+Aa-
    Zalo

    Dự án sông Tích 7000 tỷ chậm tiến độ: Cần xử lý nghiêm trách nhiệm chủ đầu tư

    • DSPL
    ĐS&PL Dù đóng vai trò chủ đầu tư một dự án trọng điểm của thủ đô, thế nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội vẫn để xảy ra việc chậm tiến độ.

    Liên quan đến đại dự án cải tạo Sông Tích được đầu tư gần 7.000 tỷ nhưng vẫn chậm tiến độ sau 10 năm, trao đổi với PV Đời sống Pháp Luật, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng “cần xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của chủ đầu tư”.

    Đề cập đến việc cải tạo sông ngòi tại Hà Nội, ông Hùng khẳng định đây là vấn đề rất cấp bách, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người dân: “Nếu không làm ngay thì có thể các thế hệ sau sẽ phải chịu hậu quả về sức khoẻ. Theo tôi chúng ta không thiếu các nhà khoa học, nhưng vấn đề ở đây là người chịu trách nhiệm  triển khai phải có cái tâm”.

    Nói về dự án cải tạo sông Tích đã chậm tiến độ nhiều năm, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng đây là vấn đề không thể chấp nhận được: “Nếu lãnh đạo Thành phố đã giao trách nhiệm cho một cơ quan cụ thể, cho thời hạn mà vẫn không báo cáo hay thực hiện thì cần xử lý theo quy định”.

    Theo Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phải thực hiện sâu quy trình thẩm tra, xác minh, tránh việc chỉ nêu hiện tượng mà không quy được trách nhiệm cụ thể.

    “Tại sao một tổ chức lại có thể xảy ra việc như vậy? Cấp trên đã chỉ đạo mà chưa chịu triển khai thì cần nói rõ vướng mắc ở đâu, phải giải trình ngay. Ví dụ một gia đình cha mẹ nói con cái phải tuân thủ, đằng này hẳn là một tổ chức”, ông Hùng băn khoăn và đặt dấu hỏi về hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”.

    “Nếu lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội không quyết liệt, xử lý qua loa kiểu thông cảm cho nhau thì còn gì là quản lý giám sát nữa. Đã là chỉ đạo thì phải làm đến nơi đến chốn, xem xét giao nhiệm vụ, chỉ đạo đã sâu sát chưa”, ông Hùng nhấn mạnh.

    Cũng theo ông Hùng, cần phải xử lý nghiêm khắc trách nhiệm cá nhân khi dự án bị chậm tiến độ, gây lãng phí tài sản Nhà nước, nhất là trong bối cảnh các vụ việc tiêu biểu đã xảy ra như Gang Thép Thái Nguyên.

    “Một dự án đến 7000 tỷ đồng, chứ không phải 7 tỷ đồng mà lại để chậm tiến độ. Tôi đề nghị cần làm cho rõ trách nhiệm cá nhân, tránh việc để tái diễn sau này, bởi thực tế nhiều vụ tương tự đã xảy ra nhưng rồi lại chìm xuồng”, ông Hùng nhấn mạnh.

    Dù đóng vai trò chủ đầu tư một dự án trọng điểm của thủ đô, thế nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội vẫn để xảy ra việc chậm tiến độ, hay thậm chí "phớt lờ" chỉ đạo của lãnh đạo Hà Nội.

    Trước đó, ngày 9/3/2021, trong cuộc họp xem xét, xử lý những khó khăn, vướng mắc của dự án cải tạo sông Tích, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyềncũng đã thừa nhận “quá trình triển khai dự án đã kéo dài, các nội dung phát sinh qua thời gian dài khó giải quyết, đòi hỏi phải rà soát chặt chẽ”. Tại cuộc họp này, ông Quyền nêu rõ vai trò của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (NN&PTNT) là chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trong quá trình thực hiện và chủ trì tham mưu xử lý, rà soát lại toàn bộ quy định, thủ tục, các bước triển khai, hồ sơ, hoá đơn, biên bản, các vấn đề liên quan toàn bộ nội dung phát sinh, tổng hợp hoàn thiện trong hồ sơ xác định khối lượng phát sinh đảm bảo hiệu quả, chính xác, đúng quy định pháp luật.

    Phó chủ tịch UBND Thành phố giao Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ đối với các nội dung mà thành phố đã chỉ đạo, bao gồm việc giải phóng mặt bằng, đào phá đá, vận chuyển, đóng nhổ cọc cừ, thay đổi địa chất. Đới với việc bổ sung 5 cầu dân sinh, quan đỉểm của Thành phố là thống nhất nguyên tắc, tổng hợp trong hồ sơ điều chỉnh dự án. Đồng thời, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phố hợp với Sở Tài nguyên Môi trường,…rà soát, khảo sát đề xuất việc xác định cụ thể bãi chứa đất thải, bãi lấy đất đắp, hoàn thiện thủ tục theo quy định.

    Đối với các nội dung về đơn giá, định mức, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tập trung chỉ đạo thực hiện, hoàn thiện hồ sơ, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện.

    Đặc biệt, cần nghiên cứu đề xuất, đánh giá việc tiếp nước từ sông Tích sang sông Đáy phục vụ sản xuất, dân sinh, góp phần xử lý ô nhiễm môi trường nước sông Đáy.

    Trên cơ sở kết quả thực hiện các nội dung nêu trên, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở NN&PTNT chủ trì hoàn thiện nội dung báo cáo và dự thảo tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND Thành phố xin ý kiến Thường trực, Ban Thường vụ Thành uỷ về chủ trường điều chỉnh dự án làm cơ sở tổ chức triển khai điều chỉnh dự án theo quy định, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 15/4/2021.

    Mặc dù yêu cầu phải báo cáo trước ngày 15/4/2021 và “chịu trách nhiệm toàn diện”, nhưng cho đến nay, quá thời hạn đặt ra gần nửa tháng nhưng Sở NN&PTNT vẫn chưa báo cáo theo yêu cầu của lãnh đạo thành phố.

    Nhiều ý kiến cho rằng, dự án trọng điểm của Thủ đô bị chậm tiến độ là do “trên bảo dưới không nghe”, dù cấp trên yêu cầu báo cáo, tháo gỡ vướng mặc cho dự án nhưng các Sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở NN&PTNT (chủ đầu tư) đã chậm trễ thực hiện, dẫn đến dự án bị đình trệ, kéo dài nhiều năm. Cũng có ý kiến cho rằng cần phải xem lại năng lực điều hành của Giám đốc Sở NN&PTNT khi để một công trình trọng điểm bị đình trệ suốt nhiều năm qua.

    Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

    Hiếu Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-an-song-tich-7000-ty-cham-tien-do-can-xu-ly-nghiem-trach-nhiem-chu-dau-tu-a363899.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan