Chuyện ly kỳ về hành trình 10 năm của “Người lang thang không cô đơn"


Thứ 7, 24/12/2016 | 06:37


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Anh thương binh nặng Nguyễn Đình Thúc (tổ dân phố 2, xã Vũ Chính, TP. Thái Bình) là nguyên mẫu của nhân vật trong vở kịch "Người lang thang không cô đơn"

(ĐSPL) - Anh thương binh nặng Nguyễn Đình Thúc (tổ dân phố 2, xã Vũ Chính, TP. Thái Bình) là nguyên mẫu của nhân vật trong vở kịch "Người lang thang không cô đơn" (nhà văn Minh Chuyên) giờ đây đã có một người vợ hiền thảo, những đứa con chăm ngoan. Ông trời không lấy đi của ai tất cả, điều đó quả đúng bởi đi bên đời anh không chỉ có tổ ấm gia đình mà còn có cả tấm lòng nhân hậu của một người phụ nữ, từng là vợ chưa cưới, đã hy sinh tuổi thanh xuân chờ đợi anh suốt cuộc chiến và cũng vì hạnh phúc của anh, chị đã quyết định "nhường chồng" cho người bạn gái cùng thôn...

Chuyện tình dang dở

Bút ký "Người lang thang không cô đơn" của nhà văn Minh Chuyên là câu chuyện có thật về anh thương binh Nguyễn Đình Thúc hiện đang sống ở số nhà 376, tổ dân phố 2, xã Vũ Chính, TP. Thái Bình. Mặc dù anh đã có giấy báo tử về gia đình nhưng sự thật là anh vẫn còn sống. Bà Phạm Thị Học, SN 1949 ở thôn Đông Hải, xã Vũ Chính, TP. Thái Bình là người yêu của anh Thúc và cũng là nhân vật được nhắc tới trong bài bút ký. Nhưng ẩn sau những trang văn đó lại là cả một câu chuyện tình buồn nhưng ấm tình người của người con gái bất hạnh này. Chuyện rằng, tình yêu đến với chàng trai trẻ Nguyễn Đình Thúc và người con gái đảm đang Phạm Thị Học bắt đầu từ những buổi tham gia văn nghệ và các hoạt động đoàn thể.

Đồng cảm, yêu thương, tình yêu của đôi trẻ hai gia đình hết sức ủng hộ và mong muốn đám cưới diễn ra. Tháng 5/1966, gia đình anh Thúc chính thức xin "bỏ ngõ" với gia đình chị Học xin phép cho hai cháu đi lại, cho hai gia đình coi nhau như người nhà. Thế nhưng, khi anh Thúc vừa tròn 19 tuổi và trúng tuyển đi bộ đội thì đã dừng lại chuyện kết hôn giữa hai người. "Ngày ấy ai đi bộ đội đâu có biết trước được điều gì nên anh ấy sợ nếu anh ấy có mệnh hệ gì thì sẽ khổ cả đời. Chiến tranh đúng là tàn khốc nhưng không vì thế mà làm tan vỡ tình yêu của chúng tôi.

Tháng 2/ 1968, anh ấy lên đường nhập ngũ với lời hứa ngày hòa bình sẽ trở về cưới tôi", bà Học tâm sự. Chị Học ở hậu phương ngày đêm mong ngóng tin anh. Mỗi một cánh thư là cả một niềm hạnh phúc vô bờ. Bà nhớ lại: "Tháng 5/1968, sau ba tháng anh Thúc lên đường nhập ngũ tôi nhận được lá thư cuối cùng của anh ấy trong thư anh ấy bảo rằng anh ấy đang hành quân ở Quảng Bình. Sau lá thư đó thì biệt tin".

Chờ mong mòn mỏi đến năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất mà vẫn không thấy hình bóng anh Thúc đâu. Bao đêm chị chẳng thể nào chợp mắt cứ hướng về phía trời Nam mà khóc! Càng hy vọng chị càng tuyệt vọng trong khi tuổi xuân cứ trôi vùn vụt... Ngày gia đình nhận được giấy báo tử bà Học lúc đó không thể khóc thành lời. Bà biết, nếu lúc này bà gục ngã thì ai sẽ đứng ra chăm lo cho gia đình ông Thúc bởi bố mẹ anh đã già trong khi anh có một người chị gái bị bệnh tim không lao động được gì lại cộng thêm một người em trai khiến gánh nặng đè lên đôi vai nhỏ bé của người con gái mới 26 tuổi đầu. Nhưng dù gánh nặng này mọi người bảo bà buông ra bà vẫn nhất quyết không chịu.

