Nghệ sĩ cải lương Trang Thanh Xuân: Từ cô đào quyến rũ đến bà bán vé số ở nhà thuê, ăn bánh mì từ thiện


Chủ nhật, 17/05/2020 | 13:10


Cùng sự kiện

Trong một buổi chiều tà, có mặt ở chợ Rạch Ông, chúng tôi thấy hai bà lão có tấm lưng còng, rệu rã bước đi chậm rãi, trên tay cầm xấp vé số.

Trong một buổi chiều tà, có mặt ở chợ Rạch Ông, chúng tôi thấy hai bà lão có tấm lưng còng, rệu rã bước đi chậm rãi, trên tay cầm xấp vé số. Bà lão mặc áo nâu, đội nón, đeo kính dù lộ vẻ mệt mỏi vẫn cố kéo tay người kia len lỏi từ chợ ra đường Nguyễn Thị Tần. Ít ai ngờ rằng bà lão ấy từng là một nghệ sĩ cải lương triển vọng có nghệ danh rất đẹp Trang Thanh Xuân.

Sụp đổ giấc mộng vàng vì căn bệnh quái ác

Dưới mái hiên quán nước mía vỉa hè, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân kéo ghế ngồi và thở dốc. Trời nắng, bản thân lại mang nhiều bệnh, chỉ cần đi một quãng ngắn, bà lại thấy mệt. Vậy mà, ngày nào, bà cũng phải dậy từ sớm, cùng em gái đi khắp chợ Rạch Ông (quận 8, TP.HCM) bán vé số. Tuổi cao, sức yếu, bà chỉ dám lấy từ 50-60 tờ vé số để bán. Tiền lãi của việc bán vé số, bà cất riêng để mua thuốc và trả tiền thuê phòng trọ.

Khi xưa, người ta biết đến bà với nghệ danh Trang Thanh Xuân. Bây giờ, bà trở về đời thực với cái tên Đào Thị Thanh Xuân và bươn chải kiếm sống bằng công việc bán vé số dạo. Bà sinh năm 1952, tại Sài Gòn, trong một gia đình nghèo có cha mẹ đều theo gánh hát. Số phận sắp đặt bà sinh ra và lớn lên trong “kiếp con tằm rút ruột nhả tơ”. Có lẽ vì vậy mà cái khổ cũng vận vào cuộc đời bà. Chớm tuổi 20, bà trở thành đào chính cho một số sân khấu cải lương. Nữ nghệ sĩ Trang Thanh Xuân được khán giả, báo giới nhắc đến với cụm từ cô đào trẻ triển vọng.

Hình ảnh nghệ sĩ Trang Thanh Xuân trên mặt báo những năm đỉnh cao sự nghiệp. Ảnh: Cailuongvietnam.

Từ chỗ hát thế vai cho nghệ sĩ đàn chị Phượng Liên, Phượng Mai, Thanh Nga... bà được hát chính cho đoàn hát Việt Nam Minh Vương. Thế nhưng, sau đó, cũng như số phận nhiều gánh hát khác, thăng trầm buộc họ phải trôi dạt, hợp tan. Cô đào Trang Thanh Xuân cũng về các đoàn hát ở nhiều tỉnh để cố trụ lại với nghề. Đam mê, chấp nhận hết những khốn khó của nghề nhưng chắc gì số phận cho ta đi hết, trải nghiệm, hoàn thành tất thảy vinh nhục của nghề. Cô đào Trang Thanh Xuân cũng thế, bà mê hát đến độ không quan tâm chuyện lập gia đình. Bà không thèm nghĩ đến một ngày nhà không có, chồng con cũng không, lặng lẽ cô đơn ở một góc của phận đời.

Những đêm hát tràn ngập khán giả, âm thanh rộn ràng bao nhiêu bà cảm thấy khó chịu bấy nhiêu, thở không nổi. Nhiều lần như thế, bà mới chịu tìm đến bệnh viện thăm khám. Bác sĩ kết luận bà bị bệnh tim, khuyên bà không nên hát. Nằm viện mấy lượt, lần nào bà cũng khóc, khóc cho thân phận, khóc cho nghiệp hát dở dang. Khổ đau làm bà cạn nước mắt, buộc cô đào hát triển vọng năm nào phải nghĩ đến kế mưu sinh khác.

Khoảng năm 1986, bà giải nghệ. Rời đoàn hát, bà mới giật mình nhận ra, bấy lâu nay không có của để dành, cũng không nhà cửa chỉ là hai bàn tay trắng nghèo xơ xác nghèo... Bà tìm thuê phòng trọ và đẩy xe bán bắp luộc đi khắp nẻo Sài thành. Bắp luộc bán không chạy, bà chuyển qua nấu chè chuối chưng đi bán. Bán chè mất nhiều sức, thức khuya dậy sớm khiến người mắc bệnh tim như bà ngày một yếu hơn. Bà chuyển qua bán đĩa hát và vé số. Đĩa hát dần trở thành dĩ vãng nên bà gắn đời mình với xấp vé số hơn 20 năm qua.

Nuốt nước mắt thương đời nghệ sĩ nghèo

Thời gian đầu giải nghệ, biết bà bệnh, ông bầu gánh hát, đồng nghiệp còn lui tới thăm nom, người giúp cho ít quà bánh, người góp cho mấy đồng uống thuốc. Dần dà, công việc của sân khấu kéo họ vào guồng quay nên ít người còn nhớ đến bà. Dẫu sao việc đó cũng khiến bà đỡ nhớ nhung sân khấu, chuyên tâm vào công việc bán vé số mưu sinh. Bởi, ngoài lo cho bản thân, bà còn chăm lo người em gái ruột cũng mắc đủ thứ bệnh.

Ngày nào, hai chị em nghệ sĩ Trang Thanh Xuân cũng ra chợ Rạch Ông từ sáng sớm, dắt nhau len lỏi vào dòng người với xấp vé số trên tay. Với cơ thể có hơn chục căn bệnh, nữ nghệ sĩ từng ngất xỉu trong lúc mưu sinh, còn chuyện cảm nắng, ho sốt thì như cơm bữa. Bởi vậy, bà không dám đi bán xa, chỉ quanh quẩn ở chợ, cũng không dám mời mọc mọi người, thấy chỗ đông thì lánh đi chỗ khác. Đi đến khi nào xấp vé số được bán hết, bà mới tìm về phòng trọ.

Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân trải lòng về cuộc sống khốn khó.

Khổ đến vậy, bà vẫn bị bọn bất lương lừa gạt lấy vé số, em gái của bà thì bị cướp, người mua vé số của bà trúng giải cũng không quay lại tìm. Bà không còn hơi sức để oán trách mà chỉ biết rơi nước mắt khi nhắc đến chuyện không vui. Chúng tôi đặt tay mình lên vai bà, cảm nhận sự run rẩy của tuổi già, sự buồn tủi của một số phận hẩm hiu.

Bao nhiêu năm qua, bà tự mình vượt qua chông chênh của cuộc sống, nỗ lực đến hơi tàn sức kiệt, lạc quan đi một mình trên con đường đầy chông gai mà số phận sắp đặt. Có thời điểm, hoàn cảnh của bà được nhiều người biết đến, họ giúp đỡ bà nhiệt thành nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, thanh toán nợ nần cũ thì nợ nần mới chất chồng. Bà tự nhủ, bên ngoài còn có nhiều người khó khăn hơn mình, người hảo tâm cũng còn có việc của họ, không ai nhớ đến mình mãi, không ai cho mình hết lần này đến lần khác.

Nghĩ vậy, bà cam chịu lặng lẽ mưu sinh, không tạo cảnh xót thương để mong người đời chiếu cố. Bán vé số, bà cũng ăn mặc sạch sẽ, tươm tất, nón áo phẳng phiu. Người nghệ sĩ có thể nghèo nhưng không thể bần tiện, lôi thôi. Bởi vậy, bà không ngửa tay xin tiền người khác. Tiền bán vé số bà dành dụm mua thuốc uống và trả tiền thuê trọ. Mỗi tháng, ban Ái hữu nghệ sĩ cho bà 200.000 đồng, 10kg gạo, bà cất kỹ để lo thuốc men và ăn dần.

Mỗi ngày, bà đến thùng bánh mì từ thiện lấy 2 ổ cho hai chị em. Về phòng trọ, bà làm nồi nước mắm kho quẹt chấm với bánh mì không, cũng xong một bữa ăn. Ngày nào ngán bánh mì, bà đi mua cơm, tiệm người ta bán 25.000 đồng/hộp, bà chỉ mua 12.000 – 15.000 đồng để tiết kiệm. Nhiều tiệm cơm thương tình, họ cho bà hai hộp cơm. Vậy là, ngày hôm đó, nắng ban trưa cũng thật dịu dàng với bà lão khốn khó.

Đợt vé số nghỉ phát hành do dịch bệnh, bà không có thu nhập nên ngày nào cũng ra chợ ngồi. Thương bà, mọi người có bánh, có cơm đều gửi cho, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ từ nhu yếu phẩm đến tiền bạc. Ở tuổi này, nói về ước mơ, bà khóc lặng, ước mơ thì nhiều nhưng không còn hy vọng thành hiện thực. Im lặng khá lâu, bà nói, mình nghèo thì có nhiều mong ước lắm. Bà ước có một mái nhà sống tạm để không phải đóng tiền trọ, ước có tiền mua thuốc uống.

Đôi lúc phiền não, bà nghĩ đến việc kết liễu cuộc đời nhưng còn em gái bà thì sao? Tự nhủ mình phải sống vì mình vì em gái, bà lại gắng gượng đi trên con đường khổ ải mà số phận đã an bài.

NGỌC LÀI

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (19)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-si-cai-luong-trang-thanh-xuan-tu-co-dao-quyen-ru-den-ba-ban-ve-so-o-nha-thue-an-banh-mi-tu-thien-a323533.html