Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/9/2019: Cắt khối u gần nửa kg cho bé trai 2 tuổi


Thứ 3, 17/09/2019 | 23:15


Cùng sự kiện

Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/9/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 18/9/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/9/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 18/9/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Cắt khối u gần nửa kg ở vùng bụng cho bé trai 2 tuổi

Sau hơn 3 ngày nhập viện, đến chiều 17/9, bé trai 2 tuổi (ngụ xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) dần hồi phục sức khỏe. Nhóm y, bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi vừa phẫu thuật cắt bỏ khối u gần nửa kg nằm ở vùng bụng dưới rốn của bệnh nhi này.

Chị Tâm chăm sóc con trai sau ca phẫu thuật cắt bỏ khối u. Ảnh: Zing.vn

Theo các bác sĩ, bé nặng 10 kg, khối u gần nửa kg đã chèn ép, đẩy lệch bàng quang, trực tràng khiến bệnh nhi đau đớn.

Trao đổi với báo Tri Thức Trực Tuyến, chị Hồ Thị Tâm, mẹ cháu bé, cho hay khi tròn 1 tuổi, con trai thường xuyên bị đau ốm. Nhiều lần gia đình đưa cháu đến cơ sở y tế khám nhưng bác sĩ không phát hiện khối u.

Mới đây, trong lúc chơi trên sân nhà, cậu bé la khóc, ôm bụng đau quằn quại.

"Vợ chồng tôi cấp tốc đưa con đến Bệnh viện huyện Sơn Hà cấp cứu. Bác sĩ siêu âm, phát hiện khối u lớn ở vùng bụng dưới rốn của con, đồng thời yêu cầu gia đình chuyển đến Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi phẫu thuật", chị Tâm kể.

Sau khi siêu âm, nhóm bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi xác định khối u sau phúc mạc lớn, gây chèn ép, đẩy lệch bàng quang, trực tràng khiến cậu bé bí tiểu, táo bón, đau đớn ở vùng bụng. Nếu để lâu, khối u phát triển sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhi.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Duy, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi, cho biết sau phẫu thuật, sức khỏe của cháu bé tiến triển tốt. Rất may, kết quả giải phẫu bệnh khối u của bệnh nhi lành tính.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi tiếp nhận và phẫu thuật cho trẻ 2 tuổi có khối u lớn như vậy”, bác sĩ Duy nói.

Người đàn ông tử vong sau một tháng bị chó dại cắn

Ngày 17/9, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, xác nhận ông Nguyễn Văn Mỹ (36 tuổi), ngụ Làng Rin, xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà đã tử vong do bệnh dại.

Trước đó, ngày 6/8, ông Mỹ bị chó cắn nhưng vì chủ quan không đến cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh mà chỉ tự xử lý vết thương tại nhà.

Vắc xin phòng chó dại cắn. Ảnh: Zing.vn

Sau hơn 1 tháng, người đàn ông này có các triệu chứng của bệnh dại như chảy nước dãi, sốt cao, sợ nước, sợ ánh sáng và được gia đình đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà. Tuy nhiên, ông Mỹ đã tử vong sau đó.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, trung bình mỗi năm, địa phương có hơn 6.000 trường hợp bị chó, mèo, chồn… cắn, phải tiêm vắc xin hoặc huyết thanh phòng dại. Tuy nhiên có những trường hợp chủ quan đã không tiêm vắc xin nên mỗi năm có 2 đến 3 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi khuyến cáo bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của súc vật dại. Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng cách tiêm vắc xin hay huyết thanh kháng dại. Tuy nhiên khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong ở người và động vật là gần 100%.

Điều trị thành công 2 ca nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người"

Báo Pháp luật TP. HCM đưa tin, ngày 17/9, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 6 ca mắc bệnh whitmore. Trong đó, 4 ca tử vong do đến bệnh viện (BV) muộn, 2 ca được BV Đa khoa tỉnh Yên Bái cứu sống.

Ca thứ nhất được cứu sống là bệnh nhân Vi Văn L. (49 tuổi, huyện Lục Yên) nhập viện vào trung tuần tháng 9/2019 trong tình trạng sốt cao kèm run và đau bụng, các chỉ số sinh tồn giảm mạnh. Tuy nhiên, khi chẩn đoán lâm sàng thì không phát hiện được cơ quan nào trong cơ thể bị viêm nhiễm.

Bệnh nhân Vi Văn L. đã qua cơn nguy kịch - Ảnh: Báo Yên Bái

Sau hai lần nuôi cấy định danh vi khuẩn, các bác sĩ đã phát hiện ra vi khuẩn whitmore trong cơ thể bệnh nhân. Sau khi được điều trị tích cực theo phác đồ, dùng kháng sinh đặc hiệu liều cao, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát. Hiện bệnh nhân L. đã tỉnh táo, hết sốt.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Nguyễn Văn Q. (36 tuổi, huyện Văn Yên). Bệnh nhân nhập viện vào tháng 7/2019, được các bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị thành công. Bệnh nhân ra viện cuối tháng 7/2019.

Trước căn bệnh đáng sợ này, trao đổi với Người Đưa Tin, Bác sĩ Trương Hữu Khanh chuyên khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, vi khuẩn Whitmore không phải là bệnh lây từ người sang người, nên không thể có tác hại nặng. Vi khuẩn Whitmore (hay còn gọi là bệnh Melioidosis) mà người dân thắc mắc và hoang mang thời gian qua là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.

“Bệnh này không phải mới được phát hiện gần đây mà đã được ghi nhận từ lâu. Cơ chế lây bệnh của loại vi khuẩn này là từ đất, từ nước bẩn. Bệnh có biểu hiện như sốt, co giật, sốt kéo dài, viêm phổi kéo dài… Bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da trầy xước là chính, vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử nên bị gọi là "ăn thịt người". Cái chính ở đây là bác sĩ, nhân viên y tế phải biết căn bệnh này để phát hiện sớm, chẩn đoán đúng, điều trị đúng, nếu chẩn đoán nhầm thì khó khỏi. Nên không phải là gánh nặng ghê gớm”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết thêm.

Nguyễn Phượng (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-1892019-cat-khoi-u-gan-nua-kg-cho-be-trai-2-tuoi-a293290.html