Nước máy nhiễm Styren vượt ngưỡng, dân tiêu chảy, mắc bệnh ngoài da


Thứ 4, 16/10/2019 | 08:58


Nhiều cư dân phản ánh bị ngứa rát, tiêu chảy, sốt cao nghi do sử dụng nước sông Đà chứa chất Styren độc hại vượt ngưỡng.

Nhiều cư dân phản ánh bị ngứa rát, tiêu chảy, sốt cao nghi do sử dụng nước sông Đà chứa chất Styren độc hại vượt ngưỡng.

Mấy ngày gần đây, người dân và báo chí đã phản ánh về việc nước sạch tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai có mùi bất thường. Thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra toàn bộ nguồn cung, xả nước của nhà máy nước sông Đà thuộc Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà - Viwasupco (Công ty).

Kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước liên quan đến chất styren, chất này có tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức bình thường.

Người dân phản ánh nghi bị bệnh do nước không sạch

Chưa dừng ở đó, một số người còn cho hay, sử dụng loại nước này, họ có hiện tượng bị tiêu chảy, mẩn đỏ, đau họng...

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị N.T.T, phòng 3428, HH1A Linh Đàm, Hoàng Mai, cho biết, mấy hôm vừa rồi, cùng thời điểm nước có mùi khét nồng nặc, da mặt chị tự nhiên bong tróc, rát, ngứa rất khó chịu. Bôi thuốc ngoài da không đỡ, chị T. nghi do nước máy không đảm bảo nên lấy nước đun sôi để nguội rửa mặt thì vết ngứa dịu dần.

Hình ảnh chị T., sau khi bỏ nước máy dùng nước đóng chai, vết ngứa đã dịu - Ảnh: Báo giao thông.

Chị T. khẳng định từ trước tới nay chưa bao giờ bị như vậy. Không chỉ có chị T., con chị mới sinh được khoảng 4 tháng cũng xuất hiện những vết sần đỏ trên mặt. "Không biết có phải bị dị ứng không nhưng tôi thấy vết sần đỏ trên mặt cháu ngày càng lan rộng", chị T. lo lắng.

Chị T. cho biết thêm, sau khi bị như vậy, mấy ngày vừa rồi gia đình không dám nấu, ăn cơm ở nhà.

Phải thức đêm trông cháu, đôi mắt bà Lâm Thị Gái (cư dân toà HH2C) thâm quầng, mệt mỏi. Vừa nhìn hai đứa trẻ chơi ở sân vừa chia sẻ: "Bé trai lớn 6 tuổi và bé gái 2 tuổi tự nhiên sốt cao. Ăn uống vào là nôn, tiêu chảy, khiến mọi người trong gia đình tôi rất lo lắng. Biết trong nước có mùi nhưng gia đình sử dụng máy lọc, mùi không nồng nặc nhưng sau khi hai cháu có biểu hiện như thế gia đình không dám dùng nữa. Mấy ngày vừa qua dùng nước đóng chai và nước phát miễn phí của đại diện cư dân hai cháu đã đỡ hơn và dần khoẻ lại".

Cũng chung tâm trạng lo sợ, ông Nguyễn Văn Tiến (70 tuổi) cho biết, mấy ngày nay ông và đứa cháu nội gần 1 tuổi bị ho, đau họng, khiến mọi người trong gia đình có thể là bắt nguồn từ nước.

"Nguồn nước của gia đình tôi qua máy lọc nhưng vẫn còn mùi lạ, đun nước sôi vẫn không hết. Đây có thể là nguyên nhân khiến hai ông cháu tôi bị ho, đau họng", ông Tiến chia sẻ.

Chia sẻ về tình trạng trên, anh Nguyễn Đỗ Hải, Ban đại diện HH1B cho biết, những ngày vừa qua khi nước máy sông Đà có mùi lạ, ở nơi đây cũng bắt đầu xuất hiện các bệnh như tiêu chảy, ghẻ lở.... đối với đa phần các cháu nhỏ ở trong khu HH.

Người dân tại các chung cư nước bị nhiễm styren xếp hàng để lấy nước sạch từ xe téc - Ảnh: Trí thức trẻ.

Chất styren nguy hiểm như thế nào?

Theo quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng styren được quy định tối đa 20mg/l, tuy nhiên, các mẫu nước xét nghiệm cho thấy hàm lượng cao hơn quy chuẩn Việt Nam từ 1,3-3,65 lần. Riêng mẫu nước tại các vòi sử dụng của hộ gia đình, hàm lượng styren thấp hơn ở nhà máy và các điểm chứa trung gian.

Nước máy nhiễm styren nghi do nguồn nước sông Đà bị nhiễm bẩn.

Styren là hợp chất hữu cơ có công thức hóa học C6H5CH=CH2, một chất lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan, dễ bay hơi, vị hơi ngọt. Khi đậm đặc, styrene có mùi khó chịu.

Hợp chất hữu cơ styren thường được dùng để sản xuất polystyren và nhiều polyme khác (cụ thể là các sản phẩm như hộp xốp đựng thức ăn, cao su, chất dẻo, chất cách điện, sợi thủy tinh,…).

Chất này trong hộp xốp từng được cho là góp phần phát triển ung thư, giảm thị lực, thính giác và gây tổn thương hệ thần kinh. Các nghiên cứu trên cả người và động vật cho thấy phơi nhiễm styren gây tổn thương các tế bào bạch cầu làm tăng nguy cơ bị bệnh bạch cầu hoặc u lympho, ung thư thực quản và ung thư tuyến tụy.

Trước đây, từng có khuyến cáo cho biết người dân cần hạn chế dùng các đồ vật làm từ styrene như đĩa đựng thức ăn, hộp xốp, cốc dùng 1 lần…

Minh Khôi (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nuoc-may-nhiem-styren-vuot-nguong-dan-tieu-chay-mac-benh-ngoai-da-a297169.html