+Aa-
    Zalo

    Tân Nhàn "chịu chơi" làm đêm nhạc, tuyên bố "lỗ bao nhiêu chịu hết"

    ĐS&PL Dù vừa tổ chức liveshow cá nhân hoành tráng vào đầu năm 2019, Tân Nhàn vẫn quyết định dốc hết tâm sức thực hiện đêm nghệ thuật "Tứ Ân" nhân mùa Vu lan...

    Dù vừa tổ chức liveshow cá nhân hoành tráng vào đầu năm 2019, Tân Nhàn vẫn quyết định dốc hết tâm sức thực hiện đêm nghệ thuật "Tứ Ân" nhân mùa Vu lan để phục vụ mục đích từ thiện.

    Trong dịp lễ Vu lan năm nay, ca sĩ Tân Nhàn cùng ekip tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt "Tứ Ân" diễn ra vào tối 16/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội để lan toả ý nghĩa đặc biệt của ngày lễ tới đông đảo công chúng.

    Đặc biệt, đây là chương trình mà tất cả các nghệ sĩ đều không lây thù lao. Toàn bộ lợi nhuận của chương trình sẽ được dành cho những mục đích thiện nguyện, san sẻ với những hoàn cảnh của phụ nữ, trẻ em gặp khó khăn hoạn nạn.

    Là người khởi xướng đêm nhạc, Tân Nhàn đã có những chia sẻ vô cùng chân thành về "Tứ Ân".

    Nữ ca sĩ Tân Nhàn.

    - Tân Nhàn có thể giải thích về tên chương trình được không? Tại sao lại là "Tứ Ân"?

    Tân Nhàn là người theo đạo Phật. Mọi người cũng biết, cùng với Đại lễ Phật Đản, Vu lan là mùa lễ quan trọng nhất trong văn hóa Phật giáo, cũng như văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Vu lan là mùa báo hiếu, là dịp để những người con ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Đó là truyền thống đẹp đã có từ ngàn đời. Cũng vì thế, báo hiếu mẹ cha là giá trị cốt lõi của ngày lễ Vu lan và là một "Ân" trong Tứ Ân  hay Tứ Trọng Ân.

    Theo lời Phật dạy, ngày lễ Vu lan còn bao hàm các giá trị lớn lao mang ý nghĩa cộng đồng và giá trị tâm linh, tất cả đều nằm ở trong Tứ Trọng Ân, đó là Ơn Đất nước, Ơn Tam Bảo, Ơn Cha mẹ, Ơn chúng sinh. Phật dạy, mỗi người sinh ra ở trên đời đều cần khắc ghi Tứ Trọng Ân để trở thành những người sống trọn nghĩa, vẹn tình, tốt đời, đẹp đạo.

    Thực ra, Tân Nhàn không phải người nghĩ ra cái tên này, mà là thầy của tôi -  Thượng Tọa Thích Minh Hiền (Động chủ Hương Tích đời thứ 12). Thầy nói với tôi rằng: "Bây giờ con đã là Phó khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, con có thể có những hành động để lan tỏa ý nghĩa ngày Vu lan". Và thầy đã giải thích rằng Vu lan không chỉ có báo hiếu cha mẹ, mà còn là báo ơn đối với "Tứ Trọng Ân". Đó là lý do chương trình Tứ Ân ra đời.

    Thầy thượng Tọa Thích Minh Hiền là người đã khích lệ Tân Nhàn và cũng đóng vai trò là cố vấn nghệ thuật của chương trình.

    - Bắt nguồn từ ý nghĩa lớn lao như vậy, Tứ Ân do Tân Nhàn làm Chủ nhiệm chương trình và Biên tập âm nhạc có gì đặc biệt hơn những chương trình âm nhạc khác mùa Vu lan?

    Chương trình nghệ thuật Tứ Ân được dự kiến chia thành 4 phần tượng trưng cho "Tứ Trọng Ân", sẽ là những ca khúc ngợi ca vẻ đẹp, sự biết ơn với quê hương đất nước, là những bài nhạc Phật chứa đựng lời dạy thiêng liêng đến mỗi người.

    Đến với chương trình, khán giả chắc chắn sẽ đầy cảm xúc với những lời ca tiếng hát ghi khắc công ơn cha mẹ từ âm nhạc truyền thống đến tân nhạc; sẽ thấy được giá trị sâu sắc trong chữ Hiếu của người Việt Nam, càng hiểu hơn công lao trời biển của đấng sinh thành...

     Chương trình cũng không thể thiếu những ca khúc nói lên tình yêu thương giữa con người với con người ở trên thế giới này, trong cuộc sống này, đó chính là “Ơn chúng sinh” theo lời dạy của Phật. Tình yêu thương chính là chất xúc tác kết dính những trái tim tràn đầy nhiệt huyết lại với nhau. Lan tỏa yêu thương giữa con người với con người cũng chính là lan tỏa những giá trị tốt đẹp của đạo Hiếu.

    Âm nhạc của “Tứ Ân” sẽ rất đặc biệt, bản hoà ca giữa Đạo và Đời ấy là những lời hát ngợi ca Tứ Trọng Ân đã hình thành và phát triển theo chiều dài phát triển của dân tộc Việt Nam, từ đó thấy được chữ Hiếu không chỉ là truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt, mà hiện hữu trong cả âm nhạc Việt từ ngàn xưa đến nay.

