Bi kịch của chữ (Kỳ 30): Sống trong mộng mỵ


Chủ nhật, 26/06/2016 | 04:52


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Tiểu thuyết tự truyện của nhà thơ, nhà báo NGUYỄN VIÊT CHIẾN Kỳ báo này, nhà báo Việt lại tiếp tục câu chuyện về những ngày tháng anh bị giam cầm.

(ĐSPL) - Tiểu thuyết tự truyện của nhà thơ, nhà báo NGUYỄN VIÊT CHIẾN Kỳ báo này, nhà báo Việt lại tiếp tục câu chuyện về những ngày tháng anh bị giam cầm.

Bản quyền tiểu thuyết tự truyện “Bi kịch của chữ” thuộc về tác giả Nguyễn Việt Chiến, mọi sao chép về tự truyện này (nếu có) trên các báo, các trang mạng, các báo điện tử khác... đều phải được sự đồng ý của tác giả, nếu tác giả không cho phép, đề nghị các báo không được sử dụng vì sẽ vi phạm bản quyền cuốn tiểu thuyết tự truyện này.

Trong cuộc đời cầm bút hơn hai chục năm gắn bó với một tờ báo lớn, có thể nói nhà báo Việt đã tiếp xúc với hầu hết diễn biến của những vụ án lớn với nhiệm vụ phản ánh kịp thời, trung thực của một phóng viên mảng nội chính. Việt nghĩ mình đã làm tròn trách nhiệm của một người cầm bút, chí ít là như vậy trước khi gặp tai nạn nghề nghiệp trong một vụ án lớn.

Trong vụ án lớn những ngày ấy, cánh báo chí tới mấy chục phóng viên nội chính ngày nào cũng “hội quân” ở cổng Cơ quan điều tra- Bộ Công an ở phía đầu đường phía Nam thành phố để “săn tin”, trong đó có Việt. Không khí báo chí nóng sốt từng ngày cuốn theo từng bước phá án của Cơ quan điều tra. Không chỉ có vậy, sự quan tâm của toàn xã hội đối với vụ án trọng điểm này được đẩy lên cao điểm trong thời gian Cơ quan điều tra- Bộ Công an điều tra vụ án này. Khi lãnh đạo một số cơ quan Trung ương trả lời phỏng vấn của 3 tờ báo lớn đã khẳng định: Vụ án này đặc biệt nghiêm trọng hơn hẳn vụ án Năm Cam trước đây và báo chí phải nêu cao vai trò tiên phong trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các nhà báo thời điểm ấy rất phấn khích vào cuộc. Đáng chú ý, vụ án ngay từ khi được khám phá, điều tra đã cho thấy đây là vụ án rất lớn, rất nghiêm trọng. Bằng chứng là việc, vị thiếu tướng Trưởng ban chuyên án của Cơ quan điều tra khi báo cáo trong một cuộc họp quan trọng (có mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí) về tính đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, đã khẳng định: “Nếu tôi còn trẻ chưa sắp về hưu thì tôi chưa chắc đã dám làm vụ án này”(?!).

Ảnh minh họa.

Có thể nói thời điểm vụ án xảy ra là thời điểm nóng nhất của báo chí Việt Nam kể từ vụ án Năm Cam. Đã có hàng trăm nhà báo của hàng chục cơ quan báo chí được huy động để đưa tin về vụ án này. Hầu hết các nhà báo lao vào điểm nóng ấy chỉ với một mong muốn: Vụ án sẽ được làm đến cùng, những kẻ sâu mọt tham nhũng tiền thuế của dân sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Và các phóng viên nội chính tham gia đưa tin về vụ án đã thường trực nhiều ngày tại mọi nơi, từ nhà riêng đối tượng tình nghi đến trực chiến tại cổng Cơ quan điều tra, mở mọi mối quan hệ từ các nguồn tin với một mong muốn duy nhất: Đưa tin chính xác nhất, nóng nhất đến với hàng chục triệu độc giả báo chí.

