kiến của anh Linh, chị Mai Chi cho hay: “Một số người dễ bị ảnh hưởng bởi những lời bàn tán bên ngoài, nên không dễ gì họ đồng hành tiếp cùng trung tâm hay HLV trong các khóa học tiếp theo”.

Trên cương vị là một người đã gắn bó lâu năm và có nền tảng kiến thức sâu rộng trong công việc, chị Mai Chi gửi lời khuyên các PT trẻ rèn luyện cho mình một bản lĩnh để không bị sa ngã. "Nếu bạn yêu nghề, quyết tâm theo đuổi đam mê và có một định hướng rõ ràng thì PT chắc chắn sẽ là một sự lựa chọn hấp dẫn", chị Mai Chi nhắn nhủ.

Hồng Sơn

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-nghe-pt-phia-sau-hao-nhoang-la-cam-bay-khong-phai-ai-cung-biet-a337911.html