Cứu sống bé trai 12 tuổi bị vỡ phình bóc tách động mạch chủ sau 6 giờ phẫu thuật


Thứ 4, 28/12/2016 | 09:51


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Bệnh viện Hoàn Mỹ (TP. Đà Nẵng) cho hay vừa chữa trị thành công cho một bệnh nhi bị vỡ phình bóc tách động mạch chủ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lúc mê

(ĐSPL) - Bệnh viện Hoàn Mỹ (TP. Đà Nẵng) cho hay vừa chữa trị thành công cho một bệnh nhi bị vỡ phình bóc tách động mạch chủ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lúc mê, lúc tỉnh, mệt mỏi, vã mồ hôi, môi và đầu chi tím.

Theo Dân Trí, ngày 30/11, cháu H.A. được gia đình đưa đến 1 bệnh viện tại Đà Nẵng trong tình trạng lúc mê, lúc tỉnh, mệt mỏi, vã mồ hôi, môi và đầu chi tím. Cháu H. A. được các bác sĩ tại khoa cấp cứu thực hiện kiểm soát huyết áp tức thời nhằm hạn chế bóc tách lan rộng. Bệnh nhân được chẩn đoán vỡ phình bóc tách động mạch chủ tuýp A.

[poll3]385[/poll3]


VTC cho biết thêm, nhận định đây là trường hợp cần được thực hiện phẫu thuật khẩn cấp để cứu sống bệnh nhân, sau khi hội chẩn cùng chuyên gia của Bệnh viện Tim Hà Nội, các bác sĩ đã thực hiện thành công ca phẫu thuật sau 6 giờ liên tục bao gồm các công đoạn: Thay đoạn động mạch phình, bảo tồn van động mạch chủ, tạo hình lại động mạch vành phải và cắm lại hai lỗ động mạch vành vào mạch nhân tạo.

Cung cấp thêm thông tin, Công an nhân dân cho biết, Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng Khoa ngoại tim mạch lồng ngực, Đơn vị tim mạch – BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng chia sẻ: “Sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi tốt, mạch nhân tạo tương thích và hoạt động ổn định trong cơ thể, các hoạt động, chức năng của tim hồi phục tốt. Không có dấu hiệu nhiễm trùng hay xuất huyết trong, em Nguyễn Lê H. A. đã được xuất viện vào sáng ngày 27/12 để trở lại với cuộc sống hàng ngày như bao trẻ em khỏe mạnh khác”.

Được biết, phình tách động mạch chủ tuýp A là bệnh tim tiên lượng nặng, rất xấu, không được điều trị thì nguy cơ tử vong tăng 1% cho mỗi giờ trong vòng 72 giờ và hơn 90% trường hợp không được điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao.

Đây là căn bệnh thường gặp ở người lớn, khi phẫu thuật phải thay một đoạn động mạch chủ đồng thời thay van động mạch chủ. Tuy nhiên đây là trường hợp trẻ nên cần phải bảo tồn van động mạch chủ.

Tỉ lệ mắc bệnh tim bẩm sinh khoảng 8/1000 trẻ. Các bậc phụ huynh cần quan tâm và cho con em được khám và tầm soát bệnh ngay từ đầu, sẽ giúp các em nhận được sự chăm sóc tốt nhất về mặt y tế, tránh các trường hợp bệnh nặng sẽ khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn.

Tổng hợp

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuu-song-be-trai-12-tuoi-bi-vo-phinh-boc-tach-dong-mach-chu-sau-6-gio-phau-thuat-a176202.html