Phụ huynh học sinh phản pháo vụ cô giáo kỳ thị gia đình đơn thân, nghèo khó


Thứ 5, 14/11/2019 | 07:30


Ngay sau khi thông tin về việc cô giáo kỳ thị gia đình đơn thân, nghèo khó được đăng tải, nhiều phụ huynh học sinh đã lên tiếng phản đối quan điểm này.

Ngay sau khi thông tin về việc cô giáo kỳ thị gia đình đơn thân, nghèo khó được đăng tải, nhiều phụ huynh học sinh đã lên tiếng phản đối quan điểm này.

Bài phát biểu "gây bão" dư luận

Mới đây, dư luận bị xôn xao bởi phát biểu của một cô giáo, kiêm Hội trưởng hội Phụ huynh trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Trong cuộc họp ban phụ huynh, vị Hội trường này cho rằng cần tránh chọn những người gia đình "lệch bố, lệch mẹ" hay kinh tế không tốt vào ban phụ huynh vì như thế là "chưa đủ tư cách".

Cô giáo có phát ngôn "gây bão" về tiêu chuẩn chọn phụ huynh vào hội Cha mẹ học sinh.

Ngay sau khi đoạn clip bài phát biểu này được một phụ huynh quay lại và tung lên mạng, nhiều người đã bày tỏ sự phẫn nộ trước quan điểm của vị phụ huynh trên.

Được biết, vị phụ huynh này cũng là người làm trong ngành giáo dục. Cụ thể đó là cô giáo Đào Thị Hồng Phượng, trường THCS Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Nhiều người đã bày tỏ lo lắng những suy nghĩ kỳ thị đó sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp "trồng người" mà phụ huynh này đang đảm nhiệm.

Người trong cuộc lên tiếng

PV ĐS&PL đã kịp phỏng vấn những phụ huynh hiện đang đơn thân nuôi con, đối tượng được cô giáo trên nhắc tới, về những vấn đề liên quan đến nhận định cá nhân này.

Chị Phùng Bích Dần ở Yên Bái, hiện đang là mẹ đơn thân và gặp rất nhiều khó khăn trong việc nuôi hai cô con gái nói: "Tôi rất buồn khi nghe thấy những lời nói như thế này từ một người làm trong ngành giáo dục.

Phát ngôn đó làm những người phụ huynh như tôi thấy đau lòng. Do bận rộn nên tôi cũng không ham hố gì việc vào ban phụ huynh, nhưng bị kỳ thị như vậy thì quả rất đáng buồn.

Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình khiếm khuyết vốn đã chịu nhiều thiệt thòi hơn những gia đình đầy đủ khác rồi. Giờ tới phụ huynh cũng bị kỳ thị theo... thì tôi biết nói sao đây?

Tôi lo lắng con mình ở trường sẽ bị phân biệt đối xử sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển nhân cách của các con. Chẳng lẽ lại phải mở trường/lớp dành riêng cho con nhà đầy đủ bố mẹ và thầy cô đầy đủ vợ chồng dạy bảo nhau?".

Chị Phùng Bích Dần thấy buồn trước quan điểm kỳ thị của cô giáo.

Anh Phan Giang, ông bố đơn thân ở Hà Nội - bức xúc: "Tôi cũng làm bố đơn thân 8-9 năm nay và hiện cũng là thành viên trong hội Cha mẹ học sinh ở Sơn Tây. Tôi thấy một phần câu nói của cô Phượng có phần kì thị tới tôi nói riêng và những cha mẹ đơn thân nói chung.

Thứ nhất, bất luận giáo viên hay người bình thường, việc đồng cảm, yêu thương và chia sẻ với những hoàn cảnh kém nay mắn hơn là điều chúng ta nên làm. Chúng ta phải làm gương để còn dạy bảo con cái mình.

Khẩu hiệu của các trường học luôn là: Tiên học lễ - Hậu học văn. Chữ lễ bao gồm cả chữ đức, một giáo viên kỳ thị gia đình đơn thân, nghèo khó thì chữ đức đã bị khuyết rồi.

Thứ nữa, trong bối cảnh xã hội bây giờ, ngày càng có nhiều trường hợp gia đình đơn thân. Họ dũng cảm một mình kiếm tiền nuôi dạy con nên người. Những người đó theo tôi nghĩ họ phải có nỗ lực, ý chí hơn người mới làm được vậy. Tại sao lại đào sâu vào nỗi đau của họ? Vả lại, đơn thân có nhiều lý do".

Anh Phan Giang phản đối việc coi cha, mẹ đơn thân là không đáng tin cậy.

"Vợ hoặc chồng họ có thể bị tai nạn/bệnh tật không may mất sớm. Họ hy sinh hạnh phúc riêng của mình để ở vậy nuôi dạy con cái. Vậy họ phải được đáng trân trọng hơn nhiều chứ? Họ có mọi điều kiện để làm cha mẹ, họ chỉ thiếu may mắn hơn thôi!

Xét cho cùng, theo quan điểm cá nhân tôi, là một người giáo viên thì nên suy nghĩ trước khi nhận xét một vấn đề gì đó. Trước khi bạn muốn trồng người, thì mình phải "trồng mình" trước đã. Hãy dùng tình yêu thương để lan toả cho thế hệ sau. Chứ đừng dùng sự ích kỷ. Thiển cận để cho con cái mình và các em học sinh của mình trở thành những người thiếu sự bao dung", anh Giang nhận xét thêm.

Minh Khôi

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phu-huynh-hoc-sinh-phan-phao-vu-co-giao-ky-thi-gia-dinh-don-than-ngheo-kho-a300827.html