Người Việt sở hữu nguồn collagen dồi dào, giá trị cao từ một loại phế phẩm ít ai ngờ


Thứ 3, 25/08/2020 | 03:15


Bằng phương pháp tách chiết mới, collagen thu được từ loại phế phẩm này có phân tử lượng cao, không màu, không mùi và hàm lượng béo rất thấp.

Bằng phương pháp tách chiết mới, collagen thu được từ loại phế phẩm này có phân tử lượng cao, không màu, không mùi và hàm lượng béo rất thấp, phù hợp với ứng dụng làm nguyên liệu cho sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm và dược phẩm.

Tận dụng phế phẩm là da cá tra để tách chiết collagen, PGS.TS Phan Đình Tuấn, Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã nghiên cứu thành công và đề xuất một giải pháp có thể đem lại lợi nhuận hàng tỷ USD.

PGS.TS Phan Đình Tuấn cho biết, với sản lượng 1,3 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2019, cá tra là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Thực tế, nguồn lợi nhuận từ cá tra hoàn toàn có thể nâng cao hơn nữa nếu việc xử lý phụ phẩm từ ngành này được đầu tư tương xứng, đặc biệt là da cá tra. Phần thịt cá sử dụng trong sản phẩm phi lê chỉ chiếm 30% trọng lượng thân cá. 70% còn lại như đầu, da, xương trở thành phụ phẩm, được bán với giá rất rẻ chỉ từ 6.000 - 8.000 đồng/kg.

Da cá tra chứa nguồn collagen dồi dào. Ảnh minh họa

Để tách chiết và tinh chế collagen từ da cá tra với hiệu suất và chất lượng cao, nhóm nghiên cứu đã tiến hành ba bước. Đó là xử lý da cá, chiết collagen và tinh chế collagen.

Thực tế, phương pháp loại bỏ chất béo có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất thu nhận collagen. Vì thế, nhóm nghiên cứu tập trung vào cải tiến bước xử lý da cá và tinh chế collagen.

Để đạt được mục tiêu, PGS.TS Phan Đình Tuấn và các cộng sự đã tiến hành loại bỏ chất béo bằng cách sử dụng hóa chất và dung môi hữu cơ đến một mức độ nhất định nhằm tránh tổn thất protein collagen, sau đó sử dụng phương pháp tách chất béo bằng CO2 ở trạng thái siêu tới hạn.

“Collagen thu được bằng phương pháp này có phân tử lượng cao, không màu, không mùi và hàm lượng béo rất thấp. Phù hợp với ứng dụng làm nguyên liệu cho sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm và dược phẩm. Khi để ở nhiệt độ dưới 39,5 độ C, collagen không bị biến tính về cấu trúc nên dễ bảo quản.

Trên thế giới, việc tách chiết collagen từ da cá đã được tiến hành từ năm 1990 nhưng ở Việt Nam, đến nay chưa có đề tài tách chiết collagen nào được đưa vào ứng dụng. Vì vậy, collagen vẫn là mặt hàng nhập khẩu với giá cao.

Vũ Đậu (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-viet-so-huu-nguon-collagen-doi-dao-gia-tri-cao-tu-mot-loai-phe-pham-it-ai-ngo-a336327.html