Ngã ngửa trước “biệt tài” của “lang băm” dùng kính lúp soi bệnh dại?


Chủ nhật, 04/08/2019 | 13:18


Chỉ cần bôi một ít dung dịch lỏng lên lưng những người bị chó cắn, ông Hồ dùng kính lúp soi để “phán” người đó có mắc bệnh dại hay không?

Chỉ cần bôi một ít dung dịch lỏng lên lưng những người bị chó cắn, ông Hồ dùng kính lúp soi để “phán” người đó có mắc bệnh dại hay không? Dù là cách khám phản khoa học nhưng mỗi ngày có tới hàng chục người dân ở khắp nơi tìm đến nhờ ông chữa bệnh.

Dung dịch lỏng màu vàng được ông Hồ bôi lên lưng người cần kiểm tra virus dại.

Vết thương ở chân, bôi thuốc vào lưng?

Một ngày cuối tháng Bảy, chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ để tìm hiểu thực hư câu chuyện về vị thầy lang có “biệt tài” khám bệnh dại. Đúng thông tin được lan truyền, người đàn ông này nổi tiếng đến mức vừa đặt chân đến xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, hỏi nhà ông Hồ chữa bệnh dại, từ người già đến trẻ con ai cũng biết. “Người ta tìm tới đây đông lắm, hầu như ngày nào cũng có người tới hỏi nhà ông Hồ để thăm khám xem có mắc bệnh dại hay không. Tôi cũng không biết ông ấy khám có hiệu quả hay không? Chỉ nghe người ta đồn là ông ấy có tài khám bệnh dại”, ông Nguyễn Văn T. (trú xã Thạch Mỹ, Lộc Hà) cho hay.

Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, ông Hồ tên đầy đủ là Ngô Minh Hồ (SN 1947), trú ở xóm 3, Đại Yên, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Hồ từ trước tới nay không có chứng chỉ nào liên quan đến ngành y.

Ngôi nhà của ông Ngô Minh Hồ khá khang trang. Khu vực sân được lợp mái che, có một chiếc bàn cùng nhiều ghế để cho khách tới thăm bệnh ngồi. Ở phía trên tường, có kẹp sẵn tờ giấy khổ A4 được ép plastic với nội dung: “Ông Hồ chuyên kiểm tra bệnh dại. Thời gian kiểm tra vào các ngày: Thứ Năm, thứ Bảy, Chủ nhật, buổi sáng từ 7h tới 11h. Trước khi đi kiểm tra không được uống bia, rượu, thuốc tây. Khi bị chó mèo cắn sau 3 ngày tới kiểm tra”.

Trong vai một người bị chó nhà cắn, gây nên vết xước nhỏ ở chân (thực tế vết thương là do đi lại không cẩn thận nên bị xây xước), cần sự giúp đỡ của “thầy”, chúng tôi dễ dàng bắt chuyện được với vị lang y vườn. Ban đầu, vị lang y vườn hỏi về thông tin người bệnh, như tên, tuổi, nơi cư trú và tình trạng bị chó cắn. Chúng tôi nói với ông Hồ đã bị chó nhà cắn 7 ngày. Sau khi cắn người, con chó đã bỏ đi. Từ khi bị chó cắn, thấy trong người lo lắng, bồn chồn, khó ngủ.

Nghe PV trình bày xong, ông Hồ yêu cầu tôi kéo áo lên, sau đó dùng kéo, kẹp bông trắng và nhúng vào một thứ dung dịch lỏng màu vàng rồi bôi lên khắp lưng. Tôi giật mình hỏi: Vết cắn ở chân, sao “thầy” bôi thuốc vào lưng? Ông Hồ bảo cứ yên tâm, bị cắn ở đâu cũng chỉ bôi vào lưng là biết có “dại” hay không!

Khi chúng tôi thắc mắc về dung dịch loãng màu vàng, vị “lang y” nói đó là thuốc (sau này ông nói thêm dung dịch đó chính là cồn pha chế). Việc bôi “thuốc” kéo dài chừng 30 giây tới 1 phút. Tiếp đó, ông ta dùng chiếc kính lúp đã chuẩn bị sẵn từ trước, soi khắp lưng tôi và phán 1 câu thẳng thừng: “Xong rồi, cháu về lo đi tiêm đi, có virus dại rồi. Phải đi tiêm luôn cháu nha”(!?). Sau đó người đàn ông này hướng dẫn tôi tới tiêm ở trung tâm Y tế dự phòng huyện. Vị lang y vườn không quên dặn việc phải kiêng đám tang, để tránh gặp hơi lạnh, con virus dại sẽ phát lên, nguy hiểm.

Đề cập tới chuyện trả tiền kiểm tra bệnh dại, ông Ngô Minh Hồ nói rằng bị (bệnh dại) không lấy tiền, không bị mới lấy tiền. Nghĩa là nếu trong quá trình ông thăm khám, bệnh nhân nào không mắc dại thì phải phải trả tiền, mỗi lần khoảng 100 nghìn đồng.

Chưa bị cơ quan chức năng xử lý?

Tấm biển đề thông tin về lịch làm việc và số điện thoại của ông Hồ được treo tại nhà ông này.


Quá trình trò chuyện, khi được hỏi về có từng học hay làm việc trong ngành y hay không, ông Ngô Minh Hồ cho biết mình là quân nhân đã nghỉ hưu. Theo vị lang y vườn này, ông “hành nghề” kiểm tra bệnh dại đã được nhiều năm. Người tới nhờ ông kiểm tra ở khắp nơi của Hà Tĩnh, như Lộc Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn và các địa phương ở tỉnh Nghệ An.

Trao đổi về cách kiểm tra bệnh dại “có một không hai” của vị lang y vườn Ngô Minh Hồ, bác sĩ CKI Nguyễn Chí Trung, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh) khẳng định cách khám của ông Hồ là phản khoa học, và không hiệu quả. BS. Trung cho biết, để biết chính xác trường hợp nào đó có mắc bệnh dại hay không thì cần phải lấy mẫu rìa tóc hoặc dịch tủy sống để xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang. Tuy nhiên, để làm được xét nghiệm này là ở tuyến Trung ương, còn địa phương như Hà Tĩnh chưa thực hiện được. Bên cạnh chi phí khá đắt, thì phương pháp xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang cần phải chờ lâu mới có kết quả, dẫn tới việc điều trị bị chậm trễ.

“Vấn đề này rất nguy hiểm, giả sử trường hợp bị chó dại cắn mà ông Hồ nói không sao, dẫn tới chủ quan không đi tiêm phòng, dễ tử vong. Theo khuyến cáo của bộ Y tế, sau khi bị chó cắn, nạn nhân bắt buộc phải tới cơ sở y tế tiêm vắc-xin, huyết thanh phòng bệnh”, bác sĩ Nguyễn Chí Trung cho biết.

Theo tìm hiểu, ông Ngô Minh Hồ “hành nghề” kiểm tra bệnh dại tại nhà riêng được thực hiện công khai mà không bị UBND xã Thạch Mỹ hay phòng Y tế huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) xử phạt. Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ, ông Võ Tá Hiếu thừa nhận, ông Ngô Minh Hồ dù không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề y nhưng vẫn kiểm tra bệnh dại tại nhà bằng cách bôi dung dịch màu vàng và dùng kính lúp soi sau lưng người bị chó cắn.

Trao đổi với PV, ông Võ Tá Hiếu cho biết: “Ông Hồ làm lâu rồi, 5 năm rồi, có thể lâu hơn. Dân các nơi tới nhà ông Hồ kiểm tra bệnh dại nhiều. Cách đây nhiều năm, xã đã tới nhà ông Hồ trao đổi, nắm bắt thông tin nhưng vì người dân tới khám không có ý kiến nên sau đó chính quyền địa phương chưa xử lý gì”.

Ngã ngửa trước “biệt tài” của “lang băm” dùng kính lúp soi bệnh dại? Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng y tế UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho hay, việc ông Ngô Minh Hồ kiểm tra bệnh dại tại nhà là không được phép. “Phòng y tế huyện cũng đã một vài lần tới nhà vận động ông Ngô Minh Hồ dừng việc kiểm tra bệnh dại. Có lần thì ông hứa không làm nữa nhưng sau đó vẫn tiếp tục. Đơn vị cũng không bắt được quả tang lúc ông Hồ kiểm tra bệnh dại cho người dân. Tới đây chúng tôi sẽ báo cáo sự việc với UBND huyện Lộc Hà và sở Y tế Hà Tĩnh để xin hướng xử lý việc ông Hồ kiểm tra bệnh dại tại địa phương”, ông Hoàng chia sẻ.

T.Q
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 121

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nga-ngua-truoc-biet-tai-cua-lang-bam-dung-kinh-lup-soi-benh-dai-a287216.html