“Mẹ hết cách rồi, về thôi con ơi”


Thứ 3, 14/07/2015 | 02:52


Tiếng con bé nghẹn lại, lạc cả đi: “Xin mẹ cho con ở lại viện để được tiếp tục sống” khiến người mẹ nghèo lại càng nức nở.

Tiếng con bé nghẹn lại, lạc cả đi: “Xin mẹ cho con ở lại viện để được tiếp tục sống” khiến người mẹ nghèo lại càng nức nở. Đôi chân chị không còn trụ vững được nữa nên đổ quỵ xuống hành lang bệnh viện, đau đớn nhìn con như có trăm nghìn mũi dao đâm.

“Trong khoa Thận Khớp của chúng tôi có đến gần 200 bệnh nhân khó khăn, nhưng hoàn cảnh của cô bé Thắm thực sự khiến chúng tôi ái ngại và thương xót hơn cả. Bản thân em không có bảo hiểm y tế, lại thường xuyên truyền albumin với chi phí cao mà gia đình lại không đáp ứng được. Mẹ của em đã hơn 1 lần xin cho con ra viện nhưng cô bé tham sống và khát sống lắm nên cứ van nài được ở lại chữa trị. Nhìn cảnh tượng này, quả thật chúng tôi đau lòng quá”. Đó là những lời tâm sự của  BS. Phạm Quốc Cường – trưởng khoa Thận Khớp, bệnh viện 198 trong buổi chiều muộn khi đã kết thúc ca làm về hoàn cảnh đáng thương của cô bé Phùng Thị Thắm mà tôi cứ nhớ mãi.

Cô bé Thắm đáng thương tại bệnh viện 198.


Đôi bàn tay nhăn nheo, thô kệch.

Nhận ra em và gặp em quả thật không khó bởi gần như lúc nào cô bé cũng ngồi thu lu một mình ngoài hành lang bệnh viện với hai hàng nước mắt ròng ròng. Gương mặt nhìn thoáng có phần bầu bĩnh, đáng yêu nhưng đến gần mới biết là do em bị phù nề khiến những mảng da cũng sần sùi, sậm màu hết cả. Đôi bàn tay khẳng khiu, rặt những xương với những vết như sẹo khiến cho em càng trở nên đáng tội. Em bật khóc: “Mẹ nghèo không có tiền cho em chữa bệnh nên xin về nhà, nhưng về rồi là em sẽ chết chị ạ. Em chưa muốn chết đâu, em muốn được tiếp tục sống nữa chị ơi”.

Em bật khóc nức nở cầu xin được ở lại chữa bệnh.

Căn bệnh đang ở giai đoạn nguy hiểm khi tàn phá cơ thể của em ghê gớm.

Chưa biết an ủi em ra sao thì mẹ của em, người phụ nữ dân tộc Mường tất tả chạy vào, đôi mắt cũng ướt nhẹp, đỏ hoe hết cả: “Mẹ đang hỏi vay tiền rồi, nếu có thì ngày mai mẹ sẽ mua thuốc cho con truyền luôn. Mẹ xin con đừng khóc nữa”. Nói rồi, tôi còn nghe rõ cả tiếng nấc với đôi môi bặm sâu run run như sợ hãi của chị. Có thể là chị chỉ nói vậy để làm an lòng con gái, nhưng con bé nó hi vọng rồi, chị biết làm sao khi tiền không vay được?.

Chị kể cuộc đời mình cũng lận đận, người chồng hiện tại cũng cùng cảnh rổ rá cạp lại để nương tựa nhau nuôi dạy các con chung, riêng. Xuất thân ở vùng núi Thanh Sơn, Phú Thọ, sau khi chia tay người chồng đầu tiên, chị phải dắt díu 2 con lên Hà Nội kiếm sống bởi ở quê khổ quá. Thấm thoắt cũng đã mười mấy năm, mẹ con chị mang tiếng sống ở đất thủ đô nhưng chỉ đủ bữa rau, bữa cháo qua ngày trong căn nhà thuê bởi thu nhập tất cả chỉ trông vào hàng nước nhỏ.

Mẹ của em cũng không biết làm cách nào để cứu mạng sống con gái.

Con gái chị, em Phùng Thị Thắm năm lên 10 tuổi đã phát hiện căn bệnh Lupus ban đỏ phải cấp cứu và điều trị trong bệnh viện Bạch Mai. Lần đi viện ấy, chị cũng rơi vào cảnh sống dở, chết dở bởi: “Chị không có đồng nào trong túi, con thì nguy kịch. Nghĩ lúc đó bế tắc còn nghĩ quẩn hay mẹ con ôm nhau chết hết cho đỡ khổ em ạ”. Vậy mà ông trời còn thương cho em qua được, sống tiếp 16 năm nay với việc cầm cự đơn thuốc bệnh viện cho.

Em là bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt trong khoa Thận khớp nên các bác sĩ rất quan tâm.

Lần này thì em quỵ thật bởi: “Cô bé vào viện trong thể trạng suy kiệt, toàn thân phù nề, đi tiểu ít, đầy bụng khó tiêu. Lượng Albumin máu xuống quá thấp chỉ có 12, so với người bình thường phải ở ngưỡng từ 35 đến 50. Em bị thiếu máu quá nhiều nên phải truyền Albumin kết hợp với nhiều loại thuốc khác với chi phí trung bình 1 triệu/ ngày.  Với những ngày qua do bệnh nhân trong tình trạng hết sức nguy kịch nên phải truyền đến 2 chai Albumin nên chi phí tăng lên gấp đôi là 2 triệu/ ngày. Số tiền này gia đình em hoàn toàn phải chi trả toàn bộ, nhưng đến thời điểm này là gia đình đã kiệt quệ lắm rồi nên buộc phải xin cho em về nhà để chấp nhận cái chết” – Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Phó trưởng khoa Thận Khớp cho biết về bệnh tình của Thắm.

Hàng ngày ngồi ở hành lang bệnh viện...

Em mong chờ điều kì diệu đến với mình để không phải chết.

Theo bác sĩ Trang nếu để cô bé về là cái chết nắm chắc chắn trong tay trong khi tuổi đời của em còn quá trẻ, nếu cố qua được đợt điều trị nặng này bệnh nhân có thể ổn định, sau đó sẽ tiếp tục điều trị duy trì theo phác đồ với chi phí thấp hơn rất nhiều. Vì thế mà về phía khoa, các bác sĩ tha thiết mong muốn các đơn vị, cá nhân hỗ trợ cho em để cô bé có thêm một cơ hội sống.

Quay trở lại với cô bé Thắm, cho đến khi kết thúc câu chuyện với các bác sĩ, em vẫn ngồi đó, trân trân nhìn tôi như đang bắt đầu reo hi vọng. Sáng ngày mai em lại phải truyền thuốc rồi mà mẹ thì vẫn chưa biết vay tiền được của ai… Bất chợt, em lại khóc với sự van xin khiến tôi cũng chết lặng: “Cầu xin các chị cứu em, cho em được tiếp tục sống”. Thương em quá Thắm ơi, nghĩ đến ngày mai của em tôi cũng sợ nhưng sẽ không phải là kết thúc khi cả tôi, em và các bác sĩ còn tràn ngập niềm tin vào tình người, sự yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau của những trái tim ấm áp.

Theo Dân trí

Xem thêm video:

[mecloud]yYTW6JlgCv[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/me-het-cach-roi-ve-thoi-con-oi-a101963.html