Nghị lực phi thường của “xác sống”


Chủ nhật, 27/09/2020 | 06:27


Cùng sự kiện

Cô gái với “nửa gương mặt” ấy đã gạt bỏ tất cả tự ti để gieo mầm hy vọng và niềm tin cho trẻ tự kỷ.

Cứ ngỡ rằng bản thân không thể vượt qua chính mình, rằng sẽ kết thúc cuộc đời sớm cho người thân bớt khổ. Nhưng cô gái với “nửa gương mặt” ấy đã gạt bỏ tất cả tự ti để gieo mầm hy vọng và niềm tin cho trẻ tự kỷ.

Mỗi ngày, Hảo rất hạnh phúc vì được truyền cảm hứng cho những hoàn cảnh không may mắn như bản thân mình.

26 năm thanh xuân ám ảnh

26 năm sống với “nửa gương mặt lành lặn”, Hà Bích Hảo, 26 tuổi, quê Nam Định, hiện là giáo viên dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ đã có những ngày tháng không dám nhìn vào chính gương mặt của mình.

Bi kịch kéo dài 26 năm qua bắt đầu từ khi Hảo được 6 tháng tuổi. Như những đứa trẻ khác, lúc mới sinh, Hảo có gương mặt mũm mĩm đáng yêu. Thế nhưng, một vết bớt xuất hiện trên da, và Hảo được chẩn đoán mắc u máu ngoài da. Tiếp đó, trong quá trình phẫu thuật, Hảo bị bỏng laser, kéo lệch toàn bộ một bên mặt phải từ tai đến mắt xuống tận cổ. Gương mặt của đứa trẻ bị biến dạng. Sau tai nạn, Hảo được nuôi sống bằng nước cơm của bà nội vì không thể tự bú mẹ.

Đến tuổi đi học, vào lớp 1, Hảo bị coi là khuyết tật, phải ngồi xuống cuối lớp với tư cách là học sinh dự thính trong trường công lập. Mãi đến năm lớp 2, nhờ có sự trợ giúp của cô Hiệu phó, Hảo chính thức được đi học nhưng sự kỳ thị, xa lánh của bạn bè khiến cô bé luôn mặc cảm.

“Nhớ ngày đó, mỗi ngày đến lớp, tôi bị bạn bè ném sách vở, giẻ lau bàn và trêu chọc bằng từ ngữ thậm tệ vì ngoại hình khác lạ. Lúc ấy, bản thân tôi chỉ biết im lặng. Thậm chí, im lặng cả những lúc bị đánh”, Hảo ngậm ngùi. Hảo biết mình bị ghét, bị đánh do bản thân xấu xí, nhưng mỗi lần nhìn vào gương, cô bé ngây ngô vẫn cho rằng khi lớn lên sẽ khác, chỉ 5 – 10 năm nữa da thịt sẽ thay đổi, em sẽ giống “người bình thường”.

Cho đến khi lên THCS, Hảo dần ý thức được gương mặt mình sẽ chẳng lành lặn trở lại được nữa. Với Hảo, chuyện bị nói là “con quỷ”, “xác sống”, “đồ xấu xí” là điều bình thường. Sự nhẫn nhịn nào cũng có giới hạn, Hảo dần không cam chịu trước những sự xúc phạm từ bạn bè. Khi những người bạn nói lời lẽ không hay về bố mẹ, Hảo đã vùng lên, cầm gậy đánh trả.

“4 năm học THCS, bố mẹ tôi được mời lên trường 4 lần để làm việc vì con gái đánh nhau và lực học không vượt quá trung bình. Năm đó, tôi còn không được nhà trường khuyến khích thi THPT. Nhưng đời không như mơ, tôi vẫn thi đỗ vào trường THPT dân lập nhờ sự giúp đỡ của chị gái. Dù vậy, đi đến đâu tôi vẫn bị kỳ thị, ghét bỏ vì xấu...”, Hảo nhớ lại.

Ý định nhảy cầu kết liễu cuộc đời 8 tuần đầu tiên đi học THPT, bạn bè đối xử rất tệ, không muốn Hảo xuất hiện trong lớp. Cứ thế, Hảo lại trở thành “học sinh cá biệt”. Hảo bị cả lớp ném giày dép hội đồng và đuổi ra khỏi lớp nên quyết định bỏ học 1 tuần.

Cho đến khi nghe mẹ nói: “Nếu như mẹ có thể thay con chịu đựng tất cả điều này, thì mẹ sẵn sàng, kể cả chấp nhận cái chết”, Hảo lặng người. “Cũng chính câu nói đó là động lực cho tôi thay đổi bản thân và nỗ lực học tập. Từ học sinh trung bình, tôi vươn lên là học sinh tiên tiến và sau đó là thuộc top đầu của lớp. Bạn bè từ đó cũng dần thay đổi cách nhìn về tôi”, ánh mắt Hảo vui hẳn khi nhớ kỷ niệm đẹp.

Cuối lớp 12, Hảo bắt đầu nghĩ về việc học đại học dù mọi người cho đó là chuyện viển vông. Vốn là người cá tính, quyết tâm thực hiện bằng được điều mình muốn, Hảo đăng ký thi vào khoa Văn của trường Sư phạm. Năm 2014, khi các trường công bố hết điểm, trường Sư phạm vẫn chưa có. Bố mẹ cô nghĩ “chắc trượt rồi” nên bàn tính đến chuyện mua một đôi bò để Hảo chăm, cuối năm khi bò đẻ là có tiền tiết kiệm. Nhưng Hảo cương quyết, nếu năm nay không đỗ thì sang năm thi tiếp, thi bằng đỗ mới dừng lại. Hai ngày trước khi nhập học, giấy báo trúng tuyển mới gửi về, Hảo hét lớn khi biết tin mình đã chạm đến ước mơ. Cô vội vàng bỏ việc đang làm, mặc bộ quần áo mới rồi đi khắp làng, đi đâu cũng khoe vì “đứa xấu xí, học kém đã đỗ đại học”.

“Học được một năm, tôi nhận thấy bản thân không phù hợp với Sư phạm Văn nên quyết tâm thi lại. Năm 2015, tôi đỗ vào khoa Giáo dục đặc biệt của đại học Sư phạm Hà Nội vì thích các hoạt động công tác xã hội. Hết năm nhất, tôi đi phỏng vấn và trở thành tình nguyện viên của một trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ. Được 2 tháng, người quản lý gọi tôi ra trước tất cả giáo viên khác và nói: "Từ mai, em không cần phải đến đây nữa. Vì nếu em đến sẽ “lây” cho các con", Hảo kể lại. Câu nói của người quản lý trên khiến Hảo chết lặng, cô không hiểu vì sao họ lại nghĩ một tai nạn y khoa có thể lây bệnh cho những đứa trẻ. Chưa dừng lại, người quản lý tiếp tục nói: "Tất cả phụ huynh đều không thích có mặt em ở trong trường vì em làm con họ sợ".

Sau cú sốc đầu đời, cô một mình đạp xe lên cầu Vĩnh Tuy định nhảy xuống. Trèo lên thành cầu, Hảo nghĩ nhiều về bố mẹ - những người đã giành giật sự sống cho cô, “chắc họ sẽ đau khổ lắm” khi Hảo chết. Trong phút chốc, cô gái 20 tuổi bừng tỉnh: “Mình sẽ trở thành một kẻ thất bại, tồi tệ và bất hiếu nếu như nhảy xuống”. Nói rồi, Hảo trèo xuống, hét thật lớn rồi đạp xe về.

Những ngày tháng về sau, cô chỉ đi học, lên thư viện, thêu tranh và nghe nhạc vì biết “dù có cố gắng đến đâu họ cũng không chấp nhận vẻ bề ngoài của mình”. Cho đến khi xem một chương trình truyền cảm hứng của Nick Vujicic. Từ giây phút đó, Hảo muốn mình trở thành một diễn giả, một người đứng ở vị trí cao nhất để truyền cảm hứng, người được mọi người công nhận và ngước nhìn.

“Thời gian đó, tôi bắt đầu tham gia nhiều các hoạt động tình nguyện dù biết bản thân vẫn còn bị kỳ thị về ngoại hình. Rất nhiều nơi họ săn đón, nhiệt tình mời đến phỏng vấn khi đã trao đổi qua điện thoại. Nhưng chỉ cần nhìn thấy mình, họ lại lắc đầu”, Hảo kể.

Gắn bó với trẻ tự kỷ

May mắn sau khi tốt nghiệp, Hảo được phụ huynh giới thiệu đến một trung tâm dạy trẻ rối loạn tự kỷ tại quận Hai Bà Trưng và được nhận vào làm. Song hành với việc làm, Hảo tiếp tục đăng ký học thạc sĩ vì muốn bổ trợ kiến thức cho bản thân.

“Cách đây một năm, tôi đã thành lập quỹ "Mầm và những người bạn" với mong muốn hỗ trợ những đứa trẻ kém may mắn được đến trường. Đến nay, có 5-6 đứa trẻ dưới sự bảo trợ của tôi và các nhà hảo tâm, các con sẽ được đến trường, tìm kiếm con chữ, nuôi những ước mơ của cuộc đời”, Hảo chia sẻ.

Cũng theo lời Hảo, do quỹ mới thành lập, nguồn tài trợ cũng không nhiều, đa phần là cô trích tiền lương, kêu gọi bạn bè, người quen cùng chung tay để trao học bổng cho những hoàn cảnh kém may mắn. Có những học bổng 20 – 30 triệu đồng, nhưng cũng có những em được hỗ trợ đến 100 – 200 triệu đồng tùy hoàn cảnh.

Là người theo cầu toàn, Hảo từng khao khát được đi thẩm mỹ để lấy lại sự tự tin, nhưng cuối cùng cô lại nhường cơ hội quý giá đó cho một bạn ít tuổi mình. Cô biết, những điều trải qua đã giúp tôi luyện một con người không gục ngã. Chính vì thế, Hảo luôn đối diện với mọi việc bằng thái độ sống tích cực nhất, nhưng với Hảo đó là cách để cô tự bảo vệ bản thân khỏi những lời cay độc, những ánh nhìn từ mọi người xung quanh dù là ở quá khứ, thực tại hay tương lai.

Lê Liên

Bài viết đang trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 151

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghi-luc-phi-thuong-cua-xac-song-a340331.html