Chuyện tình thời chiến: 500 bức thư tình vượt lửa đạn chiến trường của tướng Phan Khắc Hy


Thứ 6, 24/04/2020 | 06:29


24 năm xa cách, sợi dây liên hệ giữa tướng Hy và vợ chỉ là hàng trăm lá thư, mang theo tình yêu của người lính từ chiến trường chống Pháp rồi đến chống Mỹ.

24 năm xa cách, sợi dây liên hệ giữa tướng Hy và người vợ ở hậu phương chỉ là hàng trăm lá thư, mang theo tình yêu của người lính từ chiến trường chống Pháp rồi đến chống Mỹ.

Những cánh thư vượt bom đạn

Theo Báo Quảng Bình, Thiếu tướng Phan Khắc Hy - nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân; nguyên Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa VIII; Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, sinh ngày 1/1/1927 tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Tại hội thảo “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc”, ông đã thực sự đã gây ấn tượng về hình ảnh người lính Cụ Hồ, dũng cảm trong chiến đấu, lãng mạn trong tình yêu.

Đó là những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, cô gái Nguyễn Thị Ngọc Lan (sinh năm 1932) xếp bút nghiên xung phong vào mặt trận Bình Trị Thiên còn Phan Khắc Hy lúc đó là Phó bí thư Tỉnh uỷ, Tỉnh đội trưởng Quảng Bình, được điều vào xây dựng lực lượng chủ lực. Họ gặp nhau giữa chiến trường.

“Đó là tiếng sét ái tình đấy. Thanh niên tham gia cách mạng, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng nhưng lòng vẫn thầm mong có tình yêu làm chỗ dựa”, tướng Phan Khắc Hy nhớ lại.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy và vợ đã viết cho nhau hơn 500 bức thư tình xuyên suốt hai cuộc kháng chiến. Ảnh tư liệu

Nhưng chuyện tình cảm của chàng trai Quảng Bình không được suôn sẻ như ông mong muốn. Suốt thời gian dài, cô gái Ngọc Lan cứ tránh mặt. Cuối cùng ông mới biết lý do rằng bà là cháu ngoại của một nhà nho xứ Nghệ, bà sợ ông ngoại mắng vì vừa ra chiến trường, chưa đóng góp được gì đã vội yêu đương. “Đó là lý do tôi cứ tấn công, còn bà ấy cứ phòng thủ”, ông cười kể với Tri thức trực tuyến.

Phan Khắc Hy phải nhờ đến Tư lệnh mặt trận Bình Trị Thiên viết thư cho ông ngoại người yêu, xin phép cho hai người tìm hiểu. Phải chờ tới bức thư đồng ý của ông ngoại gửi từ Hà Tĩnh vào, bà Ngọc Lan mới thôi tránh mặt.

"Những lần ra chiến trường, nhớ về bà ấy, tôi thường tâm sự qua những trang thư tràn ngập yêu thương. Tôi đã được vợ tặng cho một chiếc túi nhỏ màu xanh do tự tay bà khâu như vật đính ước. Quen nhau tròn một năm, tôi ngỏ lời muốn tiến đến hôn nhân. Tháng 11/1952, tại chiến khu Ba Lòng, được sự giúp đỡ của đồng chí Trần Quý Hai - Chỉ huy trưởng; Đồng chí Chu Văn Biên - Chính ủy mặt trận Bình Trị Thiên, chúng tôi chính thức thành vợ thành chồng".

Vợ chồng Thiếu tướng Phan Khắc Hy - Nguyễn Thị Ngọc Lan thời trẻ. Ảnh tư liệu

Sau đó là những tháng ngày biền biệt. Ông đi từ chiến dịch này sang chiến dịch khác.

"Em ơi! Thương em nhiều lắm"

"Ngọc Lan từ một văn thư trở thành y sỹ của Sư đoàn 325. Đến năm 1969, tốt nghiệp ĐH Y rồi được chuyển về làm việc tại bộ Y tế. Hậu phương vững chắc. Tôi an lòng trên các chiến trường đầy đạn bom, gian khổ. Nhớ đến người vợ trẻ ở hậu phương, tôi chất chứa tâm sự qua những cánh thư nhận được đều cất vào trong chiếc túi màu xanh. Thú thật, những bức thư viết trên giấy pơ-luya theo tôi suốt các chặng đường hành quân, mang theo cả tấm lòng, tình yêu của vợ. Bức thư tôi viết đầu tiên vào ngày 3/4/1952, khi bắt đầu yêu nhau và lá thư cuối viết ngày 7/5/1975, sau giải phóng miền Nam hơn một tuần.", tướng Hy nhớ lại.

Những ngày ở Việt Bắc, ông viết thư cho bà trên mọi loại giấy có thể tận dụng được. Có những bức thư chữ nhỏ chi chít trong diện tích bằng bao thuốc lá. “Em ơi, thương em nhiều lắm, nói và viết khó khi nào hết. Tìm ở đây tất cả tha thiết của lòng anh... Lan vẫn luôn gần anh, đôi mắt hiền và bàn tay mềm mại. Hôn em nhiều”.

Thi thoảng dưới thư ông ký tên Khắc Ngọc, ghép tên đệm của ông và bà với nhau. Ông nói những bức thư như sợi dây tình cảm đậm đà nhất vượt qua bom đạn và thử thách. Ông đi chiến trường, thi thoảng ghé thăm nhà gửi thư nhờ mẹ cất giùm. Cứ thế, thư của ông và bà được mẹ gói lại trong mo cau, treo trên gác bếp, chờ ngày con về.

"Mỗi khi máy bay Mỹ sắp ném bom, trước khi xuống hầm ẩn nấp bà đều chạy đến gác bếp, lấy gói mo cau bọc thư, đem xuống hầm… Khi yên ổn, trở lên mặt đất bà lại cất lên gác bếp. Nhờ vậy mà thư từ giữa hai chúng tôi còn nguyên vẹn đến ngày nay.", ông xúc động kể với Pháp luật & Xã hội.

Thư "cho phép" của ông ngoại bà Ngọc Lan gửi Tư lệnh mặt trận Bình Trị Thiên. Ảnh: Gia đình & Xã hội

Năm 1966, trong một quyển nhật ký, ông viết: “13 năm rồi, nếu tính từ ngày mình gặp gỡ thì đúng 14 năm 8 ngày. Ngoài trời gió mưa đang thổi, anh như nghe cả hơi thở của em và nhìn thấu đáo tâm tư tình cảm của em lúc này...

Ừ, tình cảm cộc sống của ta đã qua hai kỳ kháng chiến, từ những phút hồi hộp, bồng bột buổi đầu đến những giờ phút hạnh phúc bên nhau rất ít ỏi mà nói với nhau nhiều, yêu nhau nhiều qua những lá thư và hăng say trong công tác, chiến đấu...”.

Khi ông được điều về miền Bắc phụ trách không quân, bà lại đi sơ tán. Có những hôm về nhà, ông viết thư cho vợ: “Hôm nay về nhà lần thứ 3 kể từ hôm em đi, tờ lịch vẫn nguyên, có cả tờ báo chủ nhật. Rất nhiều việc đã làm, nhiều máy bay Mỹ rơi và cũng rất nhiều thương nhớ”.

“Có lần nhớ vợ quá tôi đánh liều nhắn lên làng sơ tán trên Thái Nguyên nói con ốm nặng. Thế là bà đạp xe trong đêm lên ga Thái Nguyên rồi mua vé tàu về Hà Nội. Về đến nơi thì hoá ra bị chồng lừa”, ông nhớ lại.

Vì việc này, bà sau đó viết thư “kiểm điểm nhẹ” chồng: “Em thấy anh thương con nhưng lại chưa thương em phải đạp xe gần 60 cây số và thức gần trắng hai đêm trên tàu... Em có thể phê phán nhẹ là anh hơi 'cá nhân' đấy vì ít thấy anh nghĩ đến chuyện em phải đi vất vả, cả những hôm em phải đi suốt đêm. Nếu có sự gì bất trắc thì sao nhỉ?”.

"Xúc động và tự hào về em"

Sau ngày thống nhất đất nước, trong bức thư gửi từ Sài Gòn sang Tiệp Khắc, ông viết: “Em yêu! Chắc em không ngờ ngày 7/5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn đã giải phóng... Nhiều cảm xúc đặc biệt. Anh sẽ ghi lại nhật ký 2 tháng qua để sau này em cùng được sống lại với anh những ngày bằng hàng chục năm đó. Anh đến Sài Gòn ngày 1/5. Sài Gòn rất đông, suốt các ngả đường, dòng người, dòng xe cứ như nước... Vấn đề lớn bây giờ và sắp tới là xây dựng đất nước thống nhất, phồn vinh, em sẽ về cùng tham gia vào sự nghiệp đó. Viết vội chừng này... Gửi em tất cả niềm vui, xúc động, nhớ thương và tự hào...”.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy và bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan chụp ảnh cùng 1 trong ba người con. Ảnh tư liệu

Hơn 1 tháng sau, từ Praha (thủ đô Tiệp Khắc lúc đó), bà viết: “...Từ khi được tin giải phóng Sài Gòn thì đã sung sướng và mừng vui vô hạn, tuy nhiên niềm vui chưa hoàn toàn trọn vẹn vì vẫn còn chờ thư anh. Từ nay, em bớt đi phần lo lắng, cái lo lắng thường xuyên như cơm bữa... Giá trị của độc lập, hoà bình cảm thấy thiết thân và cụ thể như sờ thấy được anh ạ”.

Năm 1976, bà học xong về nước, gia đình đoàn tụ sau 24 năm ròng rã chia cách bởi chiến tranh. Thư ông để trong chiếc túi xanh bà thêu, ông giữ trọn vẹn từng bức đến ngày hoà bình.

"Với tôi, biết bao kỷ niệm xương máu của những ngày đạn bom khói lửa vẫn như mới hôm qua. Giữa những giây phút sinh tử, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, những lá thư động viên, chứa chan tình yêu thương của vợ đã giúp tôi có thêm sức mạnh, nghị lực để vượt qua mọi hiểm nguy. Tôi thấy mình may mắn khi được lành lặn trở về bên gia đình. Đồng đội tôi, hàng vạn trái tim đã mãi mãi nằm lại ở tuổi hai mươi.", tướng Hy xúc động nói.

Tướng Hy (áo trắn đứng giữa) cùng đồng đội thắp nén nhang cho các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại chiến trường Lào.

Minh Khôi (T/h)


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-tinh-thoi-chien-500-buc-thu-tinh-vuot-lua-dan-chien-truong-cua-tuong-phan-khac-hy-a320761.html