+Aa-
    Zalo

    Góc khuất của 4 người phụ nữ tí hon tật nguyền dìu nhau

    ĐS&PL Câu chuyện thật buồn nhưng không bi quan. Dù tứ chi co rút, dặt dẹo, 4 người phụ nữ tí hon này vẫn đủ yêu thương để dìu nhau vượt qua số phận.

    Thấy có người đến tìm, bà Cúc bám tay vào chiếc ghế nhựa nhỏ, nhấc ghế làm gậy di chuyển chậm chạp ra trước cửa nhà. Ngồi trước hiên, chuyện đời vui buồn được bà kể một cách hồn nhiên. Câu chuyện thật buồn nhưng không bi quan. Dù tứ chi co rút, dặt dẹo, 4 người phụ nữ tí hon này vẫn đủ yêu thương để dìu nhau vượt qua số phận.

    Bi kịch của những người đàn bà hẩm hiu

    Bà Nguyễn Thị Cúc (67 tuổi, ngụ phường 2, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) sống cùng con gái và 2 chị em gái khác trong một con hẻm nhỏ. Ba căn nhà san sát nhau, đều đơn sơ, nhỏ hẹp. Bà Nguyễn Thị Mai (69 tuổi), chị lớn của bà Cúc phải nằm một chỗ do 2 chân bị co cơ. May mắn hơn, bà Cúc, chị Phạm Thị Anh Thy (44 tuổi, con gái bà Cúc) và bà Nguyễn Thị Hà (66 tuổi, em gái bà Cúc) còn di chuyển được nhờ gậy và ghế.

    Ngồi trước hiên nhà, bà Cúc tâm sự: “Căn nhà của tôi được chương trình Bàn tay nhân ái xây dựng, chứ tôi nghèo chỉ dùng lá lợp, tre làm cột. Dù ở 3 căn nhà riêng nhưng lúc hữu sự, chúng tôi đều kề cận, lo lắng cho nhau. Nhà tôi có 4 anh chị em, 3 người con gái bị tật nguyền, tay chân còng queo, duy chỉ có anh trai khỏe mạnh, cao lớn. Chúng tôi có tật giống cha, bẩm sinh đã có đôi chân ngắn và dị dạng, không thẳng như mọi người”.

    Mắc phải dị tật kỳ lạ, mấy chị em bà Cúc họa hoằn lắm mới bước ra khỏi nhà. Ngày nhỏ, các bà đều bị bạn học ở trường xa lánh và buông lời chọc ghẹo. “Họ chế nhạo rằng: “Sao mày lùn quá vậy?”. Nghe bạn chọc, tôi chỉ cười và nói: “Mấy bạn đừng có chế nhạo mình như vậy. Tại mình vô phước nên mang tật khác người, các bạn có phước nên lành lẽ, mình vui cho bạn”. Tôi đáp lời, họ liền nín thinh. Họ không hiểu mới chọc mình, chứ hiểu thì đâu ai nỡ nói như thế”, bà Cúc nhớ lại.

    Trước đây, 4 phụ nữ này đều khỏe mạnh, đi làm như bao người. Bắt đầu từ năm 40 tuổi, họ yếu dần, răng rụng hết. Bà Cúc chia sẻ: “Lúc còn khỏe, tôi nấu khoai lang, khoai mì, củ từ... bán ở cổng trường gần nhà. Sau khi lần lượt sinh 2 đứa con, sức khỏe tôi xuống dốc. Từ năm 40 tuổi, tôi thấy mình yếu hẳn, chân tay đau nhức, răng rụng chảy máu...”.

    Cũng như bà Cúc, chị Thy từng chạy xe đạp, đi bộ hơn chục cây số, trèo cây hái trái vẫn không thấy mệt. Thế nhưng, mấy năm nay, chị không còn đủ sức đi ra ngoài, chỉ quanh quẩn trong nhà. Chị Thy cũng không có bạn bè nhưng được cô bác hàng xóm lớn tuổi thương mến, thường sang thủ thỉ chuyện trò. Chị học đến lớp 3 đã phải nghỉ, ở nhà phụ mẹ làm mướn.

    “Ba năm toàn được hạng Nhất. Tôi nghỉ học, cô giáo đến nhà năn nỉ mẹ cho tôi học tiếp. Nhưng, mẹ đâu có tiền, cha tôi chết, nhà khổ dữ lắm”, chị Thy kể mà mặt buồn hiu hắt.

    Thấy mắt con gái đỏ hoe, bà Cúc buồn thiu nói: “Từ lúc chị gái của nó mất năm 17 tuổi, hai mẹ con mắm muối bên nhau. Nhiều lúc, tôi nằm đêm suy nghĩ, mình mà chết trước thì khỏe thân, chỉ tội nghiệp con gái sống một mình, không ai bảo vệ. Thương con vò võ một mình, tôi chết chắc không nhắm mắt”.

    Để mưu sinh, 4 phụ nữ tý hon nhận lột me thuê với tiền công 4.000 đồng/kg. Nhưng, đến tận 2 ngày, bà Cúc và con gái mới lột được vỏn vẹn 20kg me. Hết vụ me, họ lại thất nghiệp. “Cũng may, lâu lâu, cán bộ địa phương cho phiếu đi lãnh quà, nào gạo mì, nước mắm, nước tương... Hai mẹ con ăn không có bao nhiêu, lay lắt qua ngày cũng không phải đói”, bà Cúc cho biết.

    Bà Mai không thể đi lại do chân đau nhức.

    Đã kém may mắn còn gặp Sở Khanh

    Nhắc đến chuyện tình cảm đôi lứa, bà Cúc tự hào: “Tôi nhỏ xíu nhưng hồi trẻ cũng đẹp gái lắm. Năm 24 tuổi, tôi gặp một chàng trai cao lớn. Thấy tôi dễ thương, ngày nào ảnh cũng đến mua khoai lang, rồi hỏi thăm đủ chuyện. Khi ảnh tỏ tình, tôi từ chối đến cùng.

    Vậy mà, ảnh ráng theo đuổi một năm trời, còn sang nhà tôi ở rể. Tôi tâm sự với anh, trên thế gian thiếu gì những người con gái đẹp để thương, cưới tôi mai mốt khổ lắm. Đáp lại, anh chỉ nói, mọi thứ đều do duyên số, không cần đẹp, vợ xấu nhưng sống chung thủy còn hạnh phúc hơn”.

    Về ở rể, người đàn ông này không ít lần bị cha mẹ ruột sang la mắng và bắt về nhà lấy vợ khác. Họ nói với con trai, bà Cúc bị tật sau này sinh con cũng ốm yếu, lại không lo được cho chồng. Nghe vậy, chồng bà Cúc thẳng thừng nói rõ, nếu có bệnh ông nguyện chết trước chứ không đày đọa vợ con.

    “Thiệt, ảnh chết trước tôi. Ảnh bị bạn bè rủ rê, tập uống rượu đến nghiện. Bữa đó, ảnh say quá nên chạy xe bị té đập đầu mà chết. Năm đó, ảnh mới 38 tuổi, còn tôi đã 40”, bà Cúc nhớ về người chồng quá cố.

    Không may mắn như bà Cúc, bà Hà cũng có hương sắc, nhiều người đeo đuổi nhưng chẳng may gặp phải kẻ phụ tình. Bà nhớ: “Lúc tôi làm việc ở tiệm may, mỗi ngày, nam thanh niên làm nghề đạo tỳ đều chặn đường săn đón.

    Thế nhưng, chắc đoán được tính người, mẹ tôi có nói với anh: “Con gái tôi tật nguyền, còn cháu cao ráo, giờ cháu thương nhưng mai mốt cháu bỏ thì tội nó. Thôi, cháu về cưới vợ khác theo lời cha mẹ đi”. Anh đâu có chịu, vẫn theo đuổi tôi. Thế mà đến một ngày, nghe tin tôi có thai, anh lẳng lặng rời đi, trốn biệt đến Mỹ Tho (Tiền Giang) cưới vợ mới”.

    Những ngày bà Hà ốm nghén thèm chua thèm chát, mẹ của bà lo từng trái xoài, trái mận cho con. Trời thương, con gái bà Hà lành lặn và thành chỗ dựa cho người phụ nữ này ở thời điểm hiện tại. Thấy mẹ và các dì lận đận chuyện chồng con, chị Thy sống khép kín và dặn lòng sống cô độc với mẹ già. Chị nói: “Tôi thấy mẹ có chồng cực khổ. Với lại, tôi mà lấy chồng, sinh con mẹ tôi còn cực hơn”.

    Nghĩ vậy, nên hễ ai mai mối, chị Thy đều tìm cách từ chối. “Nó nói đồng ý làm chi, con ở giá, mẹ chết con vô viện dưỡng lão”, bà Cúc nhìn con với ánh mắt buồn diệu vợi.

    Địa phương ưu tiên chăm lo

    Bà Châu Ngọc Mai, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu phố 4, phường 2, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cho biết: “Ba chị em bà Cúc và con gái đều mắc phải một dạng dị tật bẩm sinh, khiến tay chân không phát triển, cong queo. Tại địa phương, 3 chị em của bà Cúc nằm trong diện hộ nghèo, trong đó 2 người nghèo theo chuẩn Trung ương, 1 người nghèo theo chuẩn của Tỉnh. Hiện tại, họ được đưa vào diện người khuyết tật, hàng tháng đều hưởng bảo trợ xã hội. Ngoài ra, vào đợt lễ Tết, UBND phường 2 đều ưu tiên cho họ”.

    NGỌC LÀI

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật kỳ 2 số Chủ nhật (24)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/goc-khuat-cua-4-nguoi-phu-nu-ti-hon-tat-nguyen-diu-nhau-a327817.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan