+Aa-
    Zalo

    Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Trung thu

    ĐS&PL Rằm tháng 8 Âm lịch hàng năm, nhà nhà đều nô nức vui Tết Trung thu trong tâm trạng vui vẻ và hân hoan.

    Rằm tháng 8 Âm lịch hàng năm, nhà nhà đều nô nức vui Tết Trung thu trong tâm trạng vui vẻ và hân hoan. Hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa và nét đẹp phong tục truyền thống của ngày lễ cổ truyền này trong văn hóa Việt Nam.

    Trung Thu là dịp đặc biệt trong năm, được nhiều trẻ nhỏ mong chờ. 

    Nguồn gốc của Tết Trung thu

    Cho đến bây giờ, người đời vẫn chưa xác minh rõ ràng được Tết Trung thu bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Hoa. Có ba truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và Sự tích về chú Cuội của Việt Nam.

    Theo các nhà khảo cổ thì hình ảnh về Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Có lẽ Trung thu được bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng Nam Trung Hoa và đồng bằng châu thổ sông Hồng của Việt Nam.

    Ở Trung Hoa, Tết Trung Thu đã có từ thời Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng), đầu thế kỷ thứ 8. Theo truyền thuyết, sau khi dẹp xong An Lộc Sơn, Đường Minh Hoàng nhớ thương Dương Quý Phi không nguôi. Đêm rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, một vị tiên xuất hiện tình nguyện đưa vua đi gặp Quý Phi. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chấm mặt đất, nhà vua trèo lên cầu vồng đi lên cung Quảng, nhìn thấy Quý Phi xưa trong đoàn vũ. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, đặt ra tết Trung Thu. Trong ngày tết này, lúc đầu chỉ uống rượu thưởng trăng nên còn gọi là Tết Ngắm Trăng.

    Ở Việt Nam, ngày tết Trung thu được diễn tả trong tục: “ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng Nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sắc, sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp”.

    Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã miêu tả.

    Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung thu, theo học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) thì từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng Tám, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng. Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng Tám mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa thu là mùa của thành hôn.

    Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi” (bia chùa Đọi 1121), người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung Thu

    Theo sử sách, Tết Trung thu đã có cách đây ít nhất 2.000 năm. Từ thời cổ xưa, các vị vua chúa có tục lệ tế mặt trời vào mùa xuân, tế mặt trăng vào mùa thu.

    Theo Âm lịch, ngày 15 tháng 8 là chính giữa mùa thu được coi là ngày "lành" để làm lễ tế thần mặt trăng.

    Tục lệ ăn bánh hình mặt trăng trong dịp Tết Trung thu đã có từ thời Bắc Tống ở Trung Quốc, cách đây trên 1.000 năm.

    Ý nghĩa của Tết Trung thu

    Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hện giữa cuội đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên.

    Trong ngày vui này, Theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau. Cha mẹ, ông, bà bày cỗ cho con, cháu mừng trung thu, mua và làm lồng đèn thắp bằng nến trong nhà để con, cháu rước đèn. Cỗ mừng tết trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa.

    Đây là dịp thể hiện tình cảm gia đình, bạn bè, họ hàng. Người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng,…

    Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng. Ban ngày cúng tổ tiên, tối bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rưới đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ,… thật vui. Con Lân tượng trưng cho điềm lành.

    Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát trống Quân trong dịp Tết Trung thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình.” Ngày xưa trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát.

    Tết trung thu trước kia là tết của người lớn, dần dần trở thành tết của trẻ em. Đây cũng là dịp mà Đảng và nhà nước, các tổ chức đòan thể thể hiện sự quan tâm đến trẻ em, những chủ nhân tương lại của đất nước. Nhiều nơi địa phương tổ chức tết trung thu cho các em với nhiều hình thức: tổ chức văn nghệ, rước đèn, tặng quà cho các em,…

    Quỳnh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguon-goc-va-y-nghia-cua-tet-trung-thu-a340491.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan