Kỳ bí khu lăng mộ thờ thần cá và lễ hội cầu ngư ở Hà Tĩnh


Chủ nhật, 15/03/2020 | 07:13


Cùng sự kiện

Chẳng ai biết miếu Đức Ngư Ông có từ bao giờ. Ngay những vị già làng cũng chỉ biết, khi có làng là đã có miếu.

Chẳng ai biết miếu Đức Ngư Ông có từ bao giờ. Ngay những vị già làng cũng chỉ biết, khi có làng là đã có miếu. Khuôn viên miếu rộng hơn 2000m2 là nơi chôn cất loài cá voi mà người dân vạn chài vẫn thường gọi bằng cái tên linh thiêng, kính trọng: Cá Ông.

Hàng trăm ngôi mộ trong miếu.

Ngư Ông, vị cứu tinh của ngư dân

Hướng mặt ra biển, chỉ cách mặt nước biển 1 con đê chắn sóng, miếu Đức Ngư Ông của ngư dân xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh tọa lạc trên vùng đất rộng 2.800m2 . Nếu là khách thập phương lướt qua, khó ai có thể ngờ khu lăng miếu này chỉ để dành thờ 1 loài cá. Ngay cả chúng tôi đã từng được nghe kể về chiếc miếu này cũng không nghĩ có một ngôi miếu thờ cá, được xây dựng công phu đến vậy. Cổng miếu cao, họa tiết cầu kỳ. Bước qua chiếc cổng là chiếc lư hương to đặt ngay giữa sân miếu, bên trong là hệ thống Thượng điện, Trung điện và Hạ điện, tất cả được sơn son thiếp vàng. Trong khuôn viên miếu có đến hơn 100 ngôi mộ cá Ông, được người dân chôn cất, trông nom hàng trăm năm nay.

Điều đặc biệt, những ngôi mộ cá ở đây đều có bia khắc tên. Những tấm bia mang tên “Đức cô”, “Đức cậu” khiến chúng tôi từ ngạc nhiên đến tò mò. Như hiểu ý, vừa chỉ 1 tấm bia mộ ông Nguyễn Văn Tiến (52 tuổi, trú thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng), Phó Ban nghi lễ xã Cẩm Nhượng vừa nói, “đức cô” nghĩa là cá cái, “đức cậu” là cá đực những con cá nhỏ thì gọi là “cá cô” (đức cô), “cá cậu” (đức cậu) còn cá lớn thì gọi là “cá ông” (Đức ông), “cá bà” (Đức bà). Như là “cơ duyên” thời điểm chúng tôi có mặt tại khu lăng mộ, một con cá Ông nặng 50kg vừa được ngư dân Trần Hữu Toàn (50 tuổi, thôn Xuân Bắc) đưa về miếu để tiến hành chôn cất. Ngư dân Toàn cho biết, trong quá trình đánh bắt trên biển, cách bờ khoảng 3 hải lý, anh bắt gặp một con cá Ông đã chết, nổi lềnh bềnh trên mặt biển. Anh cùng các thuyền viên vớt lên, đem vào bờ và báo với Ban lễ nghi xã Cẩm Nhượng để làm lễ chôn cất.

Việc thờ cúng mỗi con cá Ông qua đời được ngư dân miền biển Cẩm Nhượng tổ chức hết sức bài bản, long trọng. Ngư dân nào bắt gặp được xác cá Ông sẽ phải chít khăn đỏ trong suốt 3 ngày, sau đó mới tháo ra cất trên bàn thờ tại miếu. Ban lễ tang cũng rất thịnh trọng gồm có 12 người. Sau khi chôn cất xong, sẽ có lễ cúng 3 ngày, 50 ngày, 100 ngày, lễ giỗ đầu, giỗ hết khó, giỗ hằng năm... giống như tang lễ của con người. Ngoài ra, ngày Rằm, mồng Một, ngư dân đều đến miếu Đức Ngư Ông để thắp hương tưởng nhớ đến các vị cứu tinh của ngư dân. Mỗi ngư dân không quên khẩn cầu Đức Ngư Ông phù hộ, độ trì cho mưa thuận, gió hòa, tàu thuyền ra khơi, vào lộng bình an, đánh bắt được nhiều tôm cá. Thậm chí, mỗi khi ra khơi, ngư dân đến đây “xin dấu” (được kết bằng vải đỏ và cây hương) rồi gắn trên tàu, coi đó như vật bảo hộ cho tàu thuyền, là “lệnh đi đường” biến nguy thành an.

Lễ hội cầu ngư

Theo người dân nơi đây, miếu được ngư dân xây dựng từ thời Hoàng Triều, vua Khải Định, năm Ất Dậu. Miếu từ xa xưa đã được các triều đại phong kiến xếp vào hạng miếu thiêng, thờ Nam Hải Đại Thần và được vua ban nhiều sắc phong. Năm 2013, miếu được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trong kho tàng văn hóa truyền thống của ngư dân Nhượng Bạn, tín ngưỡng thờ Nam Hải Đại Thần là một trong những nét văn hóa đặc trưng, gắn liền và có ý nghĩa tinh thần lớn lao đối với mỗi người dân. Với ngư dân Cẩm Nhượng, giữa biển khơi mênh mông, nơi đầu sóng ngọn gió, con người càng trở nên nhỏ bé. Miếu Đức Ngư Ông không chỉ là chốn tâm linh giúp họ kiên trì bám biển, tạo nên sức mạnh thể chất mà còn là nơi xác tín tâm linh - tin vào vị thần bảo hộ, che chở cho những chuyến ra khơi vào lộng, tôm cá đầy thuyền, cuộc sống bình yên.

Người dân cho biết, cá Ông có vị thế đặc biệt trong đời sống ngư dân nơi đây, vừa có khả năng cứu nguy vừa báo hiệu cho họ những nơi nhiều tôm cá. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra đặc tính của loài vật này những khi biển động, để tránh sóng, theo bản năng cá Voi sẽ tìm những vật nổi trên mặt biển nép vào và cùng với vật ấy trôi vào bờ. Điều đó đã khiến cho ngư dân tin rằng cá Ông đã cứu người, cứu thuyền khi gặp bão tố giữa biển khơi. Đồng thời, nơi loài cá này xuất hiện cũng là nơi có nhiều cá và những ngư dân giàu kinh nghiệm sẽ dựa vào đó mà tìm được luồng cá lớn. Từ những cụ già trong làng đến những đứa trẻ con mới lớn xứ Nhượng Bạn vẫn truyền tai nhau truyền thuyết về loài cá linh thiêng này. Ông Nguyễn Văn Tiến (52 tuổi, trú thôn Hải Nam), Phó Ban nghi lễ xã Cẩm Nhượng kể: Từ xa xưa cho đến bây giờ, cá Ông luôn cứu giúp, độ thế, sát cánh với ngư dân trên biển, biến nguy thành an. Cách đây từ rất lâu, có một chiếc thuyền đang đánh bắt trên biển, bỗng nhiên giông bão nổi lên. Đúng lúc nguy nan nhất, 2 con cá Ông xuất hiện, cả hai con cá ghì sát hai bên mạn thuyền, đẩy chiếc thuyền vào nơi an toàn. Kể từ đó, để khắc ghi công ơn của cá Ông, ngư dân miền biển Nhượng Bạn lập miếu thờ và phong thành Đức Ngư Ông. Câu chuyện về loài động vật biển to lớn và hiền lành này chính là cơ sở thực tiễn để người dân dần dân thiêng hóa nó trở thành vị phúc thần che chở, bảo vệ người đi biển. Sự tích về loại cá đặc biệt này và sự thiêng hóa của nó còn được ghi chép trong các thư tịch cổ. Không chỉ dừng lại ở tập tục chôn cất, thờ cúng cá Ông mà ngay tại ngôi miếu này, hằng năm vào ngày 8/4 âm lịch, hơn 1.000 ngư dân xã Cẩm Nhượng tề tựu tổ chức Lễ hội Cầu Ngư. Với ngư dân Cẩm Nhượng, Lễ hội Cầu Ngư là ngày hội lớn, hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết, toàn xã hiện có 248 tàu thuyền với hơn 1.100 ngư dân. Lễ hội Cầu Ngư là nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển. Lễ hội được nhân dân tổ chức trang trọng, trong đó chứa đựng nhiều truyền thống văn hóa dân gian như hò chèo cạn. Xã vừa có cụ Trương Văn Hứa (80 tuổi, thôn Xuân Bắc) được công nhận là nghệ nhân dân gian. Cụ Hứa chính là người sáng tác, đồng thời là người hát xướng hò chèo cạn trong Lễ hội Cầu Ngư hàng chục năm qua.

Lễ hội gồm có 4 phần chính: Nghi thức, tế lễ, lễ hội chèo cạn, lễ rước trên biển và lễ tế tại miếu Đức Ngư Ông. Trong đó, lễ rước trên biển gồm có 1 thuyền ngự giá và 2 thuyền hộ giá rước long ngai bài vị của Nam Hải Đại Thần. Thuyền ngự giá và hộ giá được lựa chọn từ hàng trăm chiếc thuyền của ngư dân, trong năm thuyền nào thuận buồm xuôi gió, làm ăn gặp nhiều may mắn nhất và không có tang khó sẽ được chọn. Hát chèo cạn thì có một người xướng chính, sau đó nam thanh, nữ tú, trai gái, già trẻ trong làng hò hát theo sau. Âm hưởng nhịp nhàng, vang vọng, thể hiện khát vọng vươn khơi, bám biển, cầu mong mưa thuận gió hòa, tôm cá chất đầy khoang sau mỗi chuyến ra khơi vào lộng. Lễ tế ở miếu Đức Ngư Ông được ngư dân sắm sửa lễ vật thịnh soạn, ngư dân tham gia tế lễ mặc đồ lễ chỉnh tề, nghiêm trang, ai nấy thể hiện lòng thành kính cầu mong Nam Hải Đại Thần độ thế phù hộ cho ngư dân gặp may mắn, an lành.

Tín ngưỡng thờ phụng cá Ông và tổ chức lễ hội Cầu Ngư của ngư dân Cẩm Nhượng đã hình thành và phát triển qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn được giữ gìn và phát huy. Đây được xem là một hoạt động văn hóa - tín ngưỡng đặc trưng của người dân vùng biển. “Ngư Ông công đức muôn đời/ Cứu độ muôn chúng giữa vời nguy nan/ Toàn dân tạc dạ ghi ơn/ Sắc phong Đại Hải nhân Ngư Ông”.

Ngân Hà

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống& Pháp luật số 40

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-bi-khu-lang-mo-tho-than-ca-va-le-hoi-cau-ngu-o-ha-tinh-a315294.html