Tết của những chiến sỹ vùng biên


Thứ 7, 25/01/2020 | 14:15


Trong cái mưa lạnh ngày cuối năm, các cán bộ chiến sỹ ở Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo Hà Tĩnh vẫn miệt mài làm việc.

Nhìn từ xa, Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo Hà Tĩnh như nằm lơ lửng trên sườn núi trong màn sương mù giăng mắc. Trong cái mưa lạnh ngày cuối năm, các cán bộ chiến sỹ ở đây vẫn miệt mài làm việc. Với các anh đã là quá quen với những cái Tết xa nhà...

Cán bộ Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tại Trạm Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.

Đón Tết ở nơi đặc biệt

Chiều cuối năm, dòng người qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đông nghịt, ai cũng muốn làm thật nhanh các thủ tục để về bên gia đình, người thân khi thời khắc giao thừa sắp cận kề. Thế nhưng, đối với anh em cán bộ chiến sỹ Trạm kiểm soát biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, họ đã quen với những cái Tết xa nhà nên không còn cảm giác khắc khoải chờ, mong ngóng nữa.

Thượng úy Nguyễn Đình Tùng, cán bộ trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cho biết, anh chuyển từ Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang về công tác tại Trạm biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo mấy tháng nay. Mấy năm biền biệt, nay khoảng cách từ đơn vị về nhà đã được xích lại còn 100km thế nhưng anh vẫn không thể đón Tết cùng vợ và 2 con nhỏ và mẹ già đã ngoài 80 tuổi.

“Từ trước đến nay, việc được ăn Tết với vợ con là điều rất hiếm hoi. Mỗi lúc Tết đến xuân về, ai cũng có gia đình, cũng có bố mẹ già, lòng anh em chiến sỹ ai cũng hướng về gia đình nhưng đã xác định là nhiệm vụ thì phải làm và cũng đã quen với đặc thù công việc rồi. Vợ con, gia đình cũng hiểu và không trách gì vì xác định đó là nghề nghiệp của bố. Ngày xưa ở Kiên Giang 2000km nhưng được chuyển về đây chỉ cách nhà 100km đã là mừng rồi”, anh Thượng úy Nguyễn Đình Tùng mộc mạc chia sẻ.

Còn đối với Thượng úy Nguyễn Thành Công (SN 1990), Đội trưởng kiểm tra giám sát Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo – một sỹ quan trẻ mới ra trường thì việc đón Tết xa nhà là nhiệm vụ gắn với nghiệp binh. Thượng úy Nguyễn Thành Công, công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang vào năm 2014, đến năm 2017, anh được chuyển về công tác tại đây. Là một thanh niên chưa lập gia đình, những ngày đầu mới lên đây – nơi vùng biên hẻo lánh anh đã rất bỡ ngỡ. Công tác ở vùng biên cương đồng nghĩa với không có điều kiện tiếp xúc với bạn bè nên đến nay Thượng úy Công vẫn chưa lập gia đình dù bạn bè cùng lứa đã “yên bề gia thất”.

“Mỗi lần về nhà là bố mẹ, gia đình thúc giục cưới vợ nhưng xác định nhiệm vụ của mình rồi nên tôi cố gắng hoàn thành. Dịp Tết đặc thù, lực lượng anh em chiến sỹ bộ đội biên phòng phải hoạt động thời gian với cường độ nhiều hơn bình thường. Các bà con về quê ăn Tết, hàng hóa lưu thông qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo cũng gia tăng, phải tăng cường kiểm soát. Cường độ và mật độ làm việc cao, phải trực 24/24”, Thượng úy Nguyễn Thành Công nói.

Rừng thiêng nước độc

Những cơn gió rít từ dãy Trường Sơn, ở độ cao 820m so với mực nước biển, Cửa khẩu Cầu Treo lạnh se sắt trong màn sương dày đặc. Thiếu tá Trần Văn Sông, Trạm trưởng trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (BĐBP Hà Tĩnh) cho biết, với anh em chiến sỹ bộ đội biên phòng công tác xa nhà đó là đặc thù chung, đóng quân ở địa bàn hiểm trở. Vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lưu lượng người, hàng hóa cao hơn. Đặc biệt, tại Cửa khẩu Cầu Treo, lao động từ Lào, Thái Lan, Malaysia về qua nhiều. Hàng hóa họ mang theo cũng nhiều trong đó cũng có trà trộn nhiều đối tượng và hàng hóa. Chính bởi vậy, đối với trước, trong, sau Tết Bộ chỉ huy luôn có kế hoạch tăng cường quân số, công tác kiểm tra, kiểm soát được tăng cường, siết chặt; thường trực 70% quân số.

“Dịp Tết, thời tiết sương mù, tháng 12 sương mù dày đặc nên việc quan sát đi lại tuần tra kiểm soát khó khăn. Nhiệt độ ở đây có khi xuống 5 - 0 độ C, tầm nhìn 5m. Đường xá đi lại vất vả, thực phẩm phải mua cách 30 km, chúng tôi phải dự trữ trước 10 ngày, các sản phẩm rau, gà thì được anh em đơn vị tăng gia. Chúng tôi luôn đùa rằng, hành trang của người bộ đội biên phòng là rừng thiêng nước độc, khí hậu độc. Có nhiều đồng chí lên đây là không sinh được con. Bởi vậy bộ chỉ huy có cả chương trình hiếm muộn tạo điều kiện cho cán bộ chiến sỹ nghỉ 3 - 6 tháng đi chữa hiếm muộn. Bản thân tôi, từ năm 2007 đến nay, đã 7 năm ăn Tết với anh em đơn vị. Khó khăn thì nhiều vô kể, nhưng xác định nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới là nhiệm vụ thiêng liêng nên cán bộ, anh em chiến sỹ luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, Thiếu tá Trần Văn Sông nói. Trong màn sương mờ ảo, trên sườn núi, hoa dã quỳ đã nhuộm vàng 1 góc xuânn

Ngân Hà – Thiện Quyền
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống và Pháp luật số 11+12+13+14+Số 3+4 (Chủ nhật)+Số 3 (Tháng)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tet-cua-nhung-chien-sy-vung-bien-a308598.html