Cho tới tháng 5 /1976, làng Tống Vũ, xã Vũ Chính (thị xã Thái Bình) đã quyết định tổ chức lễ truy điệu cho liệt sĩ Nguyễn Đình Thúc. Còn về phần anh Thúc, đồng đội và người thân đều không biết, anh Thúc may mắn được cứu sống ở một đội phẫu thuật và bị địch bắt. Do vết thương nặng ở đầu, ở ngực, anh Thúc đã bị bệnh tâm thần. Khoảng tháng 2/1975, nhân đợt trao trả tù binh, anh Thúc bỏ trốn, sau đó đi lang thang khắp nơi, không biết đâu là quê hương... Cuối năm 1976, anh phiêu dạt đến chợ Cầu Giấy (Hà Nội) ăn xin rồi bị kẻ xấu đánh đập. Xót thương anh, ông bà Châu (ở khu tập thể Thủ Lệ 1, phường Cầu Giấy - Hà Nội) đã mang anh về nuôi dưỡng như con trong nhà. Sau đó, họ tìm khắp nơi những mong tìm được người thân cho anh đỡ tủi...

Một ngày cuối năm 1980, gia đình bà Tám (mẹ anh Thúc) nhận được một lá thư của người bà con làm nghề bán bánh giò ở chợ Cầu Giấy, ở gần nhà ông bà Châu, kể về một anh thanh niên mất trí hay gọi tên bố mẹ là: "Tam, Tàm", có nhiều đặc điểm giống anh Thúc. Gia đình bà Tám vội vã tìm đến nhà ông bà Châu... Nhìn hình hài con, mẹ anh chỉ còn biết khóc khi anh Thúc không còn khả năng nhận thức ai là cha mẹ mình...

Ảnh minh họa.

"Nhường chồng" cho người bạn gái cùng thôn...

Ngày anh học trở về, bà lại càng đau lòng. Cái đau lòng không phải tình yêu của bà dành cho ông đã hết mà bà biết rằng mình không có diễm phúc được sống chung dưới một mái nhà với ông. Nuốt nước mắt vào trong bà xin phép với bố mẹ ông: "Con không có phúc được làm con dâu bố mẹ, làm vợ anh Thúc thì con xin được làm con gái bố mẹ làm em gái anh Thúc để lo cho anh ấy nốt quãng đời còn lại", bà Học tâm sự. Ngày ông Thúc trở về mọi công việc chăm lo cho ông, bà Học đều đảm nhiệm hết. Vết thương của ông Thúc hàng ngày vẫn chảy nước và máu bà lại một tay lo giấy tờ xin cho ông đi viện. Rồi suốt 10 năm, bà tự đi tìm đơn vị, đồng đội cũ của ông xác minh sự việc ông còn sống để làm giấy thương binh cho ông.

Những ngày ông ở viện, tuần nào, bà Học cũng lọc cọc lên thăm ông. Thấy ông ngày càng gầy hơn bà lại làm đơn xin đưa ông về nhà chăm sóc. Cũng ít ai biết rằng, vào năm 1972, đang ở tuổi 23, bà Học phải vào viện vì căn bệnh u nang buồng trứng. Biết mình không còn khả năng làm mẹ, một ngày, chờ cho hàng xóm đến thăm anh Thúc đã về hết, chị Học mới thưa câu chuyện khó nói nhất của đời mình: "Thưa bố mẹ! Con đã không còn khả năng làm mẹ nữa. Anh Thúc cần phải được hưởng hạnh phúc làm cha và bố mẹ cần có những đứa cháu để vui sống tuổi già. Bố mẹ tìm người con gái khác để cưới cho anh Thúc đi!". Bà cũng là người đứng ra tìm hiểu rồi cùng gia đình bàn bạc.

Phải mất gần nửa năm "thử thách" chị Học mới "chấm" Đinh Thị Mận – người bạn gái thân cùng làng với chị. Chị Học đã đứng lên tổ chức lễ cưới long trọng cho anh Thúc và chị Mận. Tự tay chị đi mua sắm từ cái xoong, cái chảo đến chiếc giường cưới... Ngày đám cưới của ông Thúc, bà Học là người vui nhất bởi bà hy vọng dù bà không thể mang lại cho ông một hạnh phúc gia đình thì bà phải tìm được người mà bà tin sẽ mang lại cho ông đó là một gia đình và những đứa con khỏe mạnh. Chỉ cần ông hạnh phúc là bà đã mãn nguyện.

Sau ngày ông Thúc lấy vợ bà Học vẫn một mình đi lo thủ tục giấy tờ xác minh cho ông từ đơn vị rồi về tỉnh xin thủ tục làm thương binh cho ông. Thấy kinh tế gia đình ông khó khăn lại nuôi con nhỏ, bà lại cùng gia đình ông Thúc lên tận huyện để vận động xây dựng cho ông một căn nhà tình nghĩa ven đường quốc lộ 39 để ông yên tâm sinh sống. Nhắc lại kỷ niệm bà Học tâm sự: "Ngày tôi đứng ra làm đám cưới vun vén hạnh phúc cho anh Thúc với cô Mận không ít người trong xã bảo tôi không muốn lấy một người tàn phế làm tôi khóc không thành tiếng".

Giờ đây khi ông Thúc đã có một mái ấm hạnh phúc thì bà Học mới thực sự cảm thấy yên tâm và mãn nguyện. Còn riêng bà cho tới tận bây giờ bà vẫn sống cô đơn một mình mà chưa có lấy một ngày hạnh phúc thật sự.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ly-ky-ve-hanh-trinh-10-nam-cua-nguoi-lang-thang-khong-co-don-a175601.html