Tiểu thương ở Hà Nội ngao ngán bởi rau xanh rớt giá sau Tết


Thứ 4, 24/02/2021 | 03:54


Sau Tết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá rau xanh giảm mạnh, khó tiêu thụ khiến các tiểu thương rơi vào tình trạng lao đao.

Sau Tết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá rau xanh giảm mạnh, khó tiêu thụ khiến các tiểu thương rơi vào tình trạng lao đao.

Theo khảo sát, thị trường tiêu thụ thực phẩm giảm sâu bởi trước đó, người dân đã mua đủ thực phẩm cho nhiều ngày sau Tết. Bên cạnh đó, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp chính là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp, đẩy rau xanh rớt giá thê thảm.

Tại các chợ lớn như: Chợ Cầu Diễn và chợ Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, TP. HN), không khí mua bán những ngày đầu năm khá ảm đạm. Tiểu thương và người tiêu dùng đều phải đeo khẩu trang, đo nhiệt độ và sát khuẩn tay cẩn thận trước khi vào chợ. Mọi việc mua bán, trao đổi hàng hóa phải diễn ra nhanh chóng và theo đúng nguyên tắc để tránh dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Tiểu thương và người tiêu dùng đều phải đeo khẩu trang, đo nhiệt độ và sát khuẩn tay .

Nếu như những năm trước, vào ngày sau Tết, khu chợ luôn đông vui, tấp nập người ra kẻ vào. Người dân nô nức đi mua thực phẩm để làm mâm cơm cải thiện, chủ yếu chọn rau xanh bởi đã chán ngán với bánh chưng, thịt giò. Tuy nhiên, năm nay, các khu chợ đều lác đác bóng người.

Theo ghi nhận, tại các sạp rau xanh trong chợ bày bán đầy đủ các loại như: Súp lơ, su hào, cải bắp, cải thảo, cần tây, cải cúc, hành lá… nhưng vắng bóng khách hàng.

Các sạp hàng đầy đủ các loại rau nhưng vắng bóng khách hàng.

Thời điểm trước Tết, giá rau tăng khá cao, giá súp lơ dao động từ 10.000 – 15.000 đồng/cây; su hào từ 7.000 – 10.000 đồng/kg; cải bắp từ 15.000 – 20.000 đồng/cây. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 3.000 – 5.000 đồng/cây súp lơ; 3.000 đồng/bắp cải và 3.000 đồng/kg su hào. Mặc dù giá giảm nhiều nhưng vẫn ít người đến mua.

Giá các loại rau đều giảm sâu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật, chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương cung cấp rau tại chợ Xuân Đỉnh chia sẻ: “Dịch bệnh Covid-19 khiến công việc kinh doanh của tôi trở nên khó khăn. Những năm trước, giá rau sau Tết luôn ổn định, có những năm giá lên cao. Tuy nhiên năm nay, do yêu cầu hạn chế tụ tập nơi đông người nên khách lẻ giảm hẳn. Các trường học cho học sinh nghỉ học, phòng chống dịch bệnh nên tôi không đưa được các loại rau vào trường nữa. Nhiều hàng quán cũng đóng cửa khiến việc kinh doanh lỗ nặng”.

Khung cảnh chợ Xuân Đỉnh sau Tết nguyên đán diễn ra ảm đạm, lác đác người.

Gía rau tại chợ Cầu Diễn cũng giảm mạnh, chỉ bằng một nửa so với trước Tết.

Còn chị Nguyễn Ngọc ngao ngán cho biết: “Biết tình hình dịch bệnh phức tạp nên tôi cũng không nhập nhiều hàng như trước. Mỗi ngày, mang rau ra chợ bán được ít nào hay ít đó, cố gắng duy trì cuộc sống qua đợt khó khăn này. Rau xanh giá rẻ như cho mà vẫn ế ẩm”.

 Nếu tình hình dịch vẫn tiếp diễn thì cuộc sống mưu sinh của họ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Không chỉ tiểu thương mà các nông dân trồng rau cũng rơi vào tình cảnh đáng thương. Tại các cánh đồng trồng rau thuộc thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP. HN), nông dân khóc ròng khi phải nhổ bỏ rau quá lứa. Nhiều ruộng, rau già cỗi nở hoa cũng không có người hỏi mua.

Giá rau ở thời điểm hiện tại rẻ hơn so với trước Tết do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các trường học đều không nhập rau. Các siêu thị, hàng quán ăn đều giảm nhập hàng. Vì vậy, tiểu thương rơi vào tình trạng lao đao bởi rau ế, giá giảm thê thảm, bán hàng rất chậm. Nếu tình hình dịch vẫn tiếp diễn thì cuộc sống mưu sinh của họ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

 Ứng Hà Chi

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tieu-thuong-o-ha-noi-ngao-ngan-boi-rau-xanh-rot-gia-sau-tet-a356939.html