Thời điểm ấy, cùng với guồng quay hối hả của các cơ quan tố tụng, các cơ quan công quyền trong vụ án này, các tờ báo cũng cuốn theo nóng bỏng từng ngày. Để mở rộng và cập nhật mọi thông tin, có khá nhiều cán bộ có trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, các Bộ, ngành chức năng có liên quan đều được các phóng viên báo chí tiếp xúc và phỏng vấn. Có lẽ từ nhiều năm qua, chưa có vụ án nào được quan tâm phản ánh trên báo chí nhiều đến thế với mối quan tâm của toàn xã hội.

Tiếp theo, trong vụ án này, nhiều tội phạm bị bắt và bị khởi tố, rồi vụ án “đánh bạc, chạy án, tham ô” được đưa ra xét xử với nhiều bị cáo. Nhưng điều đáng nói, trong “hậu vụ án” sau đấy, một số nhà báo (trong đó có Việt) và vị tướng Trưởng ban chuyên án cùng một điều tra viên cao cấp cũng phải ra hầu tòa về việc “tiết lộ bí mật điều tra” và “xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức xã hội”(?!).

Trong những ngày “Tai họa nghề nghiệp” đổ lên đầu, nhà báo Việt chỉ còn cách tự động viên, tự an ủi mình “Trong cái rủi có cái may”, nếu không chịu “khổ nạn” thế này, biết đâu thời điểm ấy có thể anh lại bị một tai họa kinh khủng hơn nhiều cướp đi cuộc sống thì sao? Và, Việt nghĩ đây cũng là một dịp thâm nhập thực tế (dẫu là một thực tế đầy đắng cay, nghiệt ngã) để một nhà văn, nhà báo như anh có được vốn sống trải nghiệm nơi trại giam để sau này có thể viết được những bài thơ hoặc một tác phẩm văn chương nào đó để đời chăng? Và chút hy vọng le lói này như một thứ ánh sáng cứu rỗi bền bỉ đã thắp sáng cuộc đời Việt những ngày tháng đó...

Với tư cách một người cầm bút, Việt nghĩ không khí báo chí sôi sục những ngày ấy đã phần nào nói lên sự nhiệt huyết của những nhà báo muốn phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp hơn, trong lành hơn, công bằng hơn... chứ chắc chắn họ không hề có động cơ nào khác đối với đất nước mình, nhân dân mình và sự đúng-sai của một vài thông tin báo chí thời gian ấy không làm thay đổi bản chất của vụ án đặc biệt nghiêm trọng trong những năm tháng đó...

Trong những đêm dài lao tù, Việt thường xuyên mất ngủ. Nhưng anh giả cách, vờ ngủ yên để cho “đôi uyên ương” là người bạn tù cùng buồng với nữ tù nhân ở cách đó mấy buồng thoải mái líu lo tán tỉnh nhau trong suốt đêm sâu. Họ đến với nhau bằng chiếc cầu âm thanh mỏng manh cố vượt qua những song sắt lạnh lẽo nơi ngục tù để nối nhịp đập hai trái tim, một nữ- một nam chưa hề quen biết nhau ngoài cuộc đời, chưa hề thấy mặt nhau trong đời sống lao tù thường ngày. Còn Việt, là nhà báonhà thơ, anh sống bằng mộng mỵ. Chiếc cầu ngôn ngữ nối đời sống tinh thần Việt với một thế giới khác bằng một thứ tình yêu vượt qua mọi cách ngăn, mọi cấm đoán, mọi rào cản.

Trong những đêm dài dằng dặc, u u minh minh ấy, trong khu biệt giam, nơi ánh trăng không thể lọt vào và ánh ngày chỉ lờ mờ hiếm hoi trong vài khoảnh khắc, Việt vẫn nhận ra hơi ấm của một người con gái và cảm thấy vị mằn mặn của ánh trăng, thứ ánh sáng không bị hủy hoại bởi bùn tối của những đáy sâu. Người con gái ấy đêm nào cũng đến trong giấc mơ của anh.

Khi Việt đang trong giấc mơ của đám mây ký ức mà người con gái vừa phủ lên người anh thì đột nhiên, một con thạch sùng đực từ trên trần buồng giam rơi xuống, ngay cạnh chỗ nằm. Người con gái trong mơ thét lên thất thanh và ghì chặt lấy anh. Việt bế thốc nàng dậy và họ từ từ bay lên. Không ai biết họ vừa ôm nhau vừa bay qua cánh cửa xà lim u tối, rồi bay qua mái nhà trại giam, dìu nhau về một miền xa vắng nào đấy trong thăm thẳm cô đơn. Trước lúc bay đi, Việt ngoái nhìn lại, vẫn thấy một người tù nào đó giống hệt mình, đang ngước mắt nhìn theo bên ô cửa song sắt xà lim u ám. Một anh chàng có thật, buộc phải nằm lại trong trại tù này, đang ngắm một anh chàng khác đích thực, đang bay lên giữa trời đêm với một đám mây hình thiếu nữ đang phập phồng lướt theo. Đêm nào Việt cũng chìm đắm trong giấc mơ được bay một cách ngoạn mục và mê sảng như thế mà không một ai hay biết. Có lẽ kẻ duy nhất thấy Việt bay lên là con thạch sùng đực, chúa tể cai quản bốn vách tường giam bụi bặm và hôi hám đã hàng chục năm chưa được quét dọn một lần.

Thạch sùng trợn mắt bảo Việt:

-Đêm nào ta cũng thấy anh bay và chỉ bay với hình bóng một người đàn bà rất thân thuộc. Nàng là ai và đến từ xứ sở nào vậy?

Việt cười bảo nó:

- Cậu làm sao mà hiểu được khi chung thân chỉ biết nhai bụi và gặm màng nhện suốt đời trên các vách tường hôi hám kia. Cậu không nên tìm hiểu những chuyện chẳng liên quan gì đến đời sống của loài bò sát biến thể như cậu, nghe chưa?

Thạch sùng tặc lưỡi tấm tức:

-Ta phải biết, vì ta đã thấy anh bay vượt thoát mấy lần ra khỏi khu vực trại giam này. Anh nên nhớ, đây là phòng biệt giam, nếu anh không trả lời câu hỏi này, ta sẽ bẩm với cán bộ quản giáo trại giam và anh sẽ bị đưa vào buồng biệt giam kỷ luật và cùm chân 24/24 giờ nghe không? Trả lời đi, cái nàng cùng anh bay đêm đêm vượt thoát khỏi trại giam này là ai và từ đâu đến?

Việt ôm bụng cười:

- Ta nói cho tên chúa tể của bóng đêm hôi hám kia biết, nàng đấy tên gọi là nàng thơ, ngươi hiểu không, nàng đến từ xứ sở của văn chương.

Thạch sùng gật đầu:

- Vậy chàng và nàng là một cặp đôi hoàn hảo, người này là thi sĩ và người kia là nàng thơ. Vậy khi kết hôn với nhau, hai người đã xin phép cấp trên chưa?

- Chưa bao giờ!

Cuộc đối thoại giữa Việt và con thạch sùng đực kia chỉ tạm dừng lại khi bóng dáng tha thướt, mỹ miều của một con thạch sùng cái xuất hiện. Và, chúng lao vào nhau một cách không cưỡng được. Lúc ấy, Hậu, người tù giam cùng buồng với Việt đang “cục cục, gù gù” giả làm tiếng bồ câu đực gọi mái, hót vọng sang buồng giam phía bên kia, nơi người tình trong mộng của cậu ta cũng đang rên lên “gù gù, cục cục” trong cơn tình ái...

LTS: Trong 30 số báo vừa qua, ĐS&PL đã đăng những chương đầu tiên của cuốn tiểu thuyết tự truyện Bi kịch của chữ. Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến cho biết, anh đang viết tiếp những chương còn lại của cuốn tiểu thuyết tự truyện này và sẽ gửi cho ĐS&PL trong thời gian tới. Do vậy, ĐS&PL xin tạm dừng loạt bài này. Khi nào nhận được những chương tiếp theo của cuốn tiểu thuyết tự truyện này, ĐS&PL sẽ đăng tiếp để phục vụ nhu cầu độc giả.

NGUYỄN VIÊT CHIẾN

(Còn tiếp)

Video tin tức được xem nhiều:

[mecloud]UVFAqzLdPC[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-kich-cua-chu-ky-30-song-trong-mong-my-a136887.html