Luật sư chia sẻ những thông tin cực cần thiết khi lập gia đình


Thứ 5, 26/10/2017 | 01:34


Cùng sự kiện

Hôn nhân là một sự kết hợp tuyệt vời. Việc sống với nhau là một sự sắp xếp riêng, trong khi đám cưới là công khai với mọi người về quan hệ của cặp đôi.

Hôn nhân là một sự kết hợp tuyệt vời. Việc sống với nhau là một sự sắp xếp riêng, trong khi đám cưới là công khai với mọi người về quan hệ của cặp đôi. Vậy pháp luật nước ta quy định thế nào về việc kết hôn?

Cuộc hôn nhân sẽ đưa người bạn đời bước vào gia đình của bạn và mang lại cho họ nhiều tình yêu thương, sự san sẻ hơn. Nhưng chắc hẳn bạn cũng sẽ có nhiều thắc mắc về Luật Hôn nhân và gia đình của nước ta hiện nay quy định như thế nào về việc kết hôn. Chúng ta cùng nghe Luật sư Dương Quốc Huy – Giám đốc Công ty Luật Vinabiz chia sẻ về vấn đề này.

Thưa Luật sư, hiện nay có được kết hôn khi mới 17 tuổi? Nếu chưa đủ tuổi kết hôn mà tổ chức đám cưới thì có bị xử phạt hành chính không?

Căn cứ quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: Điều 8. Điều kiện kết hôn.
Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
"Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

Như vậy, không được kết hôn khi mới 17 tuổi vì chưa đáp ứng điều kiện về tuổi được kết hôn căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Mặt khác, việc bạn chưa đủ tuổi kết hôn mà tổ chức đám cưới có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 09 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã:
Điều 47. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn”.

Đăng ký kết hôn sau khi tổ chức đám cưới có bị phạt không? Luật sư có thể cho biết thủ tục đăng kí kết hôn theo quy định của pháp luật hiện nay?

Theo quy định của pháp luật hiện hành không phân biệt thủ tục đăng ký kết hôn trước hay sau khi tổ chức đám cưới cũng như chưa có quy định nào về việc phạt tiền đối với việc tổ chức đám cưới trước khi đăng ký kết hôn. Như vậy, đăng ký kết hôn sau khi tổ chức đám cưới không bị xử phạt căn cứ theo các quy định của pháp luật Hộ tịch năm 2014.

Thủ tục đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 18 Luật Hộ tịch 2014 như sau:
Bước 1: Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
Bước 2: Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.

Thời hạn sử dụng và thủ tục cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được quy định thế nào, thưa ông?

Thời hạn sử dụng và thủ tục cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được quy định cụ thể theo Điều 22 và Điều 23 Nghị định 123/2015/NĐ-CP;
Về thời hạn sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Căn cứ quy định tại Điều 23 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch:
“Điều 23. Giá trị sử dụng của Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
 Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp.
 Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được sử dụng để kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài hoặc sử dụng vào mục đích khác.
 Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không có giá trị khi sử dụng vào mục đích khác với mục đích ghi trong Giấy xác nhận”.
Nếu trường hợp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của bạn đã hết hạn sử dụng. Trong trường hợp xin cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì vẫn thực hiện thủ tục như khi xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân lần đầu nhưng lưu ý cần nộp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã cấp trước đó.

Thủ tục xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 22 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch:
Bước 1: Người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nộp Tờ khai theo mẫu quy định. Trường hợp yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn thì người yêu cầu phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc chồng đã chết thì phải xuất trình hoặc nộp giấy tờ hợp lệ để chứng minh; nếu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Nghị định này thì nộp bản sao trích lục hộ tịch tương ứng.
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu. Nếu người yêu cầu có đủ điều kiện, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là phù hợp quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký cấp 01 bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu. Nội dung Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi đúng tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu và mục đích sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Vậy chúng ta có được đăng ký kết hôn ở nơi tạm trú? Và hồ sơ đăng kí kết hôn bao gồm những gì, thưa Luật sư?

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch 2014: “Điều 17. Thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn”.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú 2013: “Điều 12. Nơi cư trú của công dân. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú”. Như vậy, bạn có thể đăng ký kết hôn ở nơi tạm trú căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch 2014.

Căn cứ quy định tại Điều 18 Luật hộ tịch 2014 và Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, hồ sơ đăng ký kết hôn bao gồm:
Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu);
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;
Chứng minh thư hay hộ chiếu của cả hai bên;
Hộ khẩu thường trú hay giấy đăng ký tạm trú của cả hai bên;
Nếu một trong hai bên đã có vợ /chồng nhưng đã ly hôn hoặc đã chết, thì bên đó cần phải nộp bản sao quyết định của tòa án về việc ly hôn hoặc bản sao giấy chứng tử.


Kết hôn trái pháp luật có bị phạt không? Mức độ xử phạt như thế nào, mong được Luật sư nói rõ?

Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về Điều kiện kết hôn đã nói ở trên, các trường hợp cấm kết hôn tại Điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau. Cấm các hành vi sau đây:
Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;”
Ví dụ, hai người chưa ly hôn, hôn nhân của họ vẫn đang tồn tại hợp pháp thì một trong hai người không thể kết hôn với người khác. Việc kết hôn đó là vi phạm điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình. Kết hôn trái pháp luật tùy theo tính chất và mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ...

Xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ theo quy định tại Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã được sửa đổi, bổ sung thêm tại tại Khoản 35 Điều 1 Nghị định 67/2015/NĐ-CP như sau:
“Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một, vợ một chồng
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;”

Trách nhiệm hình sự:
Căn cứ quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009:
“Điều 47. Tội vi phạm chế độ hôn nhân một, vợ một chồng
Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Luật sư có thể cho biết việc kết hôn giả tạo bị xử phạt thế nào?

Kết hôn giả tạo có thể bị xử phạt hành chính, mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cấm hành vi " Kết hôn giả tạo":
" Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Cấm các hành vi sau đây: "Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;..."

Căn cứ Khoản 4, Khoản 6 Điều 28 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP có quy định hành vi lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh có thể áp dụng xử phạt hành chính cụ thể:“ Điều 28. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký kết hôn và môi giới kết hôn... Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:Lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; Lợi dụng việc kết hôn để hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước hoặc để thực hiện các mục đích trục lợi khác.Theo đó, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài".

Xin cảm ơn những gì Luật sư đã tư vấn!


Hằng Thanh

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-su-chia-se-nhung-thong-tin-cuc-can-thiet-khi-lap-gia-dinh-a204598.html