    - Không chỉ là chương trình âm nhạc truyền thống đơn giản mà có cả nhạc Phật và tân nhạc. Tân Nhàn sẽ "chế biến" thế nào với một chương trình đa dạng như vậy?

    Tân Nhàn tự cảm thấy bản thân cũng không phải người quá giỏi giang gì. Nhưng nhiều năm hoạt động trong môi trường nghệ thuật, cũng như tham gia giảng dạy tại nhạc Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì Tân Nhàn hiểu được ưu điểm của các nghệ sĩ, biết được mỗi nghệ sĩ sẽ thể hiện tốt nhất ca khúc nào.

    Chính sự tự tin ấy đã làm cho Tân Nhàn sự can đảm để có thể nói với Thượng toạ Thích Minh Hiền rằng "Thưa với thầy là con có thể chế biến được thành món ăn tinh thần ngon mà có lẽ mọi người sẽ nuối tiếc khi chương trình kết thúc".

    Để thành công thì ngoài nghệ sĩ biểu diễn hay, ca sĩ hát hay, bài hát hay, cần có 1 ekip rất giỏi. May mắn cho Tân Nhàn là những người trong ekip sát cánh cùng Tân Nhàn đều rất giỏi, nên chắc chắn chương trình sẽ rất hay.

    Với Tứ Ân, Tân Nhàn khẳng định, đêm diễn sẽ có chất lượng nghệ thuật của một chương trình lớn, bởi tiêu chí về mặt nghệ thuật của ekip đặt ra rất cao, không khác gì một liveshow giống như liveshow Trở về của Tân Nhàn. Chỉ là biên chế dàn nhạc ít hơn thôi, nên khán giả sẽ được xem một chương trình nghệ thuật đúng nghĩa như một liveshow.

    Tân Nhàn và các nghệ sĩ tham gia Tứ Ân đều không lấy tiền cát xê.

    - Tân Nhàn đã làm thế nào để thuyết phục dàn nghệ sĩ tham gia Tứ Ân mà không lấy cát xê?

    Tứ Ân có sự góp mặt của NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Đình Cương, ca sĩ Tân Nhàn, sao mai Tuấn Anh, sao mai Lê Anh Dũng, Sao Mai Lương Nguyệt Anh, Sao Mai Bích Hồng, Nguyễn Thu Hằng, Ngọc Ký, nhóm Xẩm Hà Thành, ca sĩ Thu Hà, Hương Ly, Linh Hoa, Thanh Quý…

    Điều đáng quý nhất là thực ra Tân Nhàn không cần thuyết phục gì cả, chỉ cần đưa ra ý tưởng của mình là các đồng nghiệp đều đã hết lòng ủng hộ. Mặc dù khi lên ý tưởng và xây dựng chương trình trong thời gian rất ngắn chỉ hơn 1 tháng, nhưng tôi vô cùng hạnh phúc vì nhận được sự hỗ trợ quá lớn từ các nghệ sĩ.

    Đến khi Tân Nhàn công khai về chương trình thì lại có thêm rất nhiều nghệ sĩ xin tham gia không nhận thù lao. Tuy nhiên vì thời lượng và các tiết mục trong đêm nhạc đã được sắp xếp nên Tân Nhàn đành hẹn các bạn năm sau.

    Cũng vì lẽ đó mà khi thực hiện chương trình, Tân Nhàn đã không hề nghĩ ngợi gì về kinh phí. Chúng tôi đều xác định dù có bán hết vé thì cũng chỉ đủ cho chi phí sản xuất. Thậm chí có lỗ, Tân Nhàn cũng xin được là người chịu trách nhiệm tất cả. Còn tiền bán vé chắc chắn sẽ để làm từ thiện.

    Tân Nhàn thực sự trân trọng các anh chị em đang hỗ trợ chúng tôi. Tôi rất cảm động khi ai cũng mong muốn được góp chút sức nhỏ để làm đẹp hơn cho cuộc sống, được lan toả những lời Phật dạy thông qua âm nhạc đến với đông đảo công chúng.

    - Là người thường xuyên thử nghiệm nhứng cái mới, như gần nhất là việc mang dàn nhạc giao hưởng vào liveshow nhạc dân gian, Tân Nhàn đối mặt thế nào với những tranh cãi?

    Tôi không ngại những ý kiến trái chiều bởi vì tôi nghĩ, có tranh cãi có nghĩa là mọi người đã quan tâm. Tôi thấy đó là một sự thành công.

    Cái cổ truyền không bao giờ mất đi. Cái mới chỉ đem lại sự thú vị cho người trẻ thế hệ sau này vì âm nhạc truyền thống dân gian phát triển theo từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sự chứ không phải 1000 vẫn hát như thế. Âm nhạc truyền thống phát triển cùng với các giá trị của đời sống xã hội, của dân tộc.

    Đổi mới, gây tranh cãi là sự phát triển tất yếu của nghệ thuật nên Tân Nhàn chưa bao giờ ngần ngại trong việc làm mới âm nhạc truyền thống.

    Vi An 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tan-nhan-chiu-choi-lam-dem-nhac-tuyen-bo-lo-bao-nhieu-chiu-het-a286037.html
    Sự kiện: Sao Việt